Trong nhà chồng tôi là người có nhiệm vụ xé lịch. Như một thói quen, cứ xé một tờ là anh lại nhìn trước những tờ phía sau. Tối nay, khi xé lịch, anh mang tờ lịch cũ ra ban công với vẻ phấn khích: “Vợ, tháng sau là giỗ bà nội đấy!”
Tôi ngừng tay tưới nước cho đám cây, chồng như đoán được suy nghĩ của tôi, anh nghiêm mặt: “Vợ không phải nghĩ ngợi gì, cứ nếp cũ mà làm!”
“Nếp cũ” của nhà tôi là mọi đám giỗ chạp không ai được vắng mặt. Ban đầu đó là quy định của ông bà cố, nhưng khi tới thời ba mẹ tôi thì quy định còn đó nhưng đổi thành không những không ai vắng mặt mà ngược lại còn mong đến ngày để được có mặt.
Ngay từ khi chúng tôi còn bé, mẹ đã giải thích cho chúng tôi hiểu ý nghĩa của những lần đại gia đình tụ tập lại bởi mối quan hệ họ hàng thân thuộc nó khác nhiều lắm với những mối quan hệ khác.
Ví dụ trong công việc có thể có những cạnh tranh, so bì hơn thiệt, có thể không hợp thì khỏi chơi, không thích thì né đường khác, nhưng trong họ hàng thì không thể làm vậy. Thử nghĩ xem, sẽ ra sao khi gặp nhau trong đám giỗ mà ngại ngần không dám nhìn nhau. Bà nội tôi nói, đó là thứ cảm xúc của lương tri, để mọi người sống tốt hơn, biết nhìn và nghĩ về nhau để cảm thông và chia sẻ.
|
Ai cũng mong ngóng ngày được “vui vẻ hợp pháp” (Ảnh minh họa) |
Thử nghĩ xem, ví như đám giỗ bà nội, là bà nội của tụi tôi nhưng là bà ngoại của đám con cô Ba, là mẹ ruột của ba nhưng là mẹ chồng của mẹ, chỉ là một người nhưng kỷ niệm với mỗi người mỗi khác nhau.
Trong đám giỗ nội, cô Ba có thể “bóc phốt” bà nội rằng ngày đó bà nội cưng con dâu nghiêm với con gái. Bố sẽ lên tiếng bênh mẹ nói là do mẹ ngoan ngoãn hiền lành, cô Ba xù lông nhím nói: "Hình như em là con lượm ngoài ruộng khoai". Mẹ bật cười: "Cô nhớ ruộng khoai nào không, để chị thay mặt mẹ mang trả?"...
Ngay từ lần đầu tiên về đám giỗ, chồng tôi bắt đầu “nghiện”, anh nói anh thích không khí cùng chuẩn bị nấu nướng, thích không khí trang nghiêm lúc thắp hương trên bàn thờ, lúc ăn uống và nhắc về người đã khuất với nhiều kỷ niệm từ lớn tới nhỏ, và có khi "phịa" một chút. Và anh còn ngạc nhiên khi ở nhà tôi không có chuyện phụ nữ nấu nướng còn đàn ông ngồi chơi. Mỗi người một việc, mỗi người một tay, chính lúc chuẩn bị là lúc vui vẻ hào hứng nhất.
Như ngày xưa bố tôi nghịch ngợm, nhưng giờ lại nói ngày bé bố rất ngoan. Có người hỏi “ai làm chứng?” thì bố quay nhìn hình bà nội: “Mẹ trả lời đi kìa!”, làm cả nhà được một trận cười đau bụng. Khi đó chỉ thấy vui và nhẹ nhàng, câu chuyện còn được nhắc lại nhiều lần sau đó nên ai cũng mong ngóng ngày được “vui vẻ hợp pháp”, ngay cả khi đóng góp chi phí cũng thấy thoải mái.
Lâu lâu mọi người mới tụ họp nhưng vẫn nắm tình hình nhà nhau, nhà ai sắp cưới dâu có rể, nhà ai sắp có thêm thành viên mới, ai mới mua nhà tậu xe, ai muốn thay đổi công việc cần giới thiệu, ai cần giúp đỡ....
Đám giỗ là ngày tưởng nhớ người đã khuất, còn ăn uống thì quan trọng gì, giờ có ai đói ăn đâu mà cần mâm cao cỗ đầy. Thấy con cháu đông đủ, vong linh người đã khuất có linh thiêng cũng thấy mát lòng.
Nên mặc kệ nhà ai quan niệm giỗ chạp là mâm cao cỗ đầy, là bổ đầu phân người này tổ chức đám này, nhà kia chịu trách nhiệm đám kia, rồi dự kiến hết chừng này, mỗi người góp chừng này. Nhà tôi vẫn giữ một nếp rất riêng cho rằng giỗ chạp là ngày tưởng nhớ người đã khuất, là ngày sum họp của những người còn sống, là ngày kết nối các thế hệ anh em họ hàng.
Người đã mất, nên những hờn giận cũng nên xí xoá cho qua, trách móc gì cho nặng lòng, chỉ nghĩ về những gì vui vẻ. Nhà tôi hay dùng chữ "góp giỗ": góp đây là góp tình góp nghĩa, góp công góp sức và góp cả những kỷ niệm, niềm vui. Khi có đám, mỗi người sẽ được phân công một việc và không hề phân biệt trai gái. Mỗi lần có đám, mỗi thành viên trong nhà chỉ thấy "lời" khi được gặp nhau, được chuyện trò, học hỏi và chia sẻ nên chuyện góp giỗ trở nên nhẹ nhàng và không hề có chút áp lực.
Chắc chắn mọi người cũng hiểu ý nghĩa cao cả và cơ hội để gặp gỡ nhau giữa những bộn bề công việc mà hầu như không ai vắng mặt mà còn háo hức hẹn nhau cùng về, nhà này mua món này, nhà nọ chuẩn bị món kia “khoe” tay nghề của mình.
Chồng tôi có tay muối dưa nên trong khi mọi người tay dao tay thớt thịt cá thì anh một góc tay dao tay hành gừng, kết quả là cuối ngày, mỗi nhà có một hũ dưa cải mang về để rồi ngày mai ngày kia còn í ới khoe nhau nay nhà ăn món cá om dưa, nhà ăn thịt luộc dưa cải, nhà làm cơm chiên dưa bò...
***
Ăn cơm xong, anh gọi cho mẹ tôi nói tháng sau giỗ bà nội, ba mẹ chờ vợ chồng con rồi cùng về. Không biết mẹ nói gì mà chồng tôi nói về việc anh mới chuyển việc, thu nhập chưa được cao nhưng tương lai sẽ ổn. Cúp máy rồi, anh khoe với tôi rằng mẹ nói mẹ sẽ "góp giỗ" giùm. Nghe anh nói, tôi cố tìm xem anh có chút nào ngại ngần nhưng tuyệt nhiên không hề có. Một người đàn ông, là trụ cột trong gia đình mà nói thẳng hiện tại mình khó khăn, tôi nghĩ đó là chuyện không hề đơn giản. Hẳn phải tin cậy và thân thiết lắm, người ta mới dễ dàng mở lòng như thế.
|
Nhà tôi vẫn giữ một nếp rất riêng cho rằng giỗ chạp là ngày tưởng nhớ người đã khuất, là ngày sum họp của những người còn sống, là ngày kết nối các thế hệ anh em họ hàng (Ảnh minh họa) |
Tôi hỏi anh có thấy ngại không, anh bảo với người ngoài thì không bao giờ, nhưng với mẹ mình anh thấy bình thường.
Nghe anh nói, tôi thấy yên tâm và tính xem còn bao nhiêu ngày nữa đến ngày giỗ bà nội. Chắc chắn ngày ấy sẽ là một ngày rất vui.
Và để có những ngày náo nức chờ mong, là cả một quá trình những người trên người trước đã sống, đã tạo dựng cho con cháu một nếp nhà êm ấm, hướng đến điều hay lẽ phải rằng "gà cùng một mẹ..." và dạy dỗ con cháu hiểu ý nghĩa của những đám những giỗ…
Thanh Nga (TP. Thủ Đức)
Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống? Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn |