Mạng xã hội “dậy sóng” sau chia sẻ của một phụ huynh về cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được một trường quốc tế ở TPHCM phát cho học sinh lớp Mười một đọc trong kỳ nghỉ lễ có nhiều trang viết nhạy cảm về quan hệ tình dục được miêu tả một cách “trần trụi”.
Mỗi người một quan điểm, một góc nhìn và có phản ứng khác nhau về cuốn sách. Đa phần không đồng tình với việc nhà trường phát cho trẻ cuốn sách không phù hợp.
|
Sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" đang được rao bán trên mạng xã hội khá nhiều |
Việc định hướng, thẩm định những cuốn sách phù hợp trước khi đưa cho trẻ đọc là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không thể kiểm soát hết được những gì trẻ đọc, trẻ xem hàng này. Khi mà những thứ có thể “đầu độc” trẻ vẫn tràn lan trên mạng. Chỉ cần một cái click chuột, một thao tác trượt màn hình đã có vô số ảnh “nóng”, clip sex… Thời đại bùng nổ thông tin, trẻ luôn có cách để tiếp cận đến những vấn đề mà trẻ muốn biết, muốn tìm hiểu, khám phá mà người lớn chưa chắc đã chạy theo kịp.
|
Giáo dục giới tính cho trẻ giúp con được trang bị kỹ năng cần thiết - Ảnh minh họa |
Bệnh “lười” đọc ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở giới trẻ khi mà mạng xã hội và cuộc sống xung quanh có nhiều thứ hấp dẫn, cuốn hút. Phụ huynh và giáo viên hẳn ai cũng có mong muốn hình thành trong trẻ thói quen đọc sách. Nhưng việc lựa chọn, hướng dẫn cho trẻ tìm các cuốn sách phù hợp, chất lượng để đọc thì không phải ai cũng làm được. Có cuốn sách hay với bố mẹ, thầy cô nhưng với trẻ lại chưa hẳn hấp dẫn nếu không có thứ mà chúng đang quan tâm, tìm hiểu. Những gì người lớn cho là phản cảm, lố lăng, dung tục với trẻ có thể là bình thường.
Tài khoản Facebook KhanhAnn Tran (du học sinh tại Phần Lan) chia sẻ rằng em đã đọc cuốn sách đó như sau: “Mình đã đọc cuốn On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) cũng lớp 11. Những giờ đồng hồ vừa qua, mọi người đã quá tập trung vào 3 trang miêu tả cảnh nóng, mà có lẽ ít ai đã thật sự đọc qua tác phẩm dài 256 trang này.
Mình đọc sách và nhớ những trải nghiệm của nhân vật về mối quan hệ trong gia đình, sự bấp bênh của cuộc sống hậu chiến, của người nhập cư. Chứ cảnh nóng đọc xong trôi tuột khỏi đầu luôn, không nghĩ về nó ngày đêm như nhiều ba mẹ lo đâu. Một cuốn sách với 3 trang “trần trụi” kia sẽ không thể nào vẽ đường cho hươu chạy sai hướng, nếu nó đã được huấn luyện từ trước. Thay vì sợ hãi, cấm đoán, sao người lớn không dạy con mình về giáo dục giới tính? “Con còn quá nhỏ để biết những thứ này” vậy khi nào là đủ lớn? Mình nghĩ rằng câu nói “vẽ đường cho hươu chạy” trong bối cảnh giáo dục giới tính cần được thay đổi ý nghĩa. Chạy là bản năng của hươu, nó không thể sinh tồn và trưởng thành nếu không di chuyển. Dù có vẽ đường hay không thì hươu vẫn chạy”.
Hiện nay, chương trình giáo dục giới tính đã được quan tâm nhiều hơn nhưng dường như vẫn còn khoảng cách khá xa giữa sự phát triển của trẻ với những gì trẻ được trang bị. Những thói quen, nếp nghĩ xưa cũ chậm thay đổi trong khi đời sống xã hội biến đổi không ngừng. Trong khi người lớn phản đối trẻ đọc những cuốn sách có yếu tố “nhạy cảm”, xem phim sex nhưng trên thực tế có khi trẻ đã trải qua và thực hành rồi, chỉ có điều chúng ta không ngờ đến.
Báo Phụ nữ TPHCM trong bài viết “39% học sinh THPT đã từng quan hệ tình dục: Cha mẹ sốc không?” từng đưa ra kết quả nghiên cứu của một nhóm giảng viên ở Hà Nội khiến phụ huynh giật mình: Đến hết lớp Chín, khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục, đến hết lớp 12 khoảng 39%, khoảng 10% học sinh THPT cho biết đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên.
Dù giáo dục giới tính đã được chú trọng nhưng chưa làm thay đổi nhận thức, hành vi của cả người lớn và trẻ em. Có những ông bố, bà mẹ vẫn ái ngại khi con vô tình thấy hộp bao cao su trên giường, bắt con tắt ti vi khi có cảnh nam nữ hôn nhau. Sự ái ngại đó đã khiến ta mất cơ hội chia sẻ và giáo dục trẻ.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy: 50% người Nga tin rằng cách tốt nhất để giáo dục trẻ em các vấn đề về tình dục là nói chuyện riêng với chúng, và số người Nga sẵn sàng có “cuộc nói chuyện nghiêm túc” với con cái họ đang ngày càng tăng lên.
Ở một số trường tại Úc, học sinh trung học được tập sử dụng bao cao su. Và trong lớp có bao cao su để sẵn, học sinh cần thì lấy dùng.
Việc so sánh có thể khập khiễng vì mỗi đất nước có truyền thống văn hóa và phương cách giáo dục khác nhau. Tuy nhiên việc chủ động trang bị cho trẻ những kỹ năng, công cụ cần thiết, phù hợp với từng lứa tuổi vẫn tốt hơn là để trẻ tự mày mò, tìm hiểu, bắt chước hoặc thụ động rơi vào khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng sẽ nguy hiểm, tai hại hơn nhiều.
Việc cấm đoán hay áp đặt trong giáo dục giới tính khó có thể đem lại kết quả tốt đẹp, có khi còn phản tác dụng khiến trẻ giấu diếm, đối phó, nổi loạn nhiều hơn.
Thay vì đỏ mặt giấu hộp bao cao su khi trẻ vô tình nhìn thấy, hãy đặt nó trước mặt trẻ và giảng giải cho con hiểu về tác dụng của nó, những trường hợp cần dùng. Việc cha mẹ lo lắng khi thấy trẻ đọc một cuốn sách có yếu tố sex là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, nếu trong đó còn chứa đựng cả những điều đẹp đẽ thì hãy bình tĩnh phân tích cho trẻ hiểu những thứ có khả năng “đầu độc” và hướng trẻ dung nạp những điều lành mạnh, tốt đẹp.
Giáo dục giới tính cần lấy sự phát triển của trẻ làm trung tâm. Người lớn cần đồng hành cùng trẻ, hướng dẫn, trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng ở từng độ tuổi phù hợp. Trao truyền, tích lũy hệ giá trị tốt đẹp cho trẻ, lắng nghe và đối thoại với trẻ cũng là cách để hiểu, chia sẻ với trẻ đồng thời giúp người lớn tìm ra phương cách giáo dục phù hợp, hiệu quả. Và khi đó nếu “hươu có chạy thì cũng chạy trong vành đai an toàn”, người lớn không còn phải cuống cuồng rượt đuổi hoặc đứng bên đường bất lực nhìn theo trong sự lo lắng, sợ hãi.
Thu Đức