Cô nàng cửa hàng tiện ích (bản dịch của An Vy, Nhã Nam phát hành) kể câu chuyện của Furukura Keiko, một phụ nữ 36 tuổi làm việc bán thời gian ở cửa hàng tiện ích Smile Mart. Đây là công việc duy nhất cô gắn bó trong suốt 18 năm, kể từ khi bắt đầu học đại học. Lựa chọn nghề nghiệp cũng như cuộc sống độc thân của Keiko chưa bao giờ khiến bạn bè và người thân thôi bàn tán. Cô gần như bị coi là “dị nhân”, là kẻ bất thường, không ai hiểu nổi trong mắt người ngoài.
Với cái nhìn thấu đáo và điềm tĩnh, Murata Sayaka đã dẫn dắt người đọc khám phá thế giới của Keiko. Ngay từ khi còn nhỏ, Keiko đã có cách suy nghĩ hoàn toàn khác biệt với mọi người. Cô thường xuyên có những hành động khó hiểu, bộc phát, thậm chí ở khía cạnh nào đó còn mang thiên hướng bạo lực - như lấy xẻng đập vào đầu một bạn học cùng lớp để ngăn cản hai người gây gổ.
Cuốn sách đào sâu vào mâu thuẫn giữa bản sắc cá nhân với những quy chuẩn xã hội.
Đối với những người xung quanh, sự khác thường ấy khiến Keiko luôn là đối tượng cần được chữa trị. Cô thường xuyên phải tìm đến bác sĩ tâm lý, đồng thời đối diện với không ít phán xét, dè chừng.
Nhận thức rõ được “vấn đề” ấy, hành trình trưởng thành của Keiko là hành trình trở thành người bình thường, bằng mọi giá. Cô chọn công việc làm thêm ở cửa hàng tiện ích, bởi đó là nơi mà mọi quy tắc làm việc đều hết sức rõ ràng. Ở đó, bằng cách lặp đi lặp lại những thao tác cần thiết trong công việc, Keiko mới có cảm giác như mình “thực sự là một bánh răng trong guồng quay của thế giới”.
Tuy nhiên, công việc ấy cũng không giúp cô thoát khỏi những ánh nhìn dò xét của người ngoài. Trong mắt họ, phụ nữ độc thân, không con cái này vẫn thường xuyên trở thành chủ đề của những cuộc đàm tiếu. Keiko giống như một miếng bọt biển hút lấy tất cả dị nghị, hoài nghi đó, để rồi lại phải gồng mình lên để sống, suy nghĩ và cư xử như người bình thường.
Cô nàng cửa hàng tiện ích là câu chuyện về sự trầy trật của những người bị lạc loài, những kẻ luôn loay hoay tìm kiếm nơi mình thuộc về. Định hình một mẫu nhân vật khác thường trong một vai trò rất đỗi bình thường - nhân viên cửa hàng tiện ích, Murata Sayaka đã nhấn mạnh vào mâu thuẫn xuyên suốt giữa bản sắc cá nhân của con người với những quy chuẩn xã hội.
Ở đó, con người không được nhìn nhận như những cá thể riêng biệt, mà giống như các sản phẩm công nghiệp được sản xuất và bày bán hàng loạt.
Nhà văn Murata Sayaka
Cửa hàng tiện lợi với những quầy hàng sáng bóng, ngăn nắp và gọn gàng, những âm thanh điện tử tự động, những người bán hàng luôn làm cùng một công việc từ ngày này qua ngày khác… tất cả đã tạo nên hình dung về một thế giới hiện đại nhưng vô hồn. Đó là nơi con người “tháo bỏ mọi căn cước của mình”, khoác lên người bộ đồng phục để trở thành “một sinh vật mang tên nhân viên cửa hàng tiện ích” - như chính lời nói của Keiko.
Đó cũng là điều văn chương muốn chống lại, chống lại sự khái quát hóa, giản lược hóa con người một cách vội vã và thô bạo, chống lại những áp đặt của xã hội đối với trải nghiệm làm người. Trong tác phẩm, Keiko không chỉ đối diện với định kiến của những người xung quanh, mà còn trực tiếp chịu tổn thương khi bước vào cuộc hôn nhân không tình yêu với Shiraha - gã đàn ông lập dị, thích thao túng và thường xuyên hạ thấp cô bằng lời nói.
Nếu ở nửa đầu, câu chuyện được kể bằng một văn phong giản dị và điềm nhiên, thì sang đến nửa sau, khi Keiko bắt đầu sống chung với Shiraha, ngòi bút của Murata Sayaka nhanh chóng trở nên sắc lạnh, thậm chí phũ phàng. Điều này cho thấy một thực tế là Keiko, cũng như rất nhiều phụ nữ khác, hoàn toàn không có được hạnh phúc ngay cả khi đáp ứng mọi tiêu chuẩn của một con người bình thường.
Chỉ để thoát khỏi những lời đàm tiếu về tình trạng độc thân, Keiko đã trở thành nạn nhân của một mối quan hệ độc hại. Đây là tình trạng chung mà nhiều phụ nữ tại Nhật Bản và ở khắp nơi trên thế giới đang gặp phải, khiến đời sống tinh thần và phẩm giá của họ bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Bằng sự quan sát tinh tế và lối viết sắc sảo, không khoan nhượng, Murata đã vạch trần hiện thực nhức nhối này, đem đến cho độc giả một cái nhìn trực diện về những góc khuất tinh thần của con người hiện đại.
Tuy nhiên, tác phẩm của Murata không mang tinh thần cực đoan, bế tắc, mà hướng tới sự chữa lành và tìm lại bản thân của nhân vật chính Keiko. Đến tận cùng, Keiko vẫn lựa chọn gắn bó với cửa hàng tiện ích, nơi cô gọi là một “cái hộp ánh sáng” đầy náo động, nơi duy nhất cho cô nguồn năng lượng sống và cảm giác thuộc về. Chỉ có ở cửa hàng tiện ích, cô mới biết mình là ai, mình phải làm gì. Lựa chọn ấy có thể không phổ biến với số đông, nhưng nhờ có văn chương, ta mới học được cách hiểu và cảm thông với kẻ khác, đồng thời tôn trọng sự khác biệt của mỗi con người.
Cuốn sách nhỏ này cũng có tính toàn cầu rõ nét, vượt ra khỏi biên giới văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản, Cô nàng cửa hàng tiện ích được đón nhận rộng rãi trên văn đàn quốc tế, sau khi đã đoạt giải Akutagawa - giải thưởng văn học uy tín hàng đầu của đất nước mặt trời mọc.