PNO - Lang thang Sài Gòn mười mấy năm, thấy tên đất, tên nhà của thành phố phương Nam này thường cũng mộc mạc chơn chất: chợ Bà Hom, Bà Quẹo, vườn Ông Thượng, bùng binh Cây Gõ. Vậy nên, “Bách Tùng Diệp” thành một điều hiếm hoi.
1. Đỉnh cao thành đạt trong nghề của dì Chín bột chiên là lần dì được làm chủ một cái quầy xinh xắn mở trong công viên Bách Tùng Diệp. Vẫn cái chảo bột chiên đó thôi, nhưng khách ăn có bàn ghế ngồi khang trang, sạch sẽ. Quầy bột chiên của dì nằm trong phố ẩm thực hàng rong mà chính quyền ưu tiên cho những hộ nghèo đứng bán buổi sáng, buổi trưa.
Bách Tùng Diệp như một tấm lòng hào sảng rất Sài thành dành tặng mọi người khoảng không tự do, khí trời trong trẻo - Ảnh: Phùng Huy
Quầy được thiết kế bằng gỗ đẹp đẽ, sáng bóng, có mái che, nhìn xa đã toát lên vẻ sang chảnh. Nhưng điều khiến cho món bột chiên của dì trở thành đặc biệt nhất, theo chính dì tự hào, đó là màu xanh của Bách Tùng Diệp. Khu công viên nhỏ nằm ngay giữa lòng quận 1 gắn với bao đời dân phố thị, nhưng trước nay, người buôn gánh bán bưng chỉ đi ngang, còn lo mưu sinh, thời gian rảnh đâu mà được ngồi dưới bóng cây mát lành đó. Vậy mà năm 2017, những gánh hàng rong được vô công viên. Lần đầu, những người bán rong thấy mình có một chỗ ngồi đẹp đến vậy trong thành phố của mình. Sự chăm lo dù nhỏ bé nhưng hết lòng đó của chính quyền địa phương để lại một kỷ niệm không bao giờ quên với dì Chín.
Bách Tùng Diệp cũng là nơi tôi gặp một nửa của đời mình. Đám dân văn phòng váy bó, áo sơ mi “đóng thùng” sáng sáng vẫn đổ từ ngoại ô vào trung tâm làm việc. Những con đường ở khu phố sầm uất đầy những văn phòng sang trọng. Thế nhưng bữa sáng, bữa trưa của dân văn phòng vẫn nằm trong những gánh nhỏ, hàng quán bình dân dọc các vỉa hè Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Một bữa trưa muộn, được dì Chín đãi dĩa bột chiên đầy đặn, tôi chợt thấy cây lá quanh mình mơ màng hơn, lần đầu tiên tôi biết thế nào là “nắng thủy tinh” khi bắt gặp mắt nàng, tóc nàng lung linh nắng lá vườn Bách Tùng. Cây cỏ trong vườn trở thành ký ức về thành phố, về những người yêu thương của tôi từ dạo đó.
Sài Gòn có những bất ngờ đến ngỡ ngàng như vậy. Giữa những ngã tư bận rộn đêm ngày, bên này đường là Tòa án nhân dân TPHCM đứng nghiêm nghị, bên kia đường là Bảo tàng TPHCM, bên kia nữa là Thư viện Quốc gia, tự nhiên có một khoảng xanh yên lành, lặng lẽ. Tôi nhớ năm 1992, khi từ miền Trung vào, tôi đã gặp công viên như thế rồi, không hề có hàng rào hay bất kỳ sự che chắn, ngăn trở nào. Chung quanh là phố xá tấc đất tấc vàng, giao thương nhộn nhịp, Bách Tùng Diệp như một tấm lòng hào sảng rất Sài thành dành tặng mọi người khoảng không tự do, khí trời trong trẻo, cỏ rất xanh và cây lá đẹp đến không tưởng giữa ồn ào phố thị.
2. Bén duyên rồi lập nghiệp ở TPHCM, tôi thấy mình như có mối gắn bó riêng với Bách Tùng Diệp. Càng thương quý, càng lo lắng. Lỡ đâu giữa sự phát triển nhanh chóng từng ngày của thành phố, một hôm nào đó, người ta sẽ xóa mất công viên yêu dấu của tôi, thay vào đó bằng một tòa nhà tráng lệ, sang trọng. Nhưng không, tới giờ này, mảng xanh ấy, cây đa hơn 300 tuổi thân lá sum suê vẫn còn đó, như một biểu tượng của thành phố. Ai đi qua cũng ngoái nhìn, gửi vào cây một lời chào thầm lặng, nghe lòng mình dịu đi. Đâu đó ngoài xa kia, những công viên đồ sộ cột bê tông, cầu tuột nước bằng thép, biển nhân tạo và âm nhạc ầm ĩ mọc lên, thu hút giới trẻ với những trò chơi cảm giác mạnh. Tất cả rồi cũng nhàm, chẳng nơi nào như Bách Tùng Diệp của tôi, công viên tĩnh lặng của cỏ cây ngàn thuở. Nhà cửa xây nhanh, sắt thép cỡ nào cũng có, nhưng dễ gì mà có được một chốn đi về thân thuộc rất Sài Gòn như góc phố này.
Lang thang Sài Gòn mười mấy năm, thấy tên đất, tên nhà của thành phố phương Nam này thường cũng mộc mạc chơn chất: chợ Bà Hom, Bà Quẹo, vườn Ông Thượng, bùng binh Cây Gõ. Vậy nên, “Bách Tùng Diệp” thành một điều hiếm hoi. Cái tên nghe xanh màu cây lá, sang trọng mơ màng, bí ẩn như một khúc đoản thi. Vào công viên, đi dưới nắng, vẫn thấy có gì như không thực, nghe nắng mơ hồ tràn trên vai, trên tay, lá xanh cỏ non, cây cao um tùm vững chãi, tất cả vừa như là báu vật lớn lao kỳ vĩ của tự nhiên, vừa gần gũi như ân cần nương nhẹ cái mong manh bé nhỏ của con người.
3. Có lẽ công viên này từ những ngày đầu xa xôi trong lịch sử đã là một khoảng không đặc biệt của Sài Gòn. Thế kỷ XIX, người Pháp từng giao khu đất này để xây tòa lãnh sự Tây Ban Nha. Suốt nửa thế kỷ tiếp theo, việc xây dựng không thành, người Tây Ban Nha rời khỏi Sài Gòn. Người ta kể, các viên chức ở Thảo Cầm Viên đã chăm sóc khu đất này, biến thành một vườn cây. Dấu vết quá khứ còn lại trong một cái tên, tên “vườn Tây Ban Nha” nhưng bằng tiếng Pháp (Jardin d’Espagne). Theo Trương Vĩnh Ký, dưới triều vua Tự Đức, có một ngôi chợ rất sầm uất gọi là chợ Cây Da Còm ở khu vực này. Các sĩ tử hay ra chợ mua sắm áo mũ. Chẳng biết cây đa đó có phải là cây đa còn tới ngày nay?
Với người Sài Gòn xưa, nói “vườn Tây Ban Nha” nghe mơ màng nhưng vẫn dễ chấp nhận, vì thành phố này vốn quen thuộc với giao thương quốc tế, cái mới, cái lạ nào cũng dễ thành quen. Hồi còn quán cà phê Bách Tùng Diệp, các ông già buổi sáng ngồi uống cà phê hay nhắc cái tên công viên Liên Hiệp, được đặt từ năm 1955. Những năm 1980, công viên được mở rộng hơn, khoảng 5.000m² như hiện tại. Năm 2006, tượng Trần Văn Ơn được khánh thành trong công viên. Rồi về sau này là tượng Quách Thị Trang cũng được dời về đặt trong công viên khi làm công trường thi công ga ngầm trước chợ Bến Thành. Chính quyền thành phố dành công sức chăm sóc, tôn tạo khu đất này. Khi nghe có dự án xây bãi đậu xe ngầm dưới lòng công viên, người ta lo rằng cụ đa già nguy mất, nhưng rồi kế hoạch này cũng bỏ, công viên vẫn xanh như thuở đó tới giờ.
Mấy trăm năm trước, những người Pháp, người Tây Ban Nha rồi người Anh chắc cũng không ngờ khu đất nơi mình mong muốn xây tòa lãnh sự nay thành nơi dì Chín, chú Tư bán bột chiên, hủ tíu, và lớp lớp công dân trẻ của thành phố ngồi ăn mỗi ngày. Sài Gòn là vậy. Tôi yêu thành phố này cũng vì những điều như vậy. Bình dân như dĩa bột chiên, như gánh hàng rong vỉa hè vẫn được trân trọng, chăm lo, đặt vào giữa trung tâm nhịp sống của thành phố, giữa “vườn Tây Ban Nha” sang chảnh, mà không thu phí một đồng. Sài Gòn của dân là đó chớ đâu xa. Giữa những khối nhà lấp loáng kính màu hiện đại, có một vườn xanh cây cao bóng cả che những phận đời. Giàu có hay bần hàn cũng có quyền được thụ hưởng, được thành phố ưu ái coi như những đứa con của mình.
4. Nay đi chơi vườn, nghe nói năm tới, nơi này sẽ thành công viên chuyên đề vườn nghệ thuật, thành điểm tổ chức các sự kiện, các hoạt động lớn của thành phố, các triển lãm cho người dân. Nghe vui, vì thế hệ con mình vẫn sẽ còn có một công viên duyên dáng, thăm thẳm chiều sâu lịch sử. Mà nghĩ lại, cũng là cái duyên của vườn Bách Tùng, duyên sâu nặng lắm. Cây đa năm thân, lá cành xòe rộng xanh mát ở vườn ấy như một chứng nhân hơn 300 tuổi chưa hề có dấu hiệu mệt mỏi, già nua. Một đời cổ thụ, bao nhiêu đời người, bao nhiêu thăng trầm lịch sử đã đi qua.
Có nơi nào thích hợp hơn thế để những người trẻ của thành phố được nghe, được nhìn về quá khứ, rồi được gửi nhớ gửi thương vào cây và người. Những dấu mốc quý giá của quê hương, của ông bà cha mẹ vẫn đang được giữ gìn trân trọng, đang sống giữa phố phường Sài Gòn - TPHCM hôm nay.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html