Có nên nhận sự giúp đỡ của mẹ người yêu khi chưa xác định rõ tình cảm?

09/04/2024 - 21:37

PNO - Nếu em không muốn bị ràng buộc, chịu ơn, và không muốn làm việc theo cách được ưu ái, nâng đỡ, thì từ chối vẫn là điều thoải mái nhất.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em quen anh mới được 3 tháng. Anh đẹp trai, hiền lành, con nhà tử tế. Nhưng quen anh rồi, em mới biết là anh từng bị bồ bỏ hai lần, và những khoảng thời gian đó anh bị trầm cảm nặng nề.

Mẹ anh có vẻ lo lắng cho chuyện tình cảm của tụi em. Bà rất chăm chút cho em, và mừng ra mặt khi thấy anh vui vẻ mạnh mẽ hẳn lên từ lúc yêu em.

Biết công việc của em chưa ổn định, bà luôn bóng gió xa xôi là gia đình bà không thiếu tiền, rằng nếu anh lấy vợ thì sẽ cho nhà riêng, xe hơi riêng lập tức. Bà còn nói nếu em vào làm công ty gia đình bà, sẽ có mức lương khá tốt, và sẽ được đối xử tốt vì là người nhà.

Em đang phân vân không biết có nên nhận sự giúp đỡ này không? Liệu khi nhận như vậy thì em có bị ràng buộc hay không? Rồi em có tự do trong mọi quyết định yêu đương của mình không?

Dù sao em với anh cũng chỉ mới quen nhau được vài tháng, em cũng chưa dám chắc về tình cảm của mình, nhưng bỏ một cơ hội việc làm như thế, em rất tiếc.

Xin chị tư vấn giúp em ạ.

Hà Lam

Hà Lam thân mến,

Có lẽ em cũng là một cô gái rất tuyệt vời nên mới được nhà chồng… săn đón đến vậy. Tuy nhiên, chị có thể cảm thông cho băn khoăn của em trước sự săn đón này.

Đương nhiên, ai nghe qua câu chuyện cũng hiểu đề nghị của mẹ bạn trai em là nhằm mục đích gì. Bởi ít nhất việc giúp đỡ này là một "động thái" để em hiểu rằng gia đình có cảm tình với em và muốn "giữ" em cho con trai họ. Như vậy thì, khi nhận sự giúp đỡ này, em phải hiểu rằng em sẽ bị ràng buộc, sẽ chịu cảm giác biết ơn.

Với một sự quyết định mạnh mẽ và dứt khoát, thì chị nghĩ rằng, vào làm ở công ty gia đình bạn trai là một việc cần phải cân nhắc trong bất cứ trường hợp nào. Người Việt mình có câu: "Gà què ăn quẩn cối xay", chính là cho trường hợp này đấy em à.

Khi thiếu tự tin, người ta sẽ co rút mình về làm việc ở một môi trường có sự ưu ái, che chở, cất nhắc, bảo bọc của người thân, để luôn cảm thấy mình được an toàn, được bỏ qua cho những khiếm khuyết, sai lầm... (Tất nhiên, ở đây Hạnh Dung không nói đến những trường hợp con cái thay cha mẹ, tiếp quản sự nghiệp của cha mẹ như một trách nhiệm).

Vậy thì cả khách quan, lẫn chủ quan, nếu em không muốn bị ràng buộc, chịu ơn, và không muốn làm việc theo cách được ưu ái, nâng đỡ, thì chị nghĩ từ chối vẫn là điều tốt nhất cho em.

Một cách nào đó, chính mẹ anh ấy dù có bị em khước từ sự giúp đỡ, cũng sẽ cảm thấy nể em, hiểu rằng em là cô gái bản lĩnh, không dễ nhận ơn nghĩa từ người khác, và không dễ kiểm soát.

Tuy nhiên, trong trường hợp em thật sự đang có nhiều khó khăn, cần sự an toàn và ổn định trong một thời gian, thì em cũng vẫn có thể cân nhắc với đề nghị này, nếu em cảm thấy công việc và thu nhập phù hợp với khả năng của mình.

Tuy nhiên, em hãy tiếp nhận nó với một thái độ đàng hoàng, thể hiện sự mong muốn được làm việc đúng với khả năng của mình và hết sức mình, không cần sự ưu ái nào.

Đánh giá dưới góc độ chuyên môn, việc công ty nhận một người vào làm chỉ với sự quen biết, thì đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, nên đây cũng là yếu tố quan trọng để em suy xét.

Dù sao, em cũng cần thử việc mới có thể biết rằng liệu công ty gia đình anh có thật sự hợp với mình, có tạo điều kiện cho em học hỏi, phát triển và thăng tiến hay không, chứ đừng chỉ suy nghĩ đến lương bao nhiêu từ những hứa hẹn.

Hãy cảm ơn vì mẹ của bạn đã giúp cho em một cơ hội, nhưng em không vì sự giúp đỡ này mà để mất đi tự do trong những quyết định khác của mình. Điều quan trọng nhất là tình cảm của hai em không bao giờ bị lệ thuộc vào điều này. Quyết định có thể tiến xa hơn được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào tiếng nói trái tim và lý trí của em.

Công việc có thể thay đổi, không làm việc này thì làm việc khác. Nhưng một người đàn ông sẽ là chồng mình, cùng mình đi suốt một cuộc đời thì không thể là một quyết định dễ dàng, và quyết định đó không thể dựa vào bất cứ lời hứa hẹn hay ràng buộc vật chất nào, em nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI