Có nên đầu tư vào vàng?

02/03/2022 - 06:26

PNO - Giá vàng đang biến động mạnh, những ngày gần đây có lúc lên gần 67 triệu đồng/lượng nhưng liền đó lại giảm hàng triệu đồng/lượng. Liệu có nên đầu tư vào vàng hay không?

Không nên bỏ hết tiền vào vàng 

Giá vàng trong những ngày qua chịu tác động chính từ xung đột Nga - Ukraine. Nhiều người đang giữ vàng tranh thủ đem bán khi thấy giá lập đỉnh mới nhưng cũng không ít người chọn mua vào vì tin rằng giá vàng sẽ còn tăng hơn nữa khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn leo thang, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng, lạm phát tăng cao…

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, trong tình hình chính trị liên tục biến động, rất khó có những nhận định đáng tin cậy dựa trên phân tích kinh tế, so sánh. Trong các cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra giữa các nước Iran và Iraq, giữa Israel và Iran hay giữa Mỹ với Afghanistan, giá vàng tăng nhưng vẫn có thể quản lý được rủi ro. Với xung đột giữa Nga và Ukraine, rất khó quản lý được rủi ro do việc đàm phán được dự báo khó có kết quả tốt, căng thẳng sẽ kéo dài và tổn thất tạo ra cho thế giới rất lớn. Theo ông, người tiêu dùng không nên mua vàng để đầu cơ nhưng nếu có nhiều tiền thì có thể mua vàng để dự trữ, phân tán rủi ro, đảm bảo an toàn trước biến động giá cả, lạm phát. 

Khách hàng đang giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - ẢNH: THANH HOA
Khách hàng đang giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - Ảnh: Thanh Hoa

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment - cho rằng, dòng tiền đang rút khỏi các kênh đầu tư số, chứng khoán và có xu hướng phân bổ vào các tài sản an toàn như vàng, bất động sản, trái phiếu. Với vàng, nhà đầu tư sẽ bất lợi nếu chỉ mua đầu tư trong vài tuần kiểu “lướt sóng”. Bởi khi giá vàng trong nước tăng quá cao, độ chênh lệch giữa giá mua và bán được nới rộng ra rất nhiều, có khi đến 2 triệu đồng/lượng. Thêm vào đó, dù chiến sự giữa Nga và Ukraine căng thẳng nhưng giá vàng thế giới vừa qua chỉ lên đến 1.973 USD/ounce, sau đó dao động quanh ngưỡng 1.800 - 1.920 USD/ounce. Về xu hướng, giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.000 USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước tăng nhưng sẽ không tăng trong ngắn hạn. Do đó, chỉ nên phân bổ tỷ lệ mua vàng từ 10 - 50% tổng số tiền đang có, không nên vay tiền để mua vàng hoặc đầu tư toàn bộ tiền vào vàng. Theo ông, nếu đã mua vàng từ trước thì nên giữ thêm 1 - 2 năm nữa.

Đầu tư vàng nhẫn thay vàng miếng 

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ - nhận định, do Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, nguồn cung hạn chế nên giá vàng miếng SJC đang chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới. Hiện không phải vàng miếng SJC đại diện cho thị trường vàng Việt Nam mà là vàng nhẫn, bởi giá vàng nhẫn đang bám sát giá thế giới. 

Trong ngày 25/2, giá vàng SJC lập kỷ lục khi chạm mốc gần 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra). Cho đến nay, giá vàng SJC vẫn liên tục dao động quanh mốc 64 - 65 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 65 - 66 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 52,6 - 52,9 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 13,35 triệu đồng/lượng, có thời điểm cao hơn gần 14 triệu đồng/lượng, là mức chênh lệch chưa từng có. 

Trong khi giá vàng SJC chênh lệch quá xa so với giá vàng thế giới thì giá vàng nhẫn SJC 99,99% lại bám sát giá vàng thế giới, ở mức 54,4 - 55,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1 - 2 triệu đồng/lượng. “Tất cả tiệm vàng đều được phép sản xuất, kinh doanh vàng nhẫn nên có sự liên thông với giá vàng thế giới hơn so với vàng miếng. Đây là tài sản tốt để nhà đầu tư lựa chọn” - ông Trần Thanh Hải gợi ý. 

Cần kéo giảm chênh lệch với giá vàng thế giới 

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - nhận định, giá vàng tăng quá nhanh và quá cao nhưng thị trường vàng vẫn không sôi động như các năm về trước. Với vàng miếng, giao dịch không có sự đột biến do nhiều người vẫn có tâm lý muốn giữ lại hoặc mua thêm; còn phân khúc vàng nữ trang vẫn trầm lắng, ế ẩm. “Nhiều lần, hội cũng đề nghị cho phép mở thêm doanh nghiệp sản xuất vàng miếng để cân đối cung cầu, tạo sự liên thông với thị trường thế giới nhưng vẫn chưa được đáp ứng” - ông nói. 

Theo ông Trần Thanh Hải, việc người dân mua vàng để làm tài sản cất giữ là nhu cầu chính đáng. Hơn nữa, giá vàng không còn tác động trực tiếp tới tỷ giá như trước nên cần cho phép các doanh nghiệp tự do sản xuất, kinh doanh vàng miếng để giúp giá vàng “hạ nhiệt” (chỉ cấm huy động vàng và cho vay bằng vàng từ các ngân hàng để chống “vàng hóa”). Có như vậy, giá vàng miếng SJC mới liên thông với thị trường thế giới, người tiêu dùng không còn chịu thiệt do sự chênh lệch giá quá cao như hiện nay. 

Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, vàng không phải là tài sản mà Nhà nước khuyến khích đầu tư và phải tốn lượng ngoại tệ rất lớn khi nhập khẩu nên trong thời gian tới, rất khó để Chính phủ cho phép nhập khẩu vàng, dẫn đến giá vàng vẫn sẽ neo ở mức cao. “Nếu sắp tới, giá vàng trong nước tăng quá cao, chênh lệch về giá không được rút ngắn nhưng Chính phủ vẫn không cho phép nhập khẩu vàng để “hạ nhiệt” thì tình trạng buôn lậu vàng có thể sẽ diễn ra nhiều hơn”, ông Hiển nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI