Có nên bỏ chồng chỉ vì mẹ chồng?

02/12/2024 - 21:34

PNO - Chồng em cần phải hiểu rằng anh không chỉ đặt mẹ mình vào chuyện đã rồi, mà cũng đẩy em vào một tình thế vô cùng mệt mỏi.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Đến hôm nay thì em hết chịu đựng nổi, nên phải viết thư này xin lời khuyên của chị. Em lấy chồng được gần nửa năm. Chồng em là con trai duy nhất của một người mẹ đơn thân.

Khi yêu nhau, em đã được mọi người khuyến cáo rằng lấy con trai một sẽ hết sức mệt mỏi, vì mình giống như kẻ cạnh tranh tình yêu thương của người mẹ. Thế nhưng em bỏ ngoài tai, vì thấy anh hiền lành, có trách nhiệm, yêu thương và chăm sóc em suốt 2 năm quen nhau.

Nhưng điều quan trọng là em thấy anh rất yêu thương, chăm sóc mẹ anh. Nhiều người nói rằng nên yêu và cưới những người đàn ông có hiếu với mẹ. Vì như thế, họ mới yêu và thương vợ mình.

Mẹ anh vốn là một cô giáo về hưu, rất có phong cách, còn trẻ trung xinh đẹp. Quen nhau đến tận lúc sắp cưới, anh mới dẫn em về ra mắt mẹ.

Mẹ anh có vẻ hiểu biết và cởi mở với em. Cuộc sống chung của ba mẹ con những ngày đầu khá bình yên, vì thời gian đó anh xin nghỉ được đến cả tháng để cùng em thu xếp việc làm quen với cuộc sống gia đình. Ba mẹ con có những buổi tối bên nhau thật đầm ấm.

Thế nhưng từ khi anh đi làm trở lại, thì mẹ chồng em mới lộ rõ bộ mặt thật. Bà theo dõi, phán xét, móc mỉa, cạnh khóe em đủ kiểu. Lúc nào bà cũng muốn em hiểu rằng em lấy được con trai bà, là phước đức ba đời nhà em.

Bà nói con bà đã từng quen đến 4 cô gái, nhưng chưa có cô nào tệ như em trong nữ công gia chánh và nhan sắc. Bà nói vì đã chia tay nhiều, con trai bà hạ tiêu chuẩn xuống nên em mới có cơ hội. Tất cả những điều bà nói khiến em choáng váng, vì em cứ nghĩ anh quen ít và chưa thân thiết với ai nhiều, theo lời anh kể với em.

Khi trò chuyện với chồng, anh bảo mẹ rất thương anh, nhưng vì thế bà vô cùng khó khăn, xét nét các cô gái anh quen. Vì thế, anh phải để đến khi "chuyện đã rồi" mới dám đưa em về ra mắt, để tránh bị mẹ "phá" đến tan tành như các mối quan hệ trước.

Em nghe chồng nói mà buồn, chưa kịp tỉnh hồn thì chiều hôm qua, chỉ vì chuyện em nêm nồi canh không vừa ý bà, bà gọi điện mắng vốn mẹ em là không biết dạy con cái, rằng em không đủ tư cách làm dâu. Ba mẹ em giận quá, sang tận nhà yêu cầu em dọn đồ về nhà. Ba em lớn tiếng bảo không ngờ bà là tri thức, nhưng cư xử như kiểu mẹ chồng thất học.

Thế là bà lăn ra té xỉu, mà em nghĩ là giả vờ thôi. Vì bà tỉnh ngay lại rồi cứ thở hào hển, bù lu bù loa với chồng em là đưa người về hại mẹ mình. May hôm qua, mẹ em vẫn tỉnh táo, can ngăn ba em, không cho em về nhà, mà bảo em ở lại chăm sóc mẹ chồng.

Chồng em cũng xin lỗi ba mẹ em, hứa sẽ cố gắng sắp xếp mọi việc. Anh khuyên em ráng nhịn, ráng chiều mẹ thêm thời gian, rồi mẹ sẽ hiểu... Rằng anh là con trai duy nhất của mẹ, anh không thể bỏ mẹ khi mẹ bao nhiêu năm không bỏ anh để tìm hạnh phúc mới... Anh qùy xuống khóc nức nở, nói anh sẽ bù đắp cho em...

Bây giờ em thật sự không biết nên sống thế nào? Nghĩ tới việc tiếp tục chung nhà với mẹ chồng, em kinh hãi quá. Nhất là sau này có con, làm sao em có thể chịu đựng được những xoi mói, móc mỉa?

Em cũng thương chồng. Em hiểu rằng anh đã bị tổn thương rất nhiều, nhưng vì lòng hiếu để mà anh chịu đựng. Em nghĩ anh cũng không có cách nào khác...

Xin chị cho em lời khuyên: em có nên bỏ một người chồng tốt vì một người mẹ chồng xấu không ạ?

Ngọc Hoa

Em Ngọc Hoa thân mến,

Trong định nghĩa về một người chồng tốt, có một điều hết sức quan trọng: người chồng tốt là người phải có khả năng bảo vệ vợ mình tránh khỏi những đau đớn, buồn khổ, tổn thương. Chứ không thể bắt vợ mình chịu đựng bất cứ sự hành hạ, sỉ nhục, ác ý... vì mình.

Người chồng tốt không được giấu diếm những điều quan trọng nhất, để vợ mình đặt lòng tin vào những con đường chông gai mà không biết mình có sẵn sàng hay có khả năng chấp nhận, bỏ qua hay không?

Khi vạch ra những điều này, không có nghĩa là Hạnh Dung muốn em có những suy nghĩ, thất vọng về chồng, hay có những quyết định vội vàng, hấp tấp để gây nên những đổ vỡ tiếc nuối.

Bởi "nhân vô thập toàn", con người không thể hoàn hảo về mọi mặt, cũng không phài lúc nào cũng sáng suốt, mạnh mẽ, đúng đắn. Điều quan trọng là họ cũng phải nhận ra điều đó để có thể thay đổi, hoàn thiện mình hơn.

Chồng em cần hiểu rằng anh không chỉ đặt mẹ mình vào chuyện đã rồi, mà cũng đẩy em vào một tình thế vô cùng mệt mỏi, khiến em bị tổn thương nặng nề. Nếu yêu thương em, anh ấy không thể bắt ép em chịu đựng, nhịn nhục, dù là nhịn mẹ chồng mình.

Điều quan trọng là mẹ sai. Chấp nhận một cái sai sẽ làm cho nó phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Nếu vợ chồng em nhịn, chắc chắn mẹ chồng sẽ ngày càng lấn tới, và cuộc sống của em sẽ càng ngày càng khốn khổ hơn, tới mức không thể chấp nhận được nữa.

Vậy nên, để cuộc sống của em sắp tới được bình yên, hạnh phúc được lâu dài, mối quan hệ giữa mẹ chồng - chồng - và em được hòa hợp, thì không thể chấp nhận giải pháp duy nhất mà chồng em đưa ra: Em ráng nhịn, ráng chiều theo ý mẹ.

Cả ba người đều cần phải có những sự thay đổi lớn, mà quan trọng nhất là chồng em - người đứng giữa. Anh ấy cần sáng suốt, mạnh mẽ và can đảm thì mới có thể giúp mọi người làm đúng, và giữ gìn hạnh phúc của chính bản thân.

Anh ấy phải làm cho mẹ hiểu ra những gì bà làm bây giờ chính là đang phá hoại hạnh phúc của con mình, làm khổ con mình và cũng là làm khổ chính bản thân mình. Bởi tuổi già, cần nhất vẫn là thấy con cái hạnh phúc, vui vẻ, để còn đón những đứa cháu nội ra đời.

Anh ấy phải làm cho em cảm nhận được mình là người chồng xứng đáng, giữ em lại được bằng sức mạnh bảo vệ, thay đổi của mình, chứ không phải bằng lòng thương hại.

Em cũng cần có những cố gắng của mình, mà cố gắng hiểu cho mẹ chồng. Tình yêu thương ích kỷ của bà khiến bà có những hành động làm tổn thương em. Nhưng có thể, nếu có những tác động tích cực, bà sẽ hiểu ra và thay đổi...

Hạnh Dung không thể khuyên em điều gì với câu hỏi em đặt ra, chỉ có thể nói một điều quan trọng: Khi em quá bối rối với một lựa chọn khó khăn, hãy đặt bản thân mình lên trước, với câu hỏi đúng hơn: Làm gì để mình được bình an và hạnh phúc?

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI