Có nên thay đổi việc ở tuổi trung niên?

01/07/2024 - 10:46

PNO - Hãy thử một vài giải pháp làm mới công việc của mình, bắt đầu từ thay đổi không gian nơi làm việc, mua thêm một chậu cây, đặt bức ảnh gia đình...

Gửi chị Hạnh Dung

Em năm nay 34 tuổi, có 1 con. Hiện tại làm nhân viên văn phòng. Em làm công ty đã lâu, nên thu nhập không cao, nhưng tương đối ổn định. Do làm lâu, nên dần dần em cảm thấy hơi chán công việc hiện tại. Nhưng lý do chính là em cảm thấy không còn phù hợp với các nội quy, qui định của công ty.

Mấy năm gần đây, đi làm chủ yếu vì có thu nhập để lo cho gia đình, không còn khả năng sáng tạo. Nghỉ việc ở thời điểm hiện tại, để bắt đầu qua công việc khác thì sợ sẽ phải quay về mức lương khởi điểm, thấp. Nếu cứ tiếp tục, tuổi càng cao với người nữ sẽ khó xin việc ở công ty khác.

Nghĩ đến sẽ làm ở công ty hiện tại vài năm nữa, em cảm thấy nhàm chán vô cùng. Em xin chị Hạnh Dung cho em ý kiến, em phải làm sao vừa ổn định kinh tế, vừa tâm trạng vui vẻ trong công việc? Em cảm ơn chị.

Ngọc Như

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Ngọc Như thân mến,

Chán nản công việc là tình trạng tâm lý không của riêng ai. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào thời điểm mà sự say mê và hứng thú với công việc hiện mình đang làm, bị những cảm xúc khó chịu, mệt mỏi, thất vọng che lấp.

Cảm giác phải tiếp tục làm những việc mà mình đã thấy không còn vui, thậm chí không còn hy vọng sẽ phát triển hơn, làm cho người ta chán nản, mất phương hướng. Mỗi ngày thức dậy nghĩ tới việc đi làm là đã thấy ngán ngẩm, không còn hứng thú, chỉ muốn xong việc, không thể tập trung, mọi thứ ở nơi làm việc đều khiến bạn thấy không phù hợp, sức khỏe bị giảm sút, và bạn chỉ muốn than vãn với mọi người về việc bạn đã chán việc đến chừng nào.

Tất cả những điều Hạnh Dung vừa kể trên là bình thường với một người đang chán việc như bạn. Và việc bạn cần làm lúc này là hãy tự tìm hiểu các vấn đề của bản thân với công việc và tìm ra giải pháp.

Hãy đặt cho mình những câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trong sự chán chường của mình, từ đó bạn mới biết mình nên làm gì? Những câu hỏi đó có thể là mức lương theo bạn có tương xứng với công việc không? Chức danh và trách nhiệm có tương đồng không? Công việc hiện tại có ý nghĩa với bạn không? Bạn thật sự muốn làm gì?....

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy thử tìm hiểu xem mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì: Vì sao lúc trước bạn chọn công việc này? Thời gian qua nó đã mang cho bạn những gì? Bạn mong muốn gì khi đến với công việc này và đạt được bao nhiêu phầm trăm mong muốn đó trong thời gian qua?....

Hãy đặt tất cả các câu trả lời bên cạnh nhau và tỉnh táo cân nhắc so sánh chúng với nhau thật kỹ. Nếu bạn có được những kết luận rõ ràng về lợi ích mà nó mang lại cho bạn, so với kỳ vọng và cố gắng của bạn, thì hãy mới nghĩ đến việc thay đổi công việc.

Bởi đôi khi sự chán nản chỉ là cảm xúc nhất thời do bạn bị áp lực. Một công việc ổn định, vào giai đoạn này của nền kinh tế, đang là mơ ước của rất nhiều người, nếu chỉ vì cảm xúc nhất thời mà đánh mất nó, sẽ là một điều hết sức đáng tiếc.

Bạn hãy thử một vài giải pháp làm mới lại công việc, bắt đầu từ việc thay đổi không gian nơi làm việc, mua thêm một chậu cây, đặt bức ảnh gia đình... Hãy sắp xếp lại công việc một cách khoa học, lần lượt thực hiện theo thứ tự ưu tiên và ráng tập trung hoàn thành từng việc, chủ động hơn... Hãy thử học thêm vài kỹ năng và chuyên môn để nâng cấp bản thân.

Hiện tại, có rất nhiều bạn trẻ ngoài công việc ở công ty lại làm thêm những việc "tay trái" ở nhà, vừa giúp tăng thu nhập, vừa tạo thêm những niềm vui cho bản thân.

Có khá nhiều cách để tìm được niềm hứng khởi, phải không bạn? Cái chính là phải tự tạo cho mình một năng lượng tích cực để bắt đầu, thay đổi... những gì đang khiến mình nhàm chán.

Trong trường hợp không thể thay đổi được, thì bạn hãy chọn lựa, cân nhắc để tìm một công việc mới, bước ra khỏi vùng an toàn đang khiến bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Khi đó, bạn phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những khó khăn, thử thách mới.

Điều quan trọng nữa mà Hạnh Dung muốn khuyên bạn, là hãy học cách bằng lòng với những gì mình đang có. Hãy nhìn vào những mặt tích cực của cuộc sống, chứ đừng chỉ nhìn ngó xung quanh và ao ước những điều mình chưa thể có được.

Bằng lòng với những gì mình có và học cách làm cho nó tốt hơn mỗi ngày, cũng là một lối sống tích cực, mang đến cho ta sự nhẹ nhàng, thoải mái và hạnh phúc.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI