Có nên hóa trị trong điều trị ung thư vú?

01/02/2018 - 09:00

PNO - Các chuyên gia trên thế giới vẫn đang tranh cãi về sự cần thiết của hóa trị trong điều trị ung thư vú.

Được đưa vào sử dụng từ những năm 1940, cho đến nay hóa trị đã trở nên ít độc hại hơn và hiệu quả hơn. Tỷ lệ tử vong do ung thư đã được cải thiện từ cuối những năm 1980, một số nghiên cứu cho rằng hóa trị có đóng góp vai trò trong thành quả này.

Co nen hoa tri trong dieu tri ung thu vu?
Bộ dụng cụ để thực hiện hóa trị cho bệnh nhân tại viện ung thư Dana-Farber ở Boston (Mỹ).

Bên cạnh phẫu thuật và xạ trị, hóa trị được xem là một vũ khí quan trọng để chống lại ung thư vú. Phần lớn phụ nữ bị ung thư vú được điều trị bằng cách kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia về ung thư trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về sự cần thiết của phương pháp điều trị này.

Co nen hoa tri trong dieu tri ung thu vu?
Tiến sĩ Eric Winer, người phụ trách chương trình ung thư vú tại Viện Ung thư Dana-Farber, cho biết thách thức của hóa trị là việc cân bằng giữa các nguy cơ và lợi ích của nó.

Một số chuyên gia cho rằng hóa trị có nhiều rủi ro và không hiệu quả trong việc chống lại một số khối u ở giai đoạn sớm. Thay vào đó, họ ủng hộ những phương pháp điều trị ít sử dụng hóa chất hơn hoặc không sử dụng hóa chất.

Quan điểm này làm nổ ra tranh cãi giữa các chuyên gia về ung thư. Phía phản đối lo ngại rằng bệnh nhân có thể không nhận được đúng phác đồ điều trị mà họ cần. Phía ủng hộ thì cho rằng sử dụng hóa chất quá mức có thể gây hại hơn là giúp ích.

Trước đây, hóa trị được xem là cực kỳ quan trọng trong điều trị ung thư, nhưng những tiến bộ về sinh học khối u đã thay đổi cách các bác sĩ tiếp cận hóa trị. Cụ thể, với phương pháp kiểm tra gen (xem xét ảnh hưởng của gen đối với ung thư), khối u sẽ được đánh giá bằng điểm số. Điểm thấp có nghĩa là tiên lượng tốt và hóa trị sẽ không có lợi cho bệnh nhân. Điểm cao đồng nghĩa với nguy cơ tái phát cao và bệnh nhân cần thực hiện hóa trị. Điểm trung bình là trường hợp gây tranh cãi về việc có nên thực hiện hóa trị cho bệnh nhân hay không.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Steven Katz, giáo sư y khoa tại trường Đại học Yale (Mỹ), và Allison Kurian, chuyên gia về ung bướu tại Đại học Stanford (Mỹ) đã chỉ ra rằng việc sử dụng hóa trị trong điều trị ung thư vú giai đoạn sớm đã giảm từ 34,5% xuống còn 21,3% trong giai đoạn thực hiện nghiên cứu từ năm 2013 đến năm 2015.

Co nen hoa tri trong dieu tri ung thu vu?
Tiến sĩ Gabriel Hortobagyi cho biết cần phải có thêm thảo luận về hóa trị liệu trong điều trị ung thư.

Tiến sĩ Eric Winer, giám đốc chương trình ung thư vú tại Viện Ung thư Dana-Farber (Boston, Mỹ) đã nhấn mạnh những hạn chế của hóa trị trong điều trị ung thư. Ông cho rằng phương pháp này có hiệu quả giới hạn, trong khi lại có độc tính khủng khiếp và nhiều tác dụng phụ lâu dài như gây bệnh bạch cầu, suy tim, bệnh thần kinh, mãn kinh sớm và vô sinh.

Một số loại thuốc dùng trong hóa trị như Cytoxan, Adriamycin, Taxol và Taxotere gây các phản ứng phụ như buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi.

Theo tiến sĩ Winer, hóa trị vẫn phải được sử dụng khi cần thiết vì nó vẫn mang lại hiệu quả nhất định. Vấn đề đặt ra là phải cân bằng giữa rủi ro và lợi ích của phương pháp này, đồng thời phải xác định được đối tượng bệnh nhân nào sẽ nhận được lợi ích từ hóa trị.

Các chuyên gia về ung thư vẫn đang chờ đợi những kết quả nghiên cứu tiếp theo, tập trung vào các trường hợp ung thư phức tạp với kết quả kiểm tra gen cho điểm số trung bình để làm rõ hơn về vấn đề này.

Hà Di

Nguồn Theo wsj
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI