Có nên nhìn nhận đứa con ngoài giá thú của em trai?

05/02/2025 - 17:35

PNO - Làm xáo trộn cuộc sống của một đứa trẻ tuổi teen là chuyện cần thận trọng cân nhắc thấu đáo.

Kính chào chị Hạnh Dung,

Em trai tôi có đứa con gái ngoài giá thú. Năm nay cháu 13, 14 tuổi rồi. Ngày cháu chào đời, nghe chuyện, tôi có nói gia đình đón nhận cháu về nuôi vì không nên để máu mủ ruột rà của mình vất vưởng bên ngoài.

Thế nhưng gia đình tôi không chịu và tôi bất lực vì nhiều lý do. Từ đó đến nay, tôi vẫn áy náy. Nay tôi nghe tin mẹ cháu mới lấy chồng. Thực tâm tôi muốn nhìn nhận và được chăm sóc cháu nhưng khi tôi nêu ý kiến thì vấp phải sự phản đối từ gia đình.

Tôi rất phân vân, không biết có nên tự tiếp cận và quan tâm đến cháu? Tôi sợ mẹ cháu phản ứng và sợ gia đình tôi gây khó. Nhưng tiếp tục im lặng như bao năm qua thì tôi không đành lòng.

Nay tôi mạo muội xin chị Hạnh Dung cho lời khuyên để tự tin hơn trong quyết định của mình. Chân thành cảm ơn chị.

Thái Ngọc Yến

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chị Ngọc Yến thân mến,

Câu hỏi của chị, thoạt nghe qua, hầu như ai cũng lập tức nghĩ rằng nên. Đó là con cháu, máu mủ của mình mà! Mở rộng vòng tay, ôm nó vào lòng là cho nó một hơi ấm gia đình, để nó lớn lên biết rõ lai lịch, gốc gác, biết những người thân yêu ruột thịt là ai...

Thế nhưng, từ ngày cháu bé đó ra đời đến nay đã 13, 14 năm mà chị vẫn chưa thể quyết định được nên làm gì, thì cuối cùng, rõ ràng đó là câu trả lời không đơn giản chút nào.

Có rất nhiều vấn đề chị không nêu trong thư, mà Hạnh Dung thấy cần phải biết. Thí dụ: Hiện tại, em trai chị có gia đình chưa? Thái độ của em trai chị với đứa con ngoài giá thú này như thế nào? Nếu em trai chị có gia đình rồi, vợ của em trai chị có biết gì về chuyện này không và có thái độ ra sao?

Bởi vì, trước tiên và quan trọng hơn hết, đây là vấn đề của em trai chị. Sự công nhận, quan tâm, chăm sóc đứa con ngoài giá thú này phải là của em trai chị. Bấy nhiêu năm qua, em trai chị có làm điều đó không? Chị có từng ủng hộ em trai mình nhìn nhận đứa trẻ này từ 13, 14 năm trước?

Nhân nói về thời gian, Hạnh Dung nghĩ rằng việc gì cũng cần đúng thời điểm. Giá như chị có thể quyết định điều này sớm hơn, khi đứa trẻ ra đời. Hai mẹ con người phụ nữ kia chắc từng bơ vơ và cần lắm một vòng tay ấm áp của gia đình. Khi đó, chị lại phân vân... và phân vân đến tận bây giờ... Có lẽ cũng là muộn màng.

Nhưng điều gì dù muộn mà cứ canh cánh bên lòng thì vẫn nên làm, phải không chị? Dù có khi điều đó là cho chính chúng ta chứ không phải cho ai khác. Bởi vì ngày nay, sau mười mấy năm, mọi việc đã đổi khác rất nhiều.

Người mẹ yếu ớt và đứa trẻ bơ vơ kia có lẽ đã trưởng thành, cứng cáp, vững vàng và có cuộc sống riêng. Việc được nhìn nhận hay không có lẽ không còn quan trọng với họ bằng chính họ đã tự xác định được vị trí và xây dựng cuộc đời mình.

Cho nên, làm xáo trộn cuộc sống của một đứa trẻ tuổi teen là chuyện cần thận trọng cân nhắc thấu đáo. Làm một cách lén lút, không được sự đồng ý từ người giám hộ của cô bé (là người mẹ) là không nên. Làm chỉ vì chính bản thân lại càng không nên hấp tấp và thiếu sự cân nhắc, suy nghĩ.

Hãy tự trả lời một cách nghiêm túc cho những câu hỏi sau: Chị muốn nhìn nhận con của em trai chị vì lý do gì? Chị sẽ làm gì, giúp gì, quan tâm, chăm sóc thế nào cho cô bé để việc "nhìn nhận" đó có ý nghĩ với cuộc sống của đứa trẻ ấy?

Tất cả dự định của chị phải rõ ràng và được sự tán thành từ người đang trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc cô bé ấy để sự xuất hiện của chị là một dấu ấn tốt đẹp, một cột mốc đáng nhớ cho cuộc đời một đứa trẻ từng (có lẽ) phải chịu mang tiếng không cha, chị nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI