Có nên cho chồng biết việc em trai tôi nghiện ma túy, để anh thông cảm và chia sẻ?

11/10/2022 - 08:38

PNO - Chị đang là chỗ dựa cho cha mẹ và em. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị cũng không cần một chỗ dựa tinh thần.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi là một người hạnh phúc và may mắn trong mắt nhiều người. Tôi lấy được một người chồng rất tốt. Anh là người đàng hoàng, có địa vị xã hội cao, lại còn đẹp trai. Ai cũng nghĩ tôi thật sung sướng.

Thế nhưng, có lẽ trời không cho ai tất cả bao giờ. Gần đây, tôi phát hiện ra em trai ruột của tôi nghiện ma túy. Cha mẹ tôi đang vô cùng khốn khổ vì phài tìm mọi cách để giúp em tôi vượt qua được việc này.

Lúc đầu cha mẹ tôi giấu tôi, nhưng giấu mãi không được, vì ông bà đã kiệt quệ cả sức khỏe lẫn tài chính. Họ đành phài nhờ tôi "vào cuộc" chiến đấu cùng em.

Giờ tôi phải bỏ tất cả mọi thứ về ở cùng gia đình, để vừa nâng đỡ cha mẹ, vừa theo dõi, cấm cản, khuyên răn, trò chuyện với em.

Lúc đầu tôi còn bịa ra lý do này lý do kia để giải thích với chồng về việc để con và chồng lại cho người giúp việc. Nhưng sự việc ngày càng khiến chồng tôi không vui, anh bắt đầu có ý nghi ngờ tôi có chuyện gì khuất tất bên ngoài.

Tôi không biết có nên nói thật với chồng? Nếu tôi nói, chồng tôi có thông cảm hay không, hay anh sẽ ghê sợ gia đình tôi? Nếu chồng tôi không ghê sợ mà muốn giúp đỡ gia đình tôi, thì tôi sẽ khiến cho cuộc sống của anh thành địa ngục, vì điều đó đang xảy ra với chính tôi và ba mẹ. Nghĩa là tôi kéo cả chồng con tôi vào hố sâu.

Nhiều lúc tôi thoáng có ý định nghĩ ra lý do gì đó, đề nghị anh ly hôn, để con lại cho anh nuôi, trở về gia đình để giúp bố mẹ. Nhưng hy sinh hạnh phúc của mình như thế, tôi cũng không cam lòng. Còn bỏ mặc cha mẹ và em, tôi cũng không làm được.

Tôi phải làm sao bây giờ hả chị Hạnh Dung?

Huỳnh Như Ánh

Chị Huỳnh Như Ánh thân mến,

Với một người sống nặng tình, nặng nghĩa với tất cả những người thân yêu như chị, chỉ một chút đau buồn, khó chịu của người thân cũng khiến chị bị lo lắng, sợ hãi và suy nghĩ nhiều quá mức cần thiết. Huồng hồ, việc người em trai nghiện ma túy, cha mẹ đau khổ là điều tác động quá mạnh, làm chị rối loạn lo âu.

Và đúng như tính cách của chị, chị nghĩ rằng chị sẽ phải đứng ra chịu tất cả trách nhiệm về mọi điều. Cùng một lúc quá nhiều lựa chọn, chị không biết phải chọn bên nào, bỏ bên nào.

Điều quan trọng lúc này là chị phải hết sức bình tĩnh. Chị đang là chỗ dựa cho cha mẹ và em. Nhưng điều đó không có nghĩa là chị cũng không cần một chỗ dựa tinh thần. Chỗ dựa đó của chị chính là hạnh phúc gia đình chị, là chồng, là con chị, mà chị cần dựa vào, cho chị niềm tin để hành động.

Vì cần một chỗ dựa, một niềm tin, nên chị cần phải chia sẻ với anh mọi điều có thể, để anh giúp sức chị vượt qua, giúp em trai chị vượt qua.

Hiểu được những vấn đề của gia đình, anh có thể gánh đỡ chị những nỗi lo, để chị dành ưu tiên cho cha mẹ và em trai. Anh là một người đàn ông thành đạt, có nghĩa là đủ kiến thức, trải nghiệm, thêm nữa, vị trí của anh giúp anh có thể có những nhận định, hướng giải quyết mọi việc sáng suốt hơn.

Chắc chắn là một người đàn ông có được những phẩm chất như chị đã kể, sẽ không để cho hoàn cảnh nào kéo mình xuống hố sâu như chị tự lo lắng và tưởng tượng ra đâu. Với anh, chị và con là gia đình. Anh sẽ tìm cách kéo tâm trạng, nghị lực, sức mạnh của chị lên. Và cùng với đó, là kéo cha mẹ chị, em chị lên.

Cuộc đấu tranh để giúp em chị chiến thắng ma túy sẽ là cuộc đấu tranh rất dài và mệt mỏi. Chị hãy mạnh mẽ lên, tỉnh táo hơn, phân tích mọi việc rõ ràng, việc nào ra việc đó, trách nhiệm nào ra trách nhiệm đó, chị nhé.

Đừng để mình bị rối loạn và tự mình nhấn chìm mình vào đau khổ, bế tắc đến mức nghĩ quẩn về sự hy sinh, từ bỏ. Gia đình cần ở chị sự mạnh mẽ, sáng suốt, vững vàng, ngoài tình yêu thương.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI