Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: Lên chùa giỗ mẹ - giản dị và ấm cúng

18/08/2022 - 10:20

PNO - Lên chùa giỗ mẹ - nghe có vẻ buồn, nhưng thực tế cả gia đình cùng cầu siêu, vui vẻ nấu tiệc chay như di nguyện của mẹ. con cháu sum họp hoan hỉ, ngập tràn ấm cúng, yêu thương.

Tôi gặp gia đình đó vào cũng rất tình cờ, khi họ cùng nhau đi chùa dịp rằm. Ngoài 6-7 người lớn, tôi thấy có một cô gái trẻ mặc kiểu áo trùm đầu và một bé trai khoảng 5 tuổi.

Họ đi chùa ngoài việc lễ Phật, còn là để đến thăm mẹ/bà trên khu lưu giữ tro cốt. Hôm đó, đợi sau khi sư thầy làm lễ xong, những người con đến xin thầy đến tuần sau giúp làm lễ cúng giáp năm cho mẹ và xin thầy cho được sử dụng bếp của chùa để tự nấu cúng mẹ.

Lên chùa để cầu siêu, cầu an cho gia đình, người thân là tâm nguyện của nhiều người sau một năm cả nước chịu nhiều đau đớn vì đại dịch COVID gây ra.
Lên chùa cầu siêu, cầu an cho gia đình, người thân là tâm nguyện của nhiều người sau những đau đớn vì đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa)

Biết là chùa nhỏ, có thể không sẵn đồ nên họ cũng hỏi nếu có thể cho họ mượn khoảng ba chục chén, tô... các loại. Họ còn lịch sự, mời luôn những người làm bếp hôm đó có mặt ở chùa đến cùng ăn giỗ với gia đình. 

Người mẹ của họ mất năm ngoái, khi cả TPHCM lặng người trong đau đớn và bi thương, căng mình chống dịch. Nỗi lo sợ, hoang mang không chỉ có ở những người bệnh mà còn đến với người nhà. Người mẹ mới 60 tuổi, tưởng chỉ đi vài ngày rồi về, nào ngờ đó là lần chia xa mãi mãi. Những đứa con đón mẹ về trong thinh lặng và nước mắt chảy dài, dù ai cũng muốn vỡ òa cho thỏa nỗi đớn đau. 

Đám giỗ bà ở chùa cũng chộn rộn cười nói, nhưng không ồn ào vì trong không gian chùa. Cũng người này nháo nhào hỏi người kia món này đã nêm gia vị chưa, ớt đã xắt chưa... nhưng ai cũng vui vẻ, gắn kết nhau như có mẹ "chỉ đạo" ngày nào.

Dù món ăn hôm đó có mặn hơn so với nấu ở nhà, hay đứa bé bỗng hờn dỗi trong lúc thầy tụng kinh cầu siêu, thì đó là một buổi giỗ đầm ấm và đầy yêu thương. Dù ăn chay không phải là “gu” của nhiều người trong nhà.

Tôi chẳng biết nếp nhà của họ là vậy, hay sau đại dịch tư tưởng và cách sống của họ đã thay đổi, điều chỉnh. Nhưng tôi nghĩ, chắc chắn người mẹ - giờ đã là ngôi sao lấp lánh, hay là hạt sương long lanh sớm mai - sẽ hài lòng, mãn nguyện khi nhìn con cháu sum vầy. Hạnh phúc của người sống thì muôn kiểu chứ niềm vui của người đã khuất có bao nhiêu đâu. 

Tôi mong một ngày nào đó các dì, cậu tôi cũng lên chùa giỗ ngoại, cùng gắn bó, đoàn kết và yêu thương như ngày xưa.
Tôi mong một ngày nào đó các dì, cậu tôi cũng lên chùa giỗ ngoại, cùng gắn bó, đoàn kết và yêu thương như ngày xưa (Ảnh minh họa)

Thấy nhà người, tôi chạnh lòng thương “nhà mình”, thương ngoại. Năm nào vào dịp lễ lớn của chùa, ngoại tôi cũng có mặt, dù chân bị đau nhức, chưa kể lần ngoại bị chấn thương do xe tông.

Không đứa con cháu nào đi cùng thì ngoại rủ mấy người em. Có hôm “tụi nó” lề mề ngoại đội nón lá đi một mình cho kịp lễ. Rồi ngoại để dành từng chút tiền các cậu, dì tôi cho để mua quà tặng cho nhiều người nghèo trong xóm mỗi dịp tết hay rằm lớn đến. 

Ấy thế nhưng từ khi ngoại mất đến nay là 13 năm, nhưng chưa khi nào các dì, cậu cùng tổ chức giỗ cho ngoại cả. Dù chẳng ai ở xa hay nghèo gì để phải kiếm cơm đến nỗi không thể cùng nấu bữa cơm cúng ngoại. 

Một bữa cơm sum họp như ngoại mong muốn chắc sẽ không bao giờ có nữa. Vì sau khi ngoại mất, các dì các cậu tranh chấp, bất đồng ý kiến với nhau nhiều chuyện. Không có ngoại khuyên nhủ, bảo ban, nhắc nhở việc gà cùng một mẹ nên nhà ngoại đâm loạn hẳn. Chính vì không giải quyết được những cái tôi đó nên mạnh ai người đó tự giỗ mẹ lâu nay. “Ngày đó chắc ngoại đi ăn giỗ mệt nghỉ”, tôi nói đùa với mẹ mà lòng thì chua xót. 

Lên chùa giỗ mẹ, nghe có vẻ buồn nhưng nhìn cảnh gia đình cùng nhau nghe kinh cầu siêu, cùng vui vẻ nấu tiệc chay như di nguyện của mẹ thì ai cũng sẽ hoan hỉ, ngập tràn yêu thương.

Tôi ước gì có một ngày các dì, cậu của mình cũng cùng nhau lên chùa, thắp nén nhang cho ngoại ở khu cốt và cùng cười nói, nhắc lại chuyện xưa ở nhà. Chuyện ngoại than đau lưng nhưng đến tết ai rủ xòe tứ sắc là có thể ngồi cả ngày; chuyện cứ đến tết là ngoại tổ chức gói bánh tét rồi chia cho mỗi nhà vài đòn bánh, “tự xử” mấy ngày tết...

Tôi ước mong gia đình tôi sẽ có lại những phút giây sum họp để rưng rưng với những hoài niệm chưa bao giờ cũ.

Tâm Liên (Q. Tân Phú, TPHCM)

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI