Có quá sớm để lo cho tuổi già?

22/09/2024 - 13:17

PNO - Có người cho rằng, nên chuẩn bị tuổi già ngay khi còn trẻ. Tức là ở độ tuổi sức khỏe và công việc đang tốt nhất.

Các bác sĩ dinh dưỡng đều khuyên rằng, để có một cơ thể khỏe mạnh, cần hình thành lối sống lành mạnh càng sớm càng tốt. Đó là một chế độ dinh dưỡng cân bằng, chăm chỉ luyện tập thể thao, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan... Như vậy mới đảm bảo có sức khỏe và tinh thần tốt sau này.

Về kinh tế cũng quan trọng không kém, muốn được tự do tài chính, không để phụ thuộc con cháu sau này thì ta nên tích lũy ngay khi còn trẻ. Tranh thủ thời điểm bản thân còn nhiều sáng tạo, ý tưởng, sự đam mê học hỏi để trau dồi chuyên môn. Vậy chẳng lẽ chuẩn bị cho tuổi già ở tuổi trên dưới 30?

Về mặt lý thuyết, điều đó là không sai. Nhưng thật khó để nói một người trẻ đang ở độ tuổi trên dưới 30 rằng: “Phải tránh xa đồ ngọt, chất béo, hạn chế tinh bột, nói không với chất có ga, chất cồn, uống đủ nước cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh, chọn loại trái cây ít ngọt, giữ tinh thần luôn tích cực, tập thể dục đều đặn mỗi ngày và đi ngủ trước 22 giờ” được. Rồi thì: “Phải tập trung vào việc kiếm tiền. Tích lũy tiền để phòng lúc ốm đau hay già yếu sau này…”.

Những lời khuyên ấy rất hữu ích, nhưng rút kết từ chính bản thân mình để thấy rằng, nếu mình chưa trải qua thì lý thuyết cho dù hay mấy cũng bằng không.

Người khác thì cho rằng, tuổi nào có việc phải lo ở tuổi ấy, rảnh đâu mà lo chất chồng. Vì ở độ tuổi lập gia đình, sinh con có biết bao chuyện phải bận tâm, còn tâm trí đâu mà lo vượt mức. Đợi đến khi con trưởng thành, ổn định cả rồi mới quay sang lo tuổi già. Ở tuổi ngoài 50-60 thì điều đó cũng chưa muộn, việc gì phải vội vàng?

Tìm nguồn vui sống ở tuổi trung niên bằng những sở thích cá nhân (ảnh minh họa)
Tìm nguồn vui sống ở tuổi trung niên bằng những sở thích cá nhân (ảnh minh họa)

Ngẫm lại mới thấy trong cuộc sống, có những người đã quen với việc chuẩn bị mọi thứ. Mới ăn tối xong đã nghĩ xem sáng mai ăn gì? Chưa cuối năm chuẩn bị cho kế hoạch đầu năm; rồi chuẩn bị lập gia đình, sinh con, cưới hỏi cho con, đón cháu đầu lòng… Thậm chí có người mới ở tuổi trung niên đã chuẩn bị nơi chôn cất cho mình. Nói không quá, có người còn chuẩn bị cho cả kiếp sau của mình. Vậy nên chuẩn bị cho tuổi già chắc chắn không nằm ngoài ý nghĩ của những người đã quen với việc chuẩn bị.

Nhưng ở tuổi nào mới gọi là già? Tôi chợt nhớ đến lời thoại rất hay trong bộ phim mới xem. Cô gái hỏi chàng trai: “Anh yêu em từ khi nào thế?”. Đứng trước biển, nhìn những con sóng lăn tăn, chàng trai trả lời: “Biển cả trước mặt chúng ta, có đến mười mấy tỷ tấn nước, không phải nó được hình thành trong một ngày đâu….”.

Tôi cũng tin mọi diễn biến trong cuộc sống, nhất là về tuổi già, không ập đến theo cách đúng tuổi được. Sẽ chẳng có tình huống một sáng ngủ dậy, đột nhiên mái tóc đen thành bạc trắng.

Kết nối với người thân, bạn bè là điều không thể thiếu (ảnh minh họa)
Kết nối với người thân, bạn bè là điều không thể thiếu (ảnh minh họa)

Việc chuẩn bị cho tuổi già, theo tôi là cần thiết. Nhưng nếu cứ chuẩn bị vậy, khi nào ta mới thực sự sống? Chi bằng cứ sống khỏe mạnh, vui vẻ và dọn lòng để dễ dàng đón nhận mọi thứ đến với mình.

Nếu quá lo lắng cho một tương lai chưa biết sẽ ra sao, hướng tâm về nó, ta sẽ dễ dàng đánh mất những khoảnh khắc hiện tại tươi đẹp mà mình đang có. Là gì ư? Là cơ thể còn khỏe mạnh, là ý nghĩ còn minh mẫn, đôi bàn chân còn mạnh khỏe để đến được những nơi muốn đến, cảm nhận được món ăn ngon, giấc ngủ sâu… Bạn tin không, tất cả những điều giản đơn đó, không phải lúc nào ta cũng sở hữu được.

Vậy thì hãy sống thật trọn vẹn cho hôm nay, chứ không phải chuẩn bị cho một ngày mai nào khác.

An Na (Bình Thạnh, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI