Có nên nhận lời khi con riêng của chồng mời cha mẹ cháu và cả tôi đi chơi?

17/11/2022 - 09:00

PNO - Trên thực tế, mẹ kế hoàn toàn có thể là một người mẹ, một người lớn trong gia đình nếu ta không tự dựng vách ngăn trong lòng

Chị Hạnh Dung kính mến,

Trước khi gặp anh, tôi ly hôn chồng và không có con. Anh thì ly hôn vợ, vợ chồng anh có một con chung đang du học tại Mỹ.

Chúng tôi sống hạnh phúc dù không sinh con với nhau. Các bác sĩ tôi khám qua đều nói tôi không có vấn đề về sức khỏe sinh sản, nhưng qua hai đời chồng vẫn không có con nên tôi đoán vấn đề là do mình.

Khi vào tuổi 50, tôi mới từ bỏ chuyện sinh con, còn anh luôn nói “con cái là tùy duyên". Có lẽ đã có một con trai nên anh không quá áp lực. Tuy nhiên, vì không có con nên tôi luôn có cảm giác mọi người chỉ xem chúng tôi là nhân tình.

Các đám hiếu hỉ bên nhà anh đều có sự tham gia của vợ cũ. Khi chị vui vẻ cập nhật thông tin về con trai với họ hàng nhà anh thì tôi ngồi đó như… người thứ ba. Mỗi lần con trai anh từ Mỹ về, cả nhà nội lại tiếp đón cháu và mẹ “như chưa từng có cuộc ly hôn”.

Anh lý giải với tôi rằng, dù chia tay nhưng anh và vợ cũ vẫn chung trách nhiệm làm cha mẹ. Cô ấy có 20 năm làm dâu nên trở thành người thân của gia đình anh. Anh khuyên tôi nên xem cô ấy như một người họ hàng bên chồng, vì ba má anh xem con dâu cũ như con cháu. Còn trái tim anh luôn thuộc về tôi.

Nghe lời anh, tôi không tỏ thái độ khó chịu, nhưng lòng vẫn luôn ấm ức. Mới đây, con trai anh sinh con đầu và mời cha mẹ sang chơi. Cháu lịch sự gọi cả cho tôi để mời tôi đi Mỹ chơi cùng ba cháu. Chuyện này làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Chi phí qua Mỹ quá lớn, tôi cũng không nỡ để cháu tốn kém. Thêm nữa, đi cùng anh và vợ cũ qua thăm con chung của họ, tôi sợ mình sẽ lại trở thành người ngoài… Và cũng không loại trừ khả năng cháu chỉ mời cho phải phép.

Chồng tôi nói tôi cả nghĩ. Anh muốn tôi đi cùng, nhưng trước hết tôi phải thật thoải mái, thông suốt. Tôi nên làm gì đây, thưa chị Hạnh Dung?

Kim Hạnh (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Kim Hạnh mến,

Đọc hết lá thư, Hạnh Dung có cảm giác chị đã sống với mặc cảm không có con quá lâu. Chính vì quá nặng nề về chuyện này, chị luôn thấy mình thua kém và nhìn mọi thứ qua lăng kính tiêu cực. Trong khi đó, nếu nhìn một cách khách quan thì chị đang có một cuộc hôn nhân tốt đẹp: được chồng yêu thương, có mối quan hệ tốt với con riêng của chồng.

Dù không có con, chị vẫn là con dâu chính thức của nhà chồng, là mẹ kế được con trai của chồng tôn trọng. Đó là một thực tế. Việc cháu mời chị cùng chồng qua Mỹ là đã thể hiện một sự tôn trọng cháu dành cho mẹ kế.

Hạnh Dung rất hiểu lo ngại làm cháu tốn kém của chị. Nhưng nghi ngờ “cháu chỉ mời cho phải phép" thì cần loại bỏ. Vì nghi ngờ này đã gán vào cháu một lý giải tiêu cực, trong khi nó chỉ là một suy đoán. Xu hướng suy đoán mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực luôn cần được loại bỏ nếu ta muốn sống an vui và nhìn mọi thứ với cái nhìn trong sáng.

Như vậy, trước lời mời của cháu, chị cần nghiêm túc suy nghĩ về điều kiện và ý muốn của bản thân: chị có muốn đi không? Cháu có đủ dư dả để lo được chuyến đi của người lớn không? Chị nghĩ thế nào về vai trò của mình trong chuyến đi này và có thực sự thoải mái với vai trò ấy?

Trên thực tế, mẹ kế hoàn toàn có thể là một người mẹ, một người lớn trong gia đình nếu ta không tự dựng vách ngăn trong lòng. Muốn thế, ta phải tự bỏ xuống những rào cản giữa “người ngoài", “người trong cuộc". Chỉ cần mỗi người đều đủ yêu thương và tôn trọng, mọi chuyện có thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Hãy nghĩ về chuyến đi Mỹ với những tính toán cần thiết nhất về tài chính và tâm thế. Mong rằng chị sẽ luôn sống trong nhà chồng với tâm thế của một người vợ danh chính ngôn thuận theo mọi nghĩa, chị nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI