Có một Việt Nam trong lòng nhà văn Hàn Quốc

13/01/2023 - 07:06

PNO - Nhà văn Hàn Quốc Bang Hyun Suk có một mối duyên và tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông đã đi khắp đất nước hình chữ S, để sống và để viết." Sewol" là tác phẩm mới nhất của ông vừa được chuyển ngữ và phát hành.

Trong 3 truyện ngắn: Sewol, Sa Pa và Cây tầm gửi thì 2 truyện đầu nhà văn Bang Hyun Suk đã chọn Việt Nam như một đề tài quen thuộc. Ông không viết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà những trang viết của ông - nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “được nhìn từ bên trong”.

Truyện ngắn Sewol - được chọn làm tên chung cho cả tập - giống như một bộ phim tài liệu, tái hiện cuộc đời của Linh - một cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Cuộc đời Linh trải dài từ những ngày còn sống ở Cà Mau với cha mẹ và cô em gái tên Loan, đến những ngày sống cùng chồng con tại Hàn Quốc, rồi vĩnh viễn nằm lại trong một lần chìm tàu, trở thành nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại. 

Sewol là tác phẩm mới nhất của nhà văn Bang Hyun Suk. Trước đó, ông từng có Sao mọc ở Hà Nội, Thời gian ăn tôm hùm viết về Việt Nam
Sewol là tác phẩm mới nhất của nhà văn Bang Hyun Suk. Trước đó, ông từng có Sao mọc ở Hà Nội, Thời gian ăn tôm hùm viết về Việt Nam

Thân phận cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc không còn là đề tài xa lạ, nhưng qua nhãn quan của một nhà văn giàu lòng trắc ẩn, vẫn gợi lên những rung động nơi người đọc. Thế mới hay, thân phận con người, cho dù là khác hay cùng chung dòng máu, sắc tộc vẫn là nỗi đau đáu của người cầm bút. 

Nếu như Sewol tái hiện cảnh sắc và con người miền Tây thì truyện ngắn Sa Pa lại đưa người đọc ngược ra Bắc. Sa Pa, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Kang Seok Woo và Im Jeong Min, hai người đã biết nhau từ hồi còn ở Hàn Quốc và tình cờ gặp nhau ở Hà Nội. Họ quyết định lên Sa Pa theo một cách đầy ngẫu nhiên và tình cờ, để rồi tại đây, họ có cơ hội nhận diện rõ hơn về tình cảm của mình.

Khi nói đến Sa Pa, không thể không nói đến rượu nếp, cơm lam, và đặc biệt là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo - chợ tình. “Chợ tình không ngừng viết nên biên niên sử của những mối tình trong sáng. Không thể bỏ mặc cái chết của những đôi bạn trẻ, các bô lão đại diện của các làng đã họp lại và giải pháp sáng suốt mà họ đưa ra chính là chợ tình.

Mỗi năm một lần, chợ tình cho phép những người yêu nhau được dịp xoa dịu nỗi nhớ và lấp đầy khát khao tình yêu. Vào ngày đó, thanh niên vùng Tây Bắc tụ tập ở chợ tình Sa Pa tìm kiếm tình yêu đau đớn của mình”. (Trích truyện ngắn Sa Pa). 

Trên bìa 4 của tập truyện ngắn Sewol, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ: “Tôi đọc Sewol mà không chút nghi ngại nào, rằng một nhà văn Hàn Quốc nhìn vào đất nước mình ra sao, rằng những Sa Pa, Hà Nội, Cà Mau có thật sự sống động trên từng trang viết. Tôi tin Việt Nam trong tác phẩm của anh Bang Hyun Suk sẽ hiện lên như thể được nhìn từ bên trong, và người viết thở cùng nhịp thở, thấm đẫm mưa nắng xứ sở nhiệt đới gió mùa này. Viết như một người Việt viết, tôi tin vậy”. 

Thành Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI