Có nên tiếp tục vay nợ cho mẹ kinh doanh?

24/10/2024 - 20:46

PNO - Phải chăng vì mẹ con không phải đi vay nợ, không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền thúc bách, nên coi việc kinh doanh này như một thú đam mê?

Chị Hạnh Dung thân mến,

Cách đây 3 năm em có hỏi chị về việc của người dì mà em thương yêu nhất, em gửi lời cảm ơn đến chị một lần nữa ạ. Nay em lại phiền đến chị rồi.

Gia đình em từ trước tới nay không giàu có, nhưng ba mẹ không để con cái đói khổ, không có áo quần mặc, hay xe cộ để đi. Lớn lên khi phải tự lo cho cuộc sống, em càng thấm thía hơn nỗi khổ của ba mẹ mình.

Gần đây, mẹ em nghỉ hưu và bắt đầu công việc kinh doanh. Mẹ bảo bây giờ đã đến lúc mẹ sống với ước mơ của mình. Em luôn ủng hộ và bên cạnh mẹ.

Nhưng dẫu có cố gắng bao nhiêu, thì 3 năm qua mẹ làm ăn rất chật vật và không có lãi, lương hưu cũng trích ra một phần lớn để trả nợ. Gần đây, mẹ em bán luôn cả mảnh đất để dành để trả nợ nhưng vẫn không đủ.

Mọi thứ cứ rối tung lên khi tiền về không bao nhiêu, mà tiền chi lại quá nhiều. Ngày qua ngày, áp lực càng nhiều, em nói hay mẹ dừng việc kinh doanh lại để thời điểm khác hẵng làm, thì mẹ vẫn muốn tiếp tục, mẹ bảo bây giờ ngừng luôn thì không có nguồn tiền vào để lấy lại vốn.

Trong thâm tâm em cảm nhận được áp lực to lớn mà mẹ đang mang. Tiền của em cũng đã cho mẹ mượn hết, và không như mẹ, em lại không có khả năng chống chọi với nợ nần. Cứ nhắc đến hai từ đó là người em nóng ran lên.

Hôm qua, mẹ em lại nói về việc sắp tới không biết tiền đâu để trả mặt bằng, và có ý nhờ em vay nữa, thì em không kiềm chế được mà buông lời gắt gỏng với mẹ.

Chị ạ, em biết gia đình là tất cả, còn gia đình mình thì dẫu ăn cơm với muối cũng ngon hơn ngồi ăn một mình. Nhưng em làm sao đối diện được với áp lực và vượt qua giai đoạn khó khăn này đây?

Cả hai chị em em đều sợ khi tìm nguồn cho mẹ vay tiếp, thì mẹ sẽ không dừng lại ở đó mà tìm cách mở rộng kinh doanh thêm. Em thương mẹ làm lụng vất vả và sợ mẹ đổ bệnh, nhưng sống với áp lực lớn như vậy, khiến em cảm giác rã rời từng bộ phận trên cơ thể.

Khóc cũng khóc rất nhiều rồi, em phải đi tiếp thôi ạ. Đến đây cũng dài quá những tâm sự, có phải mình cứ cố gắng rồi đâu sẽ vào đấy không, chị Hạnh Dung ơi?

My An

Em My An thân mến,

Nói thẳng và nói thật một điều, em nhé. 3 năm sau dịch đang là thời điểm hết sức khó khăn với nhiều ngành kinh doanh. Thậm chí nhiều công ty, nhiều người kinh doanh từ trước đó và đã có những thành công nhất định, mà còn rơi vào tình cảnh khó khăn, thì những người khởi nghiệp thời gian này chắc chắn sẽ còn khó khăn nhiều phần.

Khởi nghiệp thành công được trong những giai đoạn này phải là những ý tưởng đặc biệt, sáng tạo, mới mẻ và đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và cả túi tiền của khách hàng, dù là trong ngành nào.

Về hưu bắt đầu đam mê của mình là một điều hết sức tuyệt vời mà mẹ em đã làm được, bởi không phài ai về hưu cũng có thể thực hiện những ước mong của mình, một phần vì sức khỏe, một phần vì nhiệt huyết cũng nguội và một phần rất lớn là do những cân nhắc về kinh tế: nguồn vốn, sự rủi ro...

Mẹ em đã bắt đầu công việc và còn giữ được niềm đam mê kinh doanh suốt ba năm qua, có nghĩa là ít hay nhiều bà vẫn còn có đủ cả ba điều trên, đó là điều vô cùng tuyệt vời.

Thế nhưng có một điều hết sức quan trọng với bất kỳ ai, là dù đam mê làm gì, chính đáng hay không chính đáng, thì điều đó phải hoàn toàn không trở thành gánh nặng, sự mệt mỏi cho bất kỳ ai.

Mọi người có thể tán thành, cổ vũ và có thể có những hỗ trợ ban đầu về tài chính, nhưng rồi mọi việc vẫn là phải do người đó tự nỗ lực giữ vững tinh thần của mình và tự chủ về tài chính.

Kinh doanh hoàn toàn không phải là trò giải trí cho vui, để mà chịu đựng gồng tới 3 năm không có lãi, phải bán cả đất đai. Cho đến 3 năm sau, thậm chí tiền mặt bằng cũng không trả được, thì rõ ràng là việc kinh doanh của mẹ em hoàn toàn không ổn.

Phải chăng vì mẹ em không phải là người đi vay nợ, không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền thúc bách, nên mẹ coi việc kinh doanh này chỉ như một thú đam mê, mà không nghĩ đến phần trách nhiệm của các con phải gánh giùm mình?

Không thể hy vọng suông, rằng rồi mọi việc sẽ tốt. Các em nên ngồi lại, bàn bạc nghiêm túc với mẹ về hiệu quả công việc kinh doanh của mẹ. Nói thật lòng với mẹ những vấn đề tâm lý các em đang phải gánh chịu từ đam mê của mẹ.

Các em cần phải có những góp ý cho mẹ trong công việc mà các em đang phải chịu áp lực nhiều nhất: tiền bạc. Hãy yêu cầu mẹ cho các em biết những kế hoạch của mẹ, thời hạn để cố gắng gồng lỗ như vậy đến đâu...

Nếu mẹ cứ khăng khăng làm theo ý mình, mặc kệ con cái thấy quá mệt mỏi và không hiệu quả, mặc kệ nỗi sợ nợ nần... thì hãy cương quyết để mẹ chịu trách nhiệm một mình vấn đề tìm nguồn vốn. Có lẽ khi đó mẹ sẽ tính toán kỹ hơn chăng?

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI