Có nên đưa con đi xét nghiệm AND, vì mẹ chồng nói "nhìn không giống ba"?

19/12/2021 - 12:29

PNO - Mẹ đáp là bản thân người mẹ phải tự tin vào mình, vào con mình để không suy diễn lung tung nhận xét của người khác. Mẹ nói thế, khác nào mẹ nghi ngờ em không tự tin vào "nguồn gốc" của đứa trẻ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Con gái em ba tuổi, có nhiều nét rất giống ba. Cả vợ chồng em đều thấy con gái giống ba, nhưng mẹ chồng mỗi lần gặp lại nói "nhìn y như mẹ mày", "nhìn như bản sao của cái Loan". Em nhiều lần chỉ cho mẹ thấy con gái giống ba ở vầng trán cao, đôi mắt tròn, cái mũi dọc dừa... Nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Mẹ vẫn khen con của chị chồng em giống ba, rồi quay sang nói con gái em giống mẹ. Mỗi lần như vậy em nghe rất ấm ức và khó chịu vô cùng. Việc sinh con không giống với chồng mình như một thất bại của cuộc sinh nở vậy. Mẹ em không nói thẳng ra như thế, nhưng bản thân em tự cảm nhận được điều đó.

Có lần em bảo mẹ đừng nói vậy, vì em sẽ rất buồn. Mẹ đáp là bản thân người mẹ phải tự tin vào mình, vào con mình để không suy diễn lung tung nhận xét của người khác. Mẹ nói thế khác nào mẹ nghi ngờ em không tự tin vào "nguồn gốc" của đứa trẻ?

Em muốn đi xét nghiệm ADN để không ai phải bàn tán việc con em giống ai nữa. Nhưng chồng em không đồng ý, nói em làm quá và vô lễ với mẹ.

Chị nghĩ sao về chuyện này, em nên làm gì để hóa giải mối nghi ngờ trong mẹ chồng ạ?

Hiền Loan (Bình Thạnh, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiền Loan mến,

Có lẽ em đã suy nghĩ quá nhiều rồi. Những nhận xét của mẹ chồng em là rất bình thường và phổ biến. Khi nhìn một đứa trẻ, người ta lại có cảm hứng liên tưởng đến một người lớn nào đó để tự lý giải xem tại sao con có nét mặt này, hay dáng vóc kia... Và "kết quả" thường là do cách cảm nhận của mỗi người.

Nhiều đứa trẻ giống ba như khuôn, nhưng bên ngoại vẫn thấy cháu có nét của nhà mình, hoặc ngược lại. Tình huống so sánh giống/khác và cảm thán về dáng vẻ của một đứa trẻ là rất bình thường trong tâm lý con người.

Hạnh Dung không nói điều đó là đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, chỉ xin khẳng định đó là một tâm lý bình thường và đang rất phổ biến. Có nghĩa là, ta không thể dựa vào đó để kết luận về động cơ của người nhận xét, đó đơn giản chỉ là một "quán tính tập thể" mà thôi.

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ trẻ rất mong con mình giống ba. Mối quan hệ mẹ - con thì đã quá rõ ràng sau chín tháng mang thai và một lần vượt cạn. Vậy nên người ta mong mỏi con mình thể hiện sự máu mủ với ba bằng việc mang hình dáng của anh ấy. Đây là mong mỏi rất đẹp đẽ của người mẹ.

Thế nhưng, ai cũng biết, việc đứa trẻ giống ai là do... tạo hóa (nếu không muốn nói là do đặc điểm di truyền hết sức ngẫu nhiên so với mong muốn của con người).

Việc đứa trẻ giống mẹ hay giống ba không thể là lý do khiến người ta yêu nhiều hay ít hơn, càng không thể là căn cứ để xét đoán về "nguồn gốc" của đứa trẻ.

Có lẽ, đó chính là lý do mẹ chồng em nói "bản thân người mẹ cần tự tin vào con và vào mình để không suy diễn nhận xét của người khác".

Có lẽ em đã kỳ vọng rất nhiều vào việc sinh cho chồng, cho nhà chồng một "hậu duệ" từ huyết thống cho đến ngoại hình. Chính vì kỳ vọng này, nên em trở nên nhạy cảm với những phép so sánh của người khác.

Vì vậy, chuyện này có thể được hóa giải từ chính tâm lý của em. Hãy tự tin và xem những lời nhận xét kia chỉ đơn thuần là cách bộc lộ nhìn nhận ở mọi người ở cấp độ... thị giác. Con giống ba hay giống mẹ thực sự là do cách nhìn của người nhìn. Và rất nhiều đứa trẻ khác cũng đang được khen ngợi hay nhận xét một cách hồn nhiên như thế.

Tất nhiên, nhận xét là một việc làm không nên nếu ta đề cao tự do cá nhân một cách tuyệt đối. Nhưng các cụ, các dì, thậm chí là nhiều chị em trẻ tuổi đã lớn lên trong một nền văn hóa khá dễ chịu với những nhận xét, khiến cho việc nhận định "bé giống ba hay giống mẹ" đã trở thành một quán tính quá đỗi bình thường.

Em hãy tiếp nhận nó một cách bình thường như thế, để chính mình thoải mái trước, em nhé!

Chúc em vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI