Có nên đăng ký xét tuyển bổ sung đại học?

12/08/2024 - 06:19

PNO - Theo kế hoạch tuyển sinh, đến ngày 17/8, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn tất lọc ảo, sau đó các trường đại học sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn. Ngành nào chưa đủ chỉ tiêu, các trường sẽ xét tuyển bổ sung đợt 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ hội xét tuyển bổ sung không còn nhiều và thí sinh cần cân nhắc kỹ.

Không còn nhiều lựa chọn

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết, cơ hội xét tuyển đợt 2 khá hẹp, nhất là với những ngành “nóng” hút thí sinh.

Ví dụ, tại Trường ĐH Bách khoa, nhiều năm nay chỉ tuyển sinh sớm và tuyển sinh đợt 1 với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngay cả với những ngành kén thí sinh như dầu khí, dù không đủ chỉ tiêu trường vẫn không xét tuyển bổ sung. Vì đây là ngành đặc thù, nếu tuyển bổ sung nhiều em chỉ chọn học tạm để năm sau thi tiếp.

Trường dự kiến công bố điểm chuẩn vào ngày 17/8, đến ngày 20 - 21/8, tân sinh viên nhập học, sinh hoạt đầu khóa và đến ngày 26/8 chính thức bắt đầu năm học mới.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM - cũng cho biết, thông thường trường chỉ tuyển sinh trong đợt 1.

“Kể cả với một số ngành đặc thù, như công nghệ chế biến thủy sản, nếu số lượng thí sinh đăng ký ít trường sẽ hạ mức điểm chuẩn và mở 1-2 lớp thay vì tuyển bổ sung. Với những ngành này, việc tuyển bổ sung không hiệu quả” - ông nói.

Thí sinh tìm hiểu ngành học ở Ngày tư vấn xét tuyển đại học tổ chức tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)
Thí sinh tìm hiểu ngành học ở Ngày tư vấn xét tuyển đại học tổ chức tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - thông tin, hầu hết các ngành đều tuyển xong trong đợt đầu tiên. Những năm trước, sau khi chốt điểm chuẩn, trường chỉ còn một vài ngành đặc thù tuyển bổ sung như: quản lý tài nguyên môi trường, quản lý đất đai… nhưng chỉ tiêu không nhiều.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM hiện đang nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bằng phương thức xét học bạ THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đến ngày 31/8. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng nhà trường - thông tin, những năm trước sau khi kết thúc nhập học đợt 1 trường đã đủ chỉ tiêu hoặc có năm xét tuyển bổ sung nhưng chỉ tiêu còn khá ít ở một số ngành, nhóm ngành.

Cân nhắc kỹ trước khi hủy xác nhận nhập học

Đến hết ngày 27/8, các trường sẽ hoàn tất việc nhập học cho tân sinh viên và tính toán xét tuyển đợt 2. Thí sinh có thể xem xét những ngành, trường nào còn tuyển, cơ hội trúng tuyển để đăng ký.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Thắng phân tích, những trường tốp trên hoặc những ngành “nóng” thường thu hút lượng thí sinh có điểm cao đăng ký xét tuyển nên các trường đều tuyển sinh xong trong đợt 1. Tương tự, những thí sinh có điểm cao cũng thường trúng tuyển những ngành các em mong muốn, trừ những thí sinh gặp lỗi hoặc không biết cách đăng ký xét tuyển.

Do đó, ông cho rằng: “Nếu tuyển bổ sung thường là những ngành đặc thù hoặc kén thí sinh. Không còn nhiều lựa chọn, thí sinh càng khó chọn được ngành theo đúng nguyện vọng của mình. Trong khi đó, để xét tuyển bổ sung thì các em không được nhập học trong đợt 1, đồng nghĩa với việc mất cơ hội học ĐH ở ngành mình đã trúng tuyển. Các em phải cân nhắc thật kỹ, đừng chọn bừa một nguyện vọng trong số các ngành còn lại để xét tuyển bổ sung, vì nếu thật sự không phù hợp các em lại mất thêm 1 năm”.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng khuyên nếu trúng tuyển vào ngành học, trường học không yêu thích, không ưng ý, thí sinh không nên hủy xác nhận nhập học ngay mà cần bình tĩnh, tìm hiểu thêm về ngành mình đã trúng tuyển xem có thể theo học hay không. Vì thực tế, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các trường rất ít, điểm chuẩn sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1, cơ hội trúng tuyển cũng ít hơn hoặc thậm chí không trúng tuyển.

“Còn những thí sinh chưa trúng tuyển thì có thể tìm hiểu kỹ xem những trường nào còn xét tuyển bổ sung những ngành học phù hợp với mình để đăng ký xét tuyển, hoặc có thể chọn bậc học phù hợp như cao đẳng, trung cấp… Nếu không ưng ý với bất cứ lựa chọn nào hiện tại, các em có thể chọn hướng trải nghiệm phù hợp rồi năm sau xét tuyển vào ngành học, trường học ưng ý nhất. Không nên quá đặt nặng “sống còn” trúng tuyển ĐH, quan trọng là bản thân lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất để phát triển bản thân, phát huy giá trị nghề nghiệp trong tương lai…” - ông Phạm Doãn Nguyên nói.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI