Tôi từng sống ở Việt Nam từ năm 1970 đến 1974. Hồi đó, tôi là đặc phái viên khoa học nghiên cứu về rừng nhiệt đới của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam ở Sài Gòn. Giai đoạn này, tôi đã đọc rất nhiều sách về văn hóa Việt Nam và văn học Việt Nam, trong đó có cuốn Truyện Kiều, bản dịch sang tiếng Pháp của ông Nguyễn Văn Vĩnh, lúc ấy vừa được tái bản và xuất hiện rất phổ biến ở các hiệu sách Pháp ngữ trong thành phố.
Bản dịch gồm ba phần: phần một gồm khổ thơ Kiều viết dưới dạng chữ quốc ngữ. Kế đến là phần dịch nghĩa khái quát sang tiếng Pháp, và thứ ba là phần cắt nghĩa từng từ tiếng Việt sang từ tiếng Pháp. Nhờ bản dịch thiên về tính học thuật hơn giá trị văn chương ấy, tôi đã hiểu được rành mạch tác phẩm.
|
Ba bức trong bộ tranh Đông Hồ minh họa Truyện Kiều mà ông Pascal sưu tầm được |
Mặc dù Truyện Kiều được Nguyễn Du viết vào đầu thế kỷ XIX, dựa trên một tác phẩm Trung Quốc thế kỷ XVI, dĩ nhiên bức tranh xã hội đấy chẳng có điểm nào giống với thập niên 70 ở Sài Gòn đương thời. Tuy vậy, cuốn sách khiến tôi hiểu hơn về việc dịch thuật, về trào lưu đọc sách của giới thượng lưu bấy giờ, nhất là về tinh thần lãng mạn của người dân Việt Nam mà ta bắt gặp khắp mọi nơi. Quả thật người Việt thấm đượm chủ nghĩa lãng mạn. Và về mặt này, Truyện Kiều hoàn toàn tương ứng với chất trữ tình ấy.
Mấy năm trước, tôi từng tổ chức triển lãm bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, trong đó, bộ tranh Đông Hồ minh họa Truyện Kiều đã thu hút sự chú ý của khách thưởng tranh với phần chú thích rõ ràng, mạch lạc. Riêng các bộ tranh minh họa Truyện Kiều, tôi thấy điều này khá hiếm trên thế giới, ở chỗ, một tác phẩm cực kỳ phổ biến trong dân chúng được kể lại bằng tranh.
Tôi nghĩ, người Việt thế kỷ trước chắn hẳn đều biết đến Truyện Kiều, thuộc lòng nhiều đoạn thơ, nhưng rất ít trong số họ đã đọc sách bản chữ Nôm. Tranh Đông Hồ minh họa Kiều góp phần vào việc phổ biến hơn nữa Truyện Kiều trong dân gian và gìn giữ nó qua các thời vận, thăng trầm của đất nước.
Tranh Đông Hồ không giàu giá trị nghệ thuật như tranh khắc gỗ Nhật Bản, không đậm đặc tình tiết, tỉ mẩn như tranh khắc gỗ Trung Hoa, nhưng đặc biệt ở chỗ, chúng bảo tồn và chất chứa được toàn bộ nền văn hóa Việt, bởi chúng rất phổ biến. Với bộ tranh minh họa Truyện Kiều, tôi cảm nhận được ở đó một cơ số nét duyên dáng ẩn hiện, rõ rệt hơn nhiều so với các tranh khác, như Thạch Sanh chẳng hạn.
Phong cách thể hiện trong tranh Kiều gợi nhắc đâu đó vẻ đẹp yêu kiều của thi ca Nguyễn Du. Sự duyên dáng thoát ra từ dáng điệu của nhân vật trong tranh, cách họ đứng ngồi, trang phục của họ. Có một sự chuyển giao ngầm từ phong cách văn chương đến phong cách hình họa. Ví dụ trong cảnh Thúy Kiều chơi đàn sum vầy cùng Thúy Vân và Kim Trọng, xuất hiện hình ảnh lò hương trầm. Người nghệ nhân khắc tranh đã tinh tế khắc làn khói, như thể làn khói ấy đồng hành dìu dặt cùng tiếng đàn của nàng.
Ở đây, hồn Việt được khắc họa trong từng cử chỉ của nhân vật trong tranh, sự mềm mại toát ra từ trang phục của họ; trong việc chỉ chọn minh họa một số ít nhân vật, tối giản hóa các trang trí trong không gian, nhưng phần trang trí này phải gợi mở được quang cảnh Truyện Kiều, như một cành lê thấp thoáng ở góc này, một bóng cây nở hoa ở góc kia… Ta cảm nhận được sự luân chuyển của thời gian, sắc màu của mùa màng. Tất cả điều ấy thấm đẫm màu sắc Việt.
Lấy bức Kim - Kiều gặp nhau lần đầu tiên trong tiết Thanh Minh là một ví dụ. Một cảnh với phần trang trí cực tối giản, chỉ thấy vòm cây nở hoa tỏa bóng phía trên đầu hai nàng Thúy Vân - Thúy Kiều. Chỉ chi tiết này cũng mang đến thông tin về thời điểm trong năm (tiết xuân tháng Ba hoa nở), mở ra trước ta không gian riêng tư trữ tình, và ta cảm được cả sự tò mò của hai nàng thiếu nữ dậy lên trong tranh qua cử chỉ nghiêng đầu khẽ nhìn về phía chàng Kim Trọng.
Những điều này không thể gặp trong tranh khắc Trung Hoa, không có nét vẽ chiếc cổ thiếu nữ khẽ vươn ra để nhìn chàng trai rõ hơn qua vòm cây. Tất cả nét tinh tế, duyên dáng này phảng phất tính thơ của Truyện Kiều văn chương, biến nó thành tính thơ của hội họa trong tranh khắc dân gian Đông Hồ. Một chất thơ dân tộc được chuyển tải và bảo tồn nguyên vẹn.
Giáo sư Jean Pierre Pascal - nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia tại thành phố Lyon, Pháp
Lan Tử Viên (ghi)