Có nên khám tổng quát cho trẻ em?

16/11/2015 - 07:42

PNO - “Với trẻ em việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ là không cần thiết, chỉ nên khám tầm soát định kỳ cho trẻ khi có những yếu tố nguy cơ”.

Chị Minh Thư (Q.Thủ Đức, TP.HCM) băn khoăn: “Tôi có hai con, một bé chín tuổi và một bé bốn tuổi. Cả hai đều không được bụ bẫm như những đứa trẻ khác và thường bị bệnh lặt vặt. Tôi có nên đưa con đi khám sức khỏe tổng quát hay không?”.

TS-BS Lê Thanh Toàn, Bộ môn Bác sĩ gia đình, ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định: “Với trẻ em (từ 0 đến 18 tuổi), việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ là không cần thiết, chỉ nên khám tầm soát định kỳ cho trẻ khi có những yếu tố nguy cơ”.

Co nen kham tong quat cho tre em?

Người trưởng thành được khuyên khám tổng quát định kỳ mỗi năm để kiểm tra xem có bất thường gì xảy ra trong cơ thể hay không. Khám tổng quát định kỳ thường không có mục đích cụ thể hay nhắm đến một bệnh lý nào rõ ràng. Khi đó, chúng ta chưa biết được trong cơ thể của mình đã mắc phải bệnh lý nào.

Theo TS-BS Lê Thanh Toàn, với trẻ em thì chỉ cần khám tầm soát, nghĩa là khám có mục tiêu, khi có những nguy cơ về một hoặc một số bệnh lý cụ thể nào đó. Việc tầm soát sớm khi có những yếu tố nguy cơ sẽ xác định chắc chắn trẻ có bị bệnh hay không, hoặc đã mắc rồi thì bệnh có diễn tiến mới như thế nào.

Nếu trẻ (từ sơ sinh đến 18 tuổi) phát triển, sinh hoạt bình thường, tiêm chủng đúng lịch, các chỉ số về cân nặng, chiều cao, chỉ số BMI nằm trong mức cho phép thì cũng không cần phải khám tầm soát. Việc chủng ngừa là quan trọng nhất. Dưới năm tuổi, việc chụp hình phổi, siêu âm tim không cần thiết, thậm chí còn gây hại cho trẻ nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc tầm soát cần được thực hiện ngay khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu phát triển không bình thường nào, như thiếu cân, béo phì, đau ở một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể... Cha mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám của các bệnh viện nhi.

Chính bác sĩ khám bệnh sẽ là người quyết định nên chuyển bé đến chuyên khoa nào là phù hợp (nếu cần thiết). Sai lầm của các bậc phụ huynh là thường dựa trên những dấu hiệu bệnh ban đầu của trẻ rồi tự ý quyết định đưa con đến khám ở các chuyên khoa.

Chẳng hạn, khi trẻ kém tăng cân, phụ huynh vội vàng cho trẻ đến khám ở chuyên khoa dinh dưỡng. Thực chất, tình trạng cân nặng của bé không đạt chuẩn còn liên quan đến rất nhiều bệnh lý thực thể khác, như bệnh về đường tiêu hóa hoặc rối loạn chuyển hóa... chứ không đơn thuần do chế độ dinh dưỡng. Hoặc thấy trẻ khó thở, phụ huynh nghĩ đến bệnh lý về đường hô hấp, song biểu hiện này còn liên quan đến bệnh tim hay rối loạn tâm lý...

Cũng có những trường hợp ngoại lệ mà việc đưa trẻ đi tầm soát bệnh là cực kỳ cần thiết. Cụ thể, khi trẻ sinh bị thiếu tháng, thiếu ký, bị mắc phải một số bệnh lý sau khi sinh thì cần được tầm soát, theo dõi sức khỏe thường xuyên; hoặc nếu không được tiêm chủng đúng lịch thì cần đi kiểm tra xem trẻ có đủ kháng thể hay không.

Trường hợp thứ hai là khi cha hoặc mẹ mắc phải những căn bệnh mang tính di truyền hoặc lây lan như viêm gan siêu vi B/C, lao phổi, viêm dạ dày có HP, bị tiểu đường type 1, bị bệnh về máu thì cần phải đưa bé đi tầm soát những bệnh lý này ngay khi có thể.

Khi cha mẹ, đặc biệt là mẹ bị viêm gan siêu vi B, cho dù bé đã được chích ngừa thì vẫn cần phải tầm soát. Nếu cha/mẹ bị bệnh lao phổi thì nguy cơ lây truyền cho bé rất cao.

Những trẻ bị bệnh về máu (thiếu máu) do di truyền thường phát triển yếu, đề kháng kém, sẽ không thể trị hết bệnh nhưng nếu biết trước, cha mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn để biết cách xây dựng cho bé một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa cho trẻ trước những đợt dịch bệnh.

Có những thời điểm quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý về sức khỏe của trẻ như sau: từ 0-18 tháng tuổi, trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ; khi lên năm-sáu tuổi, trẻ cần tiếp tục tiêm nhắc đối với một số loại vắc xin chủng ngừa.

Ở tuổi dậy thì, trẻ (bé gái từ tám-chín tuổi trở lên, bé trai từ 11-12 tuổi trở lên) có nguy cơ bị đau tăng trưởng do giai đoạn này cơ phát triển chậm hơn xương, bé sẽ bị nhức cơ, thời gian nhức tùy từng bé nhưng có thể kéo dài một-hai năm.

Tình trạng này thường gặp ở những bé năng động, ưa chạy nhảy. Vì vậy, khi bé bị đau, nên lựa chọn cho bé những môn thể thao phù hợp, chẳng hạn bé trai không nên chơi đá banh, bé gái tránh môn thể dục cường độ cao như aerobic, nhảy dây, thay vào đó là đi bơi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI