Có nên nhận người cha vô tình?

13/03/2023 - 13:33

PNO - Em hãy đối diện lòng mình, tự trả lời xem em có coi người đó là cha, có sẵn sàng kề cận, chăm sóc người đó những năm tháng sau này không?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Người đàn ông đó là bạn trai đầu tiên của mẹ em. Em nghe kể, sau khi em ra đời, họ vẫn qua lại với nhau như vợ chồng không hôn thú, vì bà nội em không chấp nhận cho ông ấy cưới mẹ.

Khi em 3 tuổi, ông ấy lên Sài Gòn cưới vợ. Từ đó, mẹ em đơn thân nuôi con. Thỉnh thoảng về thăm quê, ông ấy cũng hẹn gặp mẹ em. Mẹ em thuở đó vẫn nuôi ảo tưởng rằng ông ấy chỉ bị ép cưới vợ, tin rằng ông ấy sẽ nhận em làm con.

Thế nhưng, thực tế ông ta rất xấu tính, vô tình. Khi em học cấp II, ông ấy và mẹ ổng có xuống nhà em xin nhận cháu. Cuộc gặp do mẹ em kết nối, nhưng vì thái độ kẻ cả của nhà đó, bà ngoại em đuổi họ về. Sau lần đó, mẹ em không còn mong chuyện con mình có cha nữa. Mẹ thừa nhận đó là sai lầm của mẹ, rằng thà em không có cha còn hơn phải sống ruột rà với những con người như vậy.

20 năm trôi qua. Em trưởng thành và sống tại quê nhà, không nhớ nhung gì đến ông ấy. Mới đây, cô ruột của em (theo huyết thống, chứ em không nhận cô) tìm gặp, báo tin ông ấy sa cơ lỡ vận, đã ly hôn, vợ ông ấy đưa các con đi định cư ở nước ngoài, ông phải tá túc nhà em ruột.

Bà cô năn nỉ em hãy nghĩ lại mà nhận cha, cho rằng ổng không còn người thân, lại già yếu, em ở gần mà không nhận, không chăm sóc cha thì em cũng “mắc phải sai lầm như ông ấy từng sai khi ở tuổi của em”.

Em chưa bao giờ xem ông ấy như cha, thậm chí rất coi thường và khinh ghét. Việc sống chung một xã với ông ấy cũng làm em thấy bất an. Vậy nhưng những câu nói của người cô làm em hoang mang. Có khi nào, khi tuổi về chiều em cũng hối hận với sự lạnh nhạt của mình bây giờ không?

Ngọc Huệ (Sóc Trăng)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngọc Huệ mến,

Nhìn nhận một người thân là chuyện quan trọng và phải đi từ trách nhiệm, tình cảm thực lòng.

Về trách nhiệm, có thể nói em không có trách nhiệm phải nhìn nhận hay nuôi dưỡng người này. Việc có nhận cha hay không tùy thuộc vào tình cảm và những suy nghĩ tự nhiên của em. Có nhiều người ở hoàn cảnh tương tự vẫn nhận cha, vì về sau giữa 2 người có những kết nối làm lòng họ lay chuyển. Nhưng cũng có những người vẫn sống 2 cuộc đời song song, vì không có được những cú “chạm" cảm xúc để nảy sinh tình thân.

Em không có tình cảm với người đàn ông đó bởi chưa từng có trải nghiệm tình thân nào với ông. Không có đạo lý nào đòi hỏi một đứa trẻ phải yêu thương một người đã vô tình, chối bỏ khi nó còn thơ bé.

Theo lời em kể, ông ta cũng không có động thái thiện ý nào suốt bao năm qua. Với những lần gặp gỡ không mấy vui vẻ, em không có tình cảm với ông ấy cũng là điều dễ hiểu.

Tình thân khó mà cưỡng cầu. Khi em không thực sự thấy “thân", thấy yêu thương, trái lại còn thấy kinh ghét thì việc nhận cha có thể mang đến một mối quan hệ khiên cưỡng, không tốt cho cả đôi bên.

Hãy tự tin rằng quyết định thật lòng sẽ là quyết định đúng đắn mà không sợ ai phán xét. Mà để tự tin rằng mình đang thật lòng, em hãy tự cho mình thời gian, tách mình ra khỏi những lao xao về câu chuyện máu mủ này.

Em hãy đối diện lòng mình lần nữa, tự trả lời xem em có coi người đó là cha không, có sẵn sàng kề cận và chăm sóc người đó trong những năm tháng sau này không. Dù câu trả lời thế nào, em cứ quyết theo hướng đó. Chỉ cần em thanh thản, dù chuyện xoay chuyển ra sao em cũng sẽ đủ sức mạnh để ngẩng cao đầu mà sống tiếp.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI