Có nên đưa tiền tiết kiệm cho mẹ chồng giúp người ơn?

20/07/2023 - 16:51

PNO - Ai cũng cùng có phần đúng, nằm ở lương tâm, tình nghĩa, trách nhiệm. Nên cả 3 người đều cần phải hiểu, thông cảm, từ đó mà có những giải pháp tốt.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Gia đình tôi có 2 con trai, một cháu đã đi học nước ngoài và tìm được việc làm, ở lại định cư bên Úc, cháu còn lại năm nay đang học đại học năm thứ 2. Cháu học trường quốc tế, nên học phí khá cao.

Tôi và chồng đều đã về hưu, nhưng trước khi về hưu, tôi có dành dụm được khoản tiền đủ đóng học phí cho cháu cho đến hết đại học, nên tôi rất yên tâm. Tôi vẫn còn được mời làm cố vấn, hợp đồng, nên cũng còn có thu nhập ngoài lương hưu, nhưng số thu nhập này cũng không quá cao. Chồng tôi về hưu là nghỉ luôn, lương hưu chỉ có 6 triệu/ tháng.

Cách đây 2 tuần, mẹ chồng tôi hỏi mượn chúng tôi tiền cho một người bà con rất thân của bà. Bà nói cha mẹ người đó từng nuôi bà khi bà mồ côi từ nhỏ, nuôi bà ăn học rồi gả chồng cho bà, nhờ họ, bà mới có cuộc sống đàng hoàng, mới có gia đình, có con cái, ý là có chồng tôi.

Giờ người mẹ của gia đình đó bị ung thư, nhưng lại không có tiền chữa bệnh. Tuy bà cụ cũng đã 85 tuổi, nhưng gia đình vẫn muốn còn nước còn tát, làm tất cả những gì có thể để bà cụ có thể kéo dài cuộc sống.

Chồng tôi nghe lời mẹ, muốn lấy tiền tiết kiệm ra đưa cho mẹ, giúp bà trả ơn nghĩa với người ta. Nhưng tôi thì không chấp nhận được.

Thứ nhất, theo tôi bà cụ cũng đã gần 90 tuổi, có cứu chữa giờ cũng chỉ làm bà thêm khổ. Thà là chỉ cần chăm sóc bà thật tốt, cho bà ăn ngon, tạo cho bà không gian vui vẻ là đủ.

Hai là tiền đó tôi để lo học phí cho con. Tương lai với lương hưu và công việc vốn chỉ để làm cho vui, chồng thì không làm gì, tôi sợ không có khả năng gom góp đủ lo cho con học.

Nhưng chồng tôi thì khăng khăng nói phải có tiền đưa cho mẹ, nếu không mẹ sẽ buồn, áy náy suốt phần đời còn lại. Đỉnh điểm cãi nhau, anh nói tôi chia đôi số tiền, phần anh, anh đưa cho mẹ, rồi anh sẽ đi làm, chạy xe ôm công nghệ cũng được, để bù lại số tiền đó cho tiền học của con.

Tôi nghe chồng nói mà buồn lòng vô cùng. Giờ đưa chồng cũng dở mà không đưa cũng dở. Cứ tưởng về hưu rồi, đã lo trước rồi, mà cũng gặp những chuyện như thế này... 

Tôi phải quyết định như thế nào đây chị?

Thanh Hà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Thanh Hà thân mến,

Trong câu chuyện của chị, Hạnh Dung thật lòng mà nói, thấy ai cũng đáng được thông cảm, chia sẻ. Mẹ chồng chị muốn trả ơn cho một người ơn, cái ơn nuôi dưỡng, chăm lo, mang đến cho bà cả cuộc đời. Tương lai đó, không nhỏ, và giờ nếu không thể giúp gì, hay làm gì thì lòng không yên.

Chồng chị chắc chắn là người không thể không quan tâm, bỏ mặc mẹ với những nỗi lòng riêng của mẹ, bởi anh thừa hiểu ý nghĩa của họ với mẹ anh và với chính cuộc đời anh. Anh cũng phải có một phần nào trách nhiệm, phần rất lớn nữa là khác, giúp mẹ trọn vẹn tình nghĩa với người ơn của mẹ con mình.

Suy nghĩ, tình cảm và mong ước được đền đáp người ơn của mẹ chồng chị và chồng chị là hoàn toàn hiểu được, thậm chí là rất đáng trọng, đáng nể. Nhất là khi chồng chị đã nói ra cái điều anh sẵn sàng làm mọi thứ để chịu trách nhiệm về khoản tiền mà anh đưa cho mẹ.

Sự phân vân, tiếc, ngại ngùng của chị cũng không hề có gì đáng trách. Chị là người mẹ và chị phải dành mọi ưu tiên cho con mình. Thậm chí bản thân mình có khi còn tiếc cho mình, nhưng cho con thì người mẹ nào cũng vậy. Hơn nữa, hoàn cảnh về hưu của anh chị, đồng tiền làm ra giờ không còn dễ dàng thoải mái nữa, nên việc chị muồn từ chối, cũng là điều có thể thông cảm được.

Và ai cũng cùng có phần đúng, những phần đúng đều nằm ở lương tâm, tình nghĩa, trách nhiệm. Nên cả 3 người đều cần phải hiểu, thông cảm. Từ đó có những bàn bạc, chia sẻ với nhau để tìm ra giải pháp nào tốt hơn cả. 

Từ phía chị, những điều nói về sự vô ích chạy chữa cho người già, theo Hạnh Dung, đừng quá thẳng thắn đến mức khó nghe. Là người thân của mình, người mình yêu thương, và nhất là người mình biết ơn, không ai dễ buông tay khi có thể còn "tát".

Đây cũng thực sự là lựa chọn của người trong gia đình, người trực tiếp liên quan về mặt tình cảm. Tiếp tục đấu tranh hay buông là ở ý chí, sự sáng suốt và tình yêu thương của họ. Mình bàn vào không được thì cũng tránh nói ra, chị nhé. Dù nó có thể đúng đến thế nào, thì nó cũng sẽ... khó nghe lắm, chị à.

Về chuyện tiền, quả thật như anh nói, một nửa số tiền đó có công sức của anh, sự gom góp của anh, và anh có quyền quyết định một nửa đó. Anh đã quyết như vậy thì chắc là anh sẽ làm được, khi anh nói sẽ tìm việc, sẽ cố gắng bằng mọi cách. Anh cũng là người bố, chắc không thể coi thường tương lai của con mình đâu chị.

Cuộc trò chuyện, bàn bạc của chị và anh về vấn đề này nên xuất phát từ những thông cảm với nhau, chia sẻ với nhau, và từ những lo lắng, quan tâm chung của cả hai, để biết được nên giúp bao nhiêu, giúp thế nào, và có những phương án gì để phòng xa cho mọi trường hợp. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI