Trong 2 bài viết Đứa con nào sẽ chăm sóc cha mẹ già và Người già nên chọn nơi nương tựa khi còn sáng suốt có gợi ý một hướng lựa chọn: gửi cha mẹ lớn tuổi vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đồng thuận hoặc có điều kiện theo phương án hiện đại này.
|
Ảnh mang tính minh họa |
“Hay con đưa mẹ tham quan viện dưỡng lão ngay ngoại ô. Ở đó ai cũng có người chăm sóc, tha hồ kết bạn...”. Bà Thủy bàng hoàng, không ghìm được nước mắt khi nghe đứa con gái duy nhất là Thy đưa ra lời đề nghị như vậy.
Thy là con một. Bà Thủy là mẹ đơn thân. Từ khi sinh Thy đến giờ, thế giới của bà Thủy xoay quanh Thy. Bà đã nỗ lực làm việc gấp 2, 3 lần người khác chỉ mong con không thua bạn bè.
Bà chờ đợi đến ngày Thy trưởng thành, có việc làm ổn định, lập gia đình, sinh con đẻ cái, tuổi già của bà sẽ vui vầy bên con cháu. Đó là viễn cảnh mà bà nỗ lực hướng tới. Có điều, bà không bao giờ ngờ được có ngày, khi Thy được trúng tuyển làm tiếp viên hàng không, có công việc tự do bay nhảy, cô lại thấy bà là gánh nặng, muốn rời xa bà theo cách mà bà chưa từng nghĩ đến.
Phản ứng đầu tiên của bà Thủy là choáng váng và tức giận. Bà mắng Thy là đứa con bất hiếu, sống ích kỷ, chỉ muốn "rảnh tay". Hiện tại, tuy chân bà hay đau nhức, đi nhưng bà vẫn đi lại được. Bà có lương hưu tự trang trải chi phí sinh hoạt không cần ngửa tay xin tiền con, vậy mà con gái đã tỏ thái độ coi thường mẹ, thấy mẹ là gánh nặng, muốn... tống mẹ đi cho khuất mắt.
Bà bất mãn vì những hy sinh của bà bao năm cuối cùng đổi lại là cái phủi tay của con gái.
Thái độ của bà Thủy rất phổ biến trong thế giới của những người già có điều kiện kinh tế khá tốt ở đô thị, khi con cái gợi ý cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Theo văn hóa phương Đông “nhỏ cậy cha, già cậy con”, cha mẹ già thì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng. Cuộc sống của người già là gắn liền với gia đình con cháu. Người già nào phải sống cô độc thường bị coi là vô phước.
Tuy vậy, thực tế cuộc sống của những người con luôn bận rộn công việc từ sáng đến tối với trăm ngàn áp lực. Những đứa con luôn bất an khi có cảm giác bỏ bê cha mẹ, "khoán" người già cho chiếc ti vi, không thời gian trò chuyện, chăm sóc.
Bà Quý, người bạn cùng khu phố với bà Thủy bị tai biến từ năm 50 tuổi. Sau khi xuất viện, bà liệt nửa người, phải nằm 1 chỗ đến giờ đã hơn 5 năm. Thời gian đầu con cái chia nhau chăm sóc rất tận tình chu đáo. Nhưng càng ngày sự mỏi mệt càng tăng, mọi người bắt đầu đùn đẩy nhau, thuê người giúp việc. Mặc dù có người giúp, nhưng trong nhà có người bệnh nên không khí luôn nặng nề.
Tuy bất động trên giường, nhưng bà Quý cảm nhận được sự lạnh nhạt của các con. Bà gọi các con đến bày tỏ nguyện vọng muốn được vào viện dưỡng lão. Nhưng các con bà không chấp thuận, vì sợ người ngoài gièm pha "nhà đông anh em mà không chăm nổi một mẹ". Nhất là khi các con bà đều có địa vị trong xã hội.
Câu hỏi "có nên đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão?", được bàn thảo nhiều lần trong các hội nhóm mạng xã hội, trong các khu dân cư, từng gia đình... và luôn gây tranh cãi sôi nổi.
Thực tế ở viện dưỡng lão, các cụ sẽ được chăm sóc đầy đủ và an toàn bởi những điều dưỡng được đào tạo bài bản về chuyên môn. Các cụ được sinh hoạt trong cộng đồng cùng lứa tuổi. Được giao lưu, tâm sự, tham gia các hoạt động thể chất nhằm rèn luyện sức khỏe và vơi bớt nỗi cô đơn tuổi xế chiều.
Tuy vậy không phải ai cũng có thể vào viện dưỡng lão, vì chi phí để vào viện dưỡng lão không hề rẻ. Hơn nữa sống trong môi trường tập thể, sinh hoạt chung không thể được tự do như ở nhà riêng. Đây là 1 trong những lý do khiến cho một số người già không thoải mái. Chưa kể việc phải xa con cháu cũng khiến các cụ thêm nhớ nhà.
|
Chi phí phải trả cho viện dưỡng lão không hề rẻ, dù người già được chăm sóc bởi các nhân viên có chuyên môn (Ảnh mang tính minh họa) |
“Con muốn mẹ vào viện dưỡng lão không phải là muốn đẩy mẹ cho nhẹ thân, mà con muốn được an tâm mỗi lần đi công tác dài ngày. Con chỉ muốn, nếu chẳng may mẹ gặp sự cố gì sẽ luôn có người nhìn thấy và hỗ trợ kịp thời. Con sẽ luôn gọi điện thăm hỏi mẹ. Khi nào con nghỉ bay, con sẽ vào thăm mẹ, đón mẹ về nhà” - Thy trình bày với mẹ như vậy. Bà Thủy gật đầu trong khi mắt đầy nước, bà đã tin Thy không hề phủi tay, hay bỏ rơi mẹ như bà nghĩ.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội - cho biết, một nghiên cứu quốc gia về người cao tuổi gần đây chỉ ra rằng, 30% người cao tuổi khó để chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cháu. Vì vậy, vào viện dưỡng lão hay ở nhà thì người già vẫn cần có được sự hỏi han, quan tâm, thể hiện tình yêu thương của con cái đối với họ. Đây chính là sức mạnh tinh thần to lớn, giúp người già quên đi cảm giác tủi thân, cô đơn dù ở nhà riêng hay ở viện dưỡng lão.
Mây