|
Ăn uống đa dạng để bổ sung i-ốt, sắt, kẽm - Ảnh minh họa |
Trước các ý kiến về việc nên hay không nên bổ sung vi chất i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng Phạm Phước Thành (Tổ Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức) để có cái nhìn khách quan.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, các vi chất i-ốt, sắt, kẽm đóng vai trò thế nào đối với sự sống của
con người?
Bác sĩ Phạm Phước Thành: I-ốt là thành phần cấu trúc căn bản của nội tiết tố tuyến giáp. Nội tiết tố này tác dụng trên tất cả các tế bào của cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến nội tiết khác. Vai trò của i-ốt chính là vai trò của nội tiết tố tuyến giáp. Ngoài ra, i-ốt còn giúp sinh sản và biệt hóa tế bào, nhất là tế bào xương và thần kinh; điều hòa thân nhiệt; tạo tế bào máu; điều phối hoạt động của hệ thần kinh, cơ; điều phối hoạt động sử dụng ô-xy của tế bào. I-ốt còn tham gia quá trình chuyển hóa năng lượng nội tế bào.
Do nội tiết tố tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng và sinh sản tế bào, việc thiếu hụt i-ốt liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là khi tình trạng thiếu hụt đó xảy ra ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Những hậu quả của thiếu i-ốt có thể kể ra như: gây nhược giáp, giảm khả năng lao động cả về thể chất lẫn trí tuệ; tăng cân, tích tụ mỡ; giảm khả năng điều hòa thân nhiệt (hay lạnh); bướu giáp. Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sinh non, thai chậm phát triển, thai chết lưu và đáng quan ngại nhất là bệnh down ở thai nhi. Với trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng, thiếu i-ốt sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất và trí tuệ, cơ thể thấp lùn, giảm chỉ số IQ, thiếu máu…
Tiếp đến là sắt. Đây là vấn đề dinh dưỡng cộng đồng thường gặp ở hầu hết các vùng dân cư trên thế giới, nghiêm trọng nhất là ở các nước đang phát triển do tình trạng thiếu cung cấp đi kèm với tỷ lệ suy dinh dưỡng thiếu protein - năng lượng cao. Ở Việt Nam, những cuộc điều tra dinh dưỡng vào thập niên 1980 cho thấy tỷ lệ thiếu sắt của phụ nữ lên đến hơn 90% ở một số khu vực.
Thiếu sắt là yếu tố hàng đầu gây thiếu máu, đồng thời cũng là nguyên nhân làm giảm hoạt động thể chất và tinh thần, suy giảm miễn dịch, tổn thương các cơ quan khác của cơ thể (vết thương lâu lành, giảm khả năng chịu lạnh…). Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai góp phần làm giảm chỉ số phát triển thể chất và trí tuệ của bào thai.
Vi chất cuối cùng ta đề cập tới ở đây là kẽm. Tế bào nào trong cơ thể cũng phải có kẽm. Kẽm tập trung nhiều nhất ở xương và cơ. Do tham gia hầu hết các loại enzym, kẽm liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau trong cơ thể: chuyển hóa năng lượng, tổng hợp protein, thành phần của các men tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch và sự chuyển hóa của insulin. Ngoài ra, kẽm còn giúp hấp thu và vận chuyển vitamin A, ảnh hưởng đến tri giác và nhận thức, tăng tốc độ lành vết thương. Ngay cả quá trình tạo tinh dịch và nội tiết tố sinh dục cũng có sự đóng góp của kẽm. Kẽm đóng cả vai trò liên quan tới sự phát triển của thai nhi.
* Theo bác sĩ, nhu cầu về sắt, kẽm, i-ốt của con người như thế nào?
- Nhu cầu khuyến nghị về i-ốt là 90mcg/ngày ở trẻ em, 120mcg/ngày ở trẻ vị thành niên, 150mcg/ngày ở người trưởng thành, 200mcg/ngày ở phụ nữ có thai và cho con bú. Nhu cầu này hoàn toàn có thể được đáp ứng với khẩu phần muối ăn khuyến nghị tương đương 5g muối/ngày.
Nhu cầu sắt hằng ngày của phụ nữ cao hơn các đối tượng khác do hiện tượng thất thoát qua kinh nguyệt hằng tháng. Nhu cầu sắt cao nhất là ở phụ nữ mang thai (30mg/ngày) và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (24mg/ngày).
Nhu cầu kẽm của trẻ em thường cao hơn người lớn do tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ thể trẻ cần tổng hợp rất nhiều protein có chứa kẽm trong thành phần. Ngoài ra, hầu hết các chất xúc tác cho các phản ứng chuyển hóa, tổng hợp... đều có kẽm. Nam giới thường mất kẽm qua tinh dịch nên cần lượng kẽm trong khẩu phần hằng ngày cao hơn so với phụ nữ. Từ năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo việc bổ sung kẽm là bắt buộc trong dự phòng và điều trị tiêu chảy ở trẻ em dưới năm tuổi: khi trẻ bị tiêu chảy, cho uống bổ sung viên kẽm 14 ngày liên tục (10mg/ngày với trẻ dưới sáu tháng và 20mg/ngày với trẻ 6 - 60 tháng).
* Lâu nay mọi người thường chỉ để ý hậu quả của việc thiếu sắt, kẽm, i-ốt nhưng lại chưa quan tâm đúng mức tới hậu quả khi cơ thể thừa những chất trên. Bác sĩ có thể cho biết những nguy cơ khi bị thừa sắt, kẽm, i-ốt?
- Hấp thu sắt quá nhu cầu dẫn đến tình trạng ứ đọng sắt trong các mô của cơ thể, gây tổn thương mô không hồi phục. Đa số các trường hợp này liên quan đến bệnh lý di truyền hemochromatosis, xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Các biểu hiện ban đầu của tình trạng thừa sắt cũng ít đặc hiệu và tương tự với triệu chứng thiếu sắt: mệt mỏi, thờ ơ, kém tập trung... Vì vậy, trước khi bổ sung sắt, ta cần làm xét nghiệm để xác định dự trữ sắt trong cơ thể. Thừa sắt có thể gây tổn thương nặng ở nhiều cơ quan, nhất là gan, lách, tụy... Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng sẽ tăng lên do vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường máu giàu sắt (bệnh lý thường nặng hơn ở người nghiện rượu). Bệnh sẽ tiến triển dần đến các biến chứng tiểu đường, ung thư gan, bệnh tim mạch, viêm khớp.
Ngộ độc kẽm có thể xảy ra với các biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt cao... Nếu thừa kẽm kéo dài sẽ có các biểu hiện rối loạn chuyển hóa như: rối loạn lipid máu, đau cơ, thoái hóa cơ tim, kiệt sức, nhức đầu kéo dài.
Các triệu chứng dư thừa i-ốt thường gặp là đau đầu, nôn và miệng có vị kim loại. Một số triệu chứng nghiêm trọng là sưng môi và mặt (phù mạch), sốt, đau khớp… Thừa i-ốt còn dẫn đến suy giáp.
* Theo bác sĩ, các nhà sản xuất có nên cho sẵn các vi chất như i-ốt, sắt, kẽm vào nguyên liệu thực phẩm (muối, nước mắm, bột mì…) không?
- Theo tôi, việc nhà sản xuất bổ sung các vi chất vào thực phẩm không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều người bị thừa sắt, i-ốt, kẽm. Nút thắt chính là hầu hết người dân chưa có thói quen đọc kỹ thành phần của sản phẩm trước khi mua. Trên nhãn sản phẩm đều thể hiện rõ là bổ sung chất gì, ta không đọc mà cứ mua dù nhu cầu cơ thể không thiếu những chất đó thì lỗi là ở ta. Ví dụ một người hay ăn hải sản mà lại mua muối có bổ sung i-ốt về dùng thì đương nhiên dẫn tới tình trạng thừa i-ốt.
Ta có thể bổ sung sắt, kẽm, i-ốt thông qua các bữa ăn hằng ngày. Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, sò, tàu hũ, rau đay, rau dền, tía tô, húng quế... Khi ăn thực phẩm giàu sắt nên kèm với các món giàu vitamin C để giúp dễ dàng hấp thu. Kẽm có nhiều trong thịt bò, heo, gan, các loại hạt thô, khoai... I-ốt dồi dào trong hải sản, rong biển.
Thanh Huyền (thực hiện)