PNO - Nhiều năm nay, khi hầu hết sân khấu công lập chật vật sáng đèn và tổ chức bán vé doanh thu, vấn đề đầu tư, bao cấp sân khấu đã nhiều lần được người làm nghề đặt ra.
Có nên tiếp tục bao cấp sân khấu hay nên xã hội hóa? Nếu tiếp tục đầu tư, bao cấp thì đâu là cách đầu tư phù hợp và hiệu quả nhất? Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gặp gỡ, đối thoại với một số nghệ sĩ, quản lý sân khấu của hai miền Nam - Bắc, để lắng nghe những trao đổi, trăn trở của người trong cuộc.
Phóng viên: Bao cấp sân khấu (SK) hay thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị công lập vẫn đang có những ý kiến khác nhau. Quan điểm của các anh chị ra sao?
- NSND Lê Khanh: Nghệ sĩ nhiều nước tiên tiến rất ngạc nhiên, ngưỡng mộ và cả… ghen tỵ khi biết đến thời điểm này, SK Việt Nam vẫn được nuôi dưỡng bằng ngân sách nhà nước. Nhưng họ cũng thắc mắc, sao được nuôi dưỡng tốt thế mà lại không làm được gì. Bao cấp các đơn vị nghệ thuật công lập là một trong những chính sách rất ưu việt của nền nghệ thuật Việt Nam. Nhưng đến lúc này, có lẽ phải tính toán lại.
Đầu tư dàn đều khiến nghệ sĩ mất dần sự sáng tạo, ý chí phấn đấu và trách nhiệm với nghề nghiệp, với vai diễn. Không gì nguy hiểm bằng một nền SK mà các nghệ sĩ, nhà hát có lối diễn na ná nhau, thấy rõ nhất ở những đợt liên hoan, hội diễn. Có lúc, người ta nghĩ, dường như nuôi các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ để đi liên hoan, hội diễn, kiếm huy chương, thành tích. Nghệ sĩ cứ yên phận, thậm chí tự huyễn hoặc mình bằng những hào quang, giá trị ảo. Thực tế đớn đau: chưa có một đất nước nào SK có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, NSND, NSƯT đến thế mà khi tổ chức biểu diễn lại không thể bán được vé.
SK Hoàng Thái Thanh – SK tư nhân không bị dao động trước những tác động của thị hiếu và những thay đổi của khán giả
- NSƯT Trần Lực: Bao cấp theo kiểu cứ mỗi năm lại cấp một khoản kinh phí để nhà hát hoạt động đã không còn là giải pháp hiệu quả, không thể phát triển SK. Bao cấp làm nhiều người an phận, không làm gì cũng cứ đến tháng lĩnh lương - vừa lãng phí vừa làm hỏng nghệ sĩ.
- Ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương): Bao cấp SK dễ khiến người ta liên tưởng đến những mái ấm, nhà mở - nơi nuôi dưỡng người già yếu và trẻ lang thang cơ nhỡ. Khi không còn đủ sức hoặc chưa đủ khả năng tự thân vận động, họ cứ phải nương vào ngân sách để sống qua ngày. Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc, nhưng đầu tư cho SK theo kiểu dàn trải, cào bằng như hiện nay là rất bất hợp lý và lãng phí.
- NSƯT Triệu Trung Kiên (Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam): Với những loại hình SK truyền thống là tinh hoa văn hóa của dân tộc, việc đầu tư vẫn rất cần thiết, nhằm giữ gìn và phát huy vốn quý của văn hóa dân tộc. Nếu thấy các đơn vị nhà nước làm không hiệu quả mà gạch một loạt thì sẽ có thể gây hậu quả khó lường và nguy cơ thất truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống. Bao cấp vẫn phải giữ, nhưng phải làm sao cho hiệu quả.
* Nhà nước đâu thể đứng ngoài cuộc vận động của nghệ thuật?
- NSƯT Trần Lực: Không bao cấp các đơn vị công lập, nhưng Nhà nước phải có quỹ văn hóa, quỹ phát triển SK để phát hiện, đầu tư, đào tạo tài năng trẻ. Phải đổi mới công tác đào tạo. SK khó mà mới nếu ta mãi đi theo lối mòn tư duy từ hàng chục năm trước. Thế kỷ XXI rồi, người làm nghề phải có tư duy mới, hợp thời đại. Muốn vậy, phải có giáo trình, phương pháp đào tạo mới. Phải trang bị cho nghệ sĩ tương lai nhiều kỹ năng hơn và tự tin hơn.
Thầy Ba Đợi - vở cải lương được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, quy tụ nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc
- NSND Lê Khanh: Đổ tiền nuôi nhà hát công lập và dàn dựng vở chỉ giải quyết phần ngọn. Đừng nghĩ cứ bỏ tiền tỷ là sẽ có tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Sẽ chẳng có gì nếu tư duy người làm SK vẫn cũ kỹ, thiếu sáng tạo và không đủ tài năng chinh phục khán giả. Cái gốc của đầu tư lúc này là cho công tác đào tạo, đổi mới giáo trình và đổi mới tư duy của người làm nghệ thuật.
- NSƯT Triệu Trung Kiên: Cải tổ SK, phải bắt đầu từ công tác đào tạo là đúng. Nhưng nếu đổ tiền đào tạo, mua giáo trình nước ngoài, bắt đầu lại từ đầu, chúng ta phải có lộ trình 15-20 năm. Liệu khi ấy, giáo trình của hôm nay còn phù hợp? Chưa kể giáo trình, phương pháp thành công ở nước ngoài, chắc gì sẽ thành công ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, có nhiều xu hướng nghệ thuật, sự sáng tạo rất thành công ở nước ngoài, nhưng lại không được khán giả trong nước đón nhận. Điều này do sự khác biệt về đặc điểm tâm sinh lý, suy nghĩ, cảm xúc, văn hóa… giữa khán giả Việt Nam với khán giả các nước.
Theo tôi, cần thay đổi cách điều hành đối với các đơn vị công lập. Khi đầu tư, phải có những ràng buộc, quy định để các đơn vị phải có vở diễn tốt, phải đưa được tác phẩm đến công chúng. Có thể Nhà nước chỉ đầu tư 50%, còn lại đơn vị phải tự xoay. Có vậy, các đơn vị mới có trách nhiệm hơn với tác phẩm của mình. Giải pháp khác là Nhà nước đặt hàng tác phẩm theo yêu cầu, theo chủ đề… Các đơn vị sẽ tự tìm nguồn lực để xây dựng tác phẩm. Nhà nước chỉ trả tiền khi tác phẩm được hội đồng duyệt thẩm định và công nhận giá trị. Nhưng cách làm này cũng có hạn chế. Chẳng hạn, nếu không bị bắt buộc, chưa chắc các đơn vị nghệ thuật đã chịu làm.
Nhà nước cũng có thể mua hoặc đầu tư cho những tác phẩm đỉnh cao. Điều này kích thích sự sáng tạo của các đơn vị, buộc họ phải luôn năng động và nỗ lực xây dựng được tác phẩm đỉnh cao. Quan trọng là cái tâm và tầm của hội đồng thẩm định chất lượng tác phẩm.
SK Thế Giới Trẻ đang nắm kỷ lục về số suất diễn trong những năm gần đây
- Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tiêu cực trong xét chọn đang xuất phát từ chính hội đồng thẩm định tác phẩm, giám khảo các cuộc liên hoan, hội diễn… gây bất bình trong dư luận và nghệ sĩ. Làm sao để có hội đồng thẩm định sạch là bài toán không dễ. Đầu tư cho những tác phẩm đỉnh cao là cách được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Ngoài việc thẩm định qua hội đồng, giá trị của tác phẩm sẽ được “đo” dựa trên nhiều kênh khác như dư luận, phản hồi từ khán giả…
* Có ý kiến cho rằng, không thể ngưng bao cấp các đơn vị nghệ thuật công lập, do họ còn có chức năng phục vụ, tuyên truyền...
- NSƯT Trần Lực: Đây là quan niệm sai lầm. Một tác phẩm nghệ thuật muốn tồn tại, sống được là phải có người xem. Các loại hình nghệ thuật đều hướng con người đến chân - thiện - mỹ và chỉ có những tác phẩm như vậy mới đủ sức thu hút khán giả và có tuổi thọ cao. Trên tiêu chí đó, hãy nhìn vào những vở diễn đang được mọi người quan tâm, đang giúp khán giả yêu đời hơn, sống tốt hơn. Rõ ràng, các SK tư nhân làm tốt hơn hẳn.
Tiên Nga - tác phẩm đỉnh cao của sân khấu Idecaf
Những vở định hướng tuyên truyền cũng phải có người xem. Nếu không, đầu tư kiểu này là ném tiền vô ích. Chưa kể cách làm vở tuyên truyền của một số đơn vị công lập đã tha hóa khán giả của SK. Họ làm vở dễ dãi, diễn nháo nhào ở sân kho, hội trường. Những vở diễn không có tính nghệ thuật càng làm khán giả ngán ngẩm hơn. Phục vụ hay tuyên truyền vẫn cần sự đầu tư thích đáng, để đồng bào miền núi, khán giả vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với SK và thưởng thức chương trình nghệ thuật thực sự.
Cách diễn phục vụ, tuyên truyền hiện nay là “tháo khoán” - cứ cấp cho khoản tiền, quy định bao nhiêu suất diễn mà không kiểm soát hiệu quả, không cần quan tâm đời sống thực của vở diễn ra sao. Cũng không thể lôi một vở diễn ở nhà hát ra hội trường. Tác phẩm hoành tráng, đầu tư tốt, mang tính chuyên nghiệp cao, nếu được đưa ra diễn ở sân phơi hoặc ở SK hội trường, trong điều kiện kém thì cũng khó hiệu quả. Điều này phải tính toán ngay từ lúc đầu tư, dàn dựng tác phẩm.
Sao không thử đặt hàng hoặc giao cho các SK tư nhân đang hoạt động với những vở diễn tốt? Hiệu quả có thể còn cao hơn mà kinh phí đầu tư lại thấp hơn.
- NSND Lê Khanh: SK xã hội hóa miền Nam có rất nhiều tác phẩm hay, đáp ứng cả nhu cầu giải trí lẫn định hướng người xem đến với những giá trị chân - thiện - mỹ. Những vở kịch lịch sử, ca ngợi tinh thần yêu nước, được dàn dựng với nhiều tâm huyết, có giá trị tuyên truyền không nhỏ. Chúng tôi vẫn phải xem và học rất nhiều ở các SK tư nhân miền Nam. Các bạn làm được những điều mà ít đơn vị công lập làm được, dù họ được nuôi dưỡng.
Chân mệnh - vở cải lương XHH rất thành công về doanh thu nhờ năng động trong khâu quảng bá
Bao cấp, không bận tâm doanh thu cũng góp phần hình thành một lớp khán giả không có thói quen mua vé. Đáng ngại hơn, chính những người làm nghề cũng mặc định SK hiện nay không thể bán vé. Mọi thứ cứ luẩn quẩn vậy. Bài học sau hai lần phối tác với nhà hát múa rối của Nhật cũng khiến tôi sáng mắt. Rõ ràng, khi mình làm vở tốt, chịu tìm tòi những điều mới lạ và sống chết với doanh thu, với kinh phí bỏ ra thì SK vẫn tìm được khán giả chấp nhận chi tiền mua vé. Thậm chí, có khán giả ở Hà Nội mua vé và đi xe lên tận Hải Phòng để xem.
- NSƯT Triệu Trung Kiên: Với đặc thù của các đơn vị xã hội hóa ở miền Nam, tôi cho rằng, Nhà nước cần lựa chọn những tác phẩm tốt, tiêu biểu, đề xuất được các xu hướng nghệ thuật mới, đúng đắn, vừa thỏa mãn các tiêu chí nghệ thuật, vừa mang tính giải trí cao, để đầu tư thỏa đáng. Đây cũng là cách để các đơn vị xã hội hóa phải nỗ lực cạnh tranh, giành sự đầu tư của Nhà nước.
Nhà hát Thanh Niên chỉ trình làng 1 vở diễn mới trong mùa tết là "Tung hoàng Pattaya". Vở hài kịch xoay quanh những drag queen người Việt tại Pattaya (Thái Lan).