Trò chuyện cùng bác sĩ và chuyên gia
Làm đẹp là một trong những vấn đề được hầu hết phụ nữ đặc biệt quan tâm. Làm sao để có một làn da khỏe đẹp? Bí quyết nào để có ngoại hình tươi trẻ? Chọn và sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm dưỡng da như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Công nghệ làm đẹp của thể giới được cập nhật liên tục, làm sao tiếp cận được với công nghệ hiện đại nhất và chọn được cho mình dịch vụ, công nghệ phù hợp với làn da, tuổi tác, cấu tạo cơ thể, khuôn mặt… để sở hữu vẻ đẹp tự nhiên nhất?…
Hiểu được nhu cầu của phái đẹp, Phụ Nữ Online mở chuyên mục Trò chuyện cùng bác sĩ, chuyên gia nhằm giải đáp tất cả những thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề làm đẹp và thẩm mỹ.
Chuyên mục sẽ có sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia tên tuổi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ.
Mọi câu hỏi thắc mắc gởi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn (Tiêu đề vui lòng ghi rõ: Mục Trò chuyện cùng bác sĩ)
Phần giải đáp sẽ luân phiên được đăng tải vào Chủ Nhật hàng tuần.
|
Người xưa có câu: “Những người đáy thắt lưng ong – vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. Khéo nuôi con thì nhà có phúc, khéo chiều chồng nhà đầy ắp tình yêu. Dưới góc độ nhân tướng học, eo thon nhỏ nhưng bằng phẳng, đầy đặn là người đảm đang, khéo léo, khỏe mạnh và nhẫn nại. Dưới giá trị về sức khỏe, eo thon là người khỏe mạnh, tươi trẻ, căng đầy nhựa sống, thanh xuân. Giá trị về tính dục thì hấp dẫn, cuốn hút người khác phái. Giá trị về thời trang thì dễ ăn bận, dễ đẹp…
Chính vì vậy, sự thừa cân, béo phì khiến phái đẹp tìm đến mọi phương pháp giảm cân, từ truyền thống đến cực đoan như dùng nước chanh, giấm hay tuyệt thực. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này trước hết bạn cần xác định được đúng nguyên nhân gây ra. Trước tuổi dậy thì trẻ mập, ốm thường do chế độ ăn hay các bệnh lý kèm theo. Sau tuổi dậy thì, dưới tác dụng của estrogen, nữ có ba vòng phát triển: tuyến vú phát triển làm ngực tròn đầy, xương hông rộng, eo thon, mông nở, da mịn màng, tạo nét quyến rũ. Vậy nguyên nhân gì tạo nên béo phì? Theo các nghiên cứu khoa học thường do:
- Ăn nhiều calori (năng lượng) hơn mức tiêu thụ.
- Thói quen ăn vặt, ăn khuya.
- Uống nhiều bia, rượu, bỏ thuốc lá.
- Bệnh lo buồn, căng thẳng quá mức (stress).
- Hạn chế vận động cơ thể, ngồi nhiều.
- Dùng thuốc ngừa thai, thuốc chữa thần kinh.
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai, thời kỳ tắt kinh, mãn kinh.
- Di truyền (chiếm khoảng dưới 10%).
-
Làm cách nào để xác định mỡ thừa trong cơ thể?
Để biết lượng mỡ thừa trong cơ thể hay tình trạng cân nặng của bản thân, bạn có thể áp dụng hai cách sau:
- Đo chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index)
Cách tính BMI rất đơn giản: BMI = Cân nặng (kg) /(Chiều cao x Chiều cao) (mét bình phương).
Kết quả: Gầy < 18, bình thường (chuẩn): 18 – 25, thừa cân: 25 – 29,9, béo độ 1: 30 – 34,99, béo độ 2: 35 – 39,99, béo độ 3 (rất béo) hơn hay bằng 40.
Ví dụ: Bạn cao 1,55m, nặng 50kg.
BMI = 50 /(1,55 x 1,55 ) = 50 / 2,4025 = 20,8.
-> BMI của bạn trong mức "Chuẩn".
Chỉ số BMI được xem là cách đo độ gầy béo cơ thể theo chuẩn của tổ chức y tế thế giới (WHO).
- Đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể
Cách đo: Tỷ lệ mỡ trong cơ thể = Trọng lượng chất béo trong cơ thể /Trọng lượng cơ thể.
Tỷ lệ mỡ ở nam cao khi trên 25%, nữ trên 30%.
Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể có thể là một chỉ số khá tốt để chẩn đoán một số nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, nếu tỷ lệ này ở mức càng cao (đặc biệt lớp mỡ tập trung xung quanh vùng bụng), thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm xương khớp, và một số loại ung thư càng lớn. Hiện tại có nhiều cách khác nhau để tính tỷ lệ mỡ cơ thể, từ phương pháp khá cũ truyền thống (như dùng thước kẹp) đến phương pháp quét cơ thể bằng công nghệ cao. Bạn có thể tự tính tỷ lệ này tại nhà mặc dù kết quả có thể không hoàn toàn nhưng cũng khá chính xác, còn nếu muốn có kết quả chính xác nhất thì bạn phải kiểm tra bằng thiết bị đắt tiền và do chuyên gia chăm sóc sức khỏe thực hiện.
- Dựa vào đo vòng eo
Vòng eo ở nam béo khi trên 90 cm, nữ béo khi trên 80 cm.
Dựa vào số đo vòng eo bằng thước dây cũng giúp chẩn đoán nguy cơ có mắc một số bệnh (như nói ở trên) đi kèm với thừa cân hoặc béo phì. Cụ thể hơn, nếu phần lớn lớp mỡ ở vùng quanh eo (gọi là mỡ bụng) cao hơn lớp mỡ ở hông, thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác. Để đo chính xác vòng eo, khi đo bạn nên đứng thẳng chỉ mặc đồ lót và đặt thước dây vòng quanh bụng dưới, bên dưới rốn và ngay phía trên xương hông. Hít vào và sau đó đo vòng eo ngay sau khi thở ra
Tác hại của bệnh béo phì
Béo phì không chỉ mất tính thẩm mỹ mà còn là tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng như:
- -Gan nhiễm mỡ, tim nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu.
- -Tiểu đường.
- -Sỏi túi mật.
- -Cao huyết áp.
- -Ngừng thở khi ngủ.
- -Bệnh da dễ nhiễm trùng.
- -Viêm, thoái hóa khớp.
- -Tắc mạch máu tim, não…
Chính những tác hại khó lường của béo phì, chị em nóng lòng đạt được kết quả nhanh và hiệu quả, các phương pháp điều trị giảm cân, tái tạo vóc dáng không ngừng ra đời. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, giảm cân là một quá trình lâu bền, giảm cân được gọi là hiệu quả khi bạn duy trì cân nặng đã đạt được. Muốn vậy bạn phải kết hợp rất nhiều phương pháp khác nhau một cách khoa học và đòi hỏi ở bạn sự kiên định lâu dài, muốn lâu dài thì chương trình này phải phù hợp lối sống, phong cách cùng điều kiện của bạn. Thông thường, chương trình giảm cân thành công phải kết hợp:
- -Chương trình ăn kiêng hợp lý.
- -Vận động, tập thể dục thích hợp.
- -Thay đổi hành vi.
- -Liệu pháp tâm lý.
Khi bạn không kiên trì, hay khó khăn trong việc thực hiện bạn nên gặp những chuyên gia để được hỗ trợ (liệu pháp y khoa hỗ trợ):
- -Bạn luôn thèm ăn, không theo chế độ ăn kiêng được, bác sĩ cho bạn dùng những loại thực phẩm chức năng giảm sự thèm ăn hay giảm sự hấp thu.
- -Bạn luôn buồn phiền, lo âu, bác sĩ sẽ có các liệu pháp tâm lý hỗ trợ.
- -Khớp bị đau khi vận động, sức khỏe kém… bác sĩ sẽ lên cho bạn các chương trình tập luyện phù hợp.
- -Bụng lớn, nhiều mỡ, tập không hiệu quả, bác sĩ sẽ có các máy đánh tan mỡ bụng, hút mỡ…
Cùng sự phát triển của khoa học và y khoa, các liệu pháp y khoa hỗ trợ không ngừng ra đời và hiệu quả ngày càng cao, luôn đáp ứng những mong muốn của khách hàng, quan trọng là bạn chọn giải pháp nào và nơi nào để thục hiện bạn cần tham vấn các chuyên gia và trên hết bạn phải có một kiến thức nhất định về lĩnh vực mình tham gia điều trị. Trong các bài sau, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quí độc giả các biện pháp y khoa hỗ trợ trong giảm cân – tái tạo vóc dáng cơ thể.
Th.S - BS Lê Tôn Dũng
(Giảng viên bộ môn Tạo hình thẩm mỹ Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch)