PNO - Tối 1/12, nhà hát kịch IDECAF công diễn vở Dưới bóng giai nhân (kịch bản, đạo diễn: Quang Thảo). Sau vở nhạc kịch Tiên Nga ra mắt vào tháng 12/2017, đây là tác phẩm được kịch IDECAF tập trung nhân lực và đầu tư mạnh tay.
Dưới bóng giai nhân được Quang Thảo viết từ năm 2019, trong thời gian cách ly vì đại dịch COVID-19. Anh cho biết, lúc đó anh suy nghĩ nhiều và muốn thử lý giải nhiều điều của Truyện Kiều mà nguyên tác của Nguyễn Du chưa đề cập hoặc chỉ thoáng qua. Chẳng hạn như: nguồn gốc của Đạm Tiên, điều gì khiến Hoạn Thư và Thúc Sinh không hạnh phúc, tại sao Thúy Kiều không có con sau bao năm đoạn trường… Theo anh, Truyện Kiều là một di sản tuyệt vời để người đời sau tiếp tục khám phá và phát huy khi có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học cũng như về cuộc sống và con người. Tuy nhiên, Truyện Kiều lại quá quen thuộc với người Việt, hầu như ai cũng biết và thuộc vài câu thơ Kiều. Cho nên, không dễ để mang đến những hiểu biết hay cảm xúc mới về tác phẩm.
Dưới bóng giai nhân được đầu tư cảnh trí rất đẹp mắt
Ở Dưới bóng giai nhân, Quang Thảo dừng lại ở việc cảm tác từ ý thơ Nguyễn Du để kể về 15 năm đoạn trường của Kiều theo cách riêng. Trong đó, tập trung đào sâu tâm lý các nhân vật và những biến cố ẩn sau những vần thơ. Qua lăng kính mới của tác giả cùng nhiều tình tiết hư cấu nằm ngoài nguyên tác, Thúy Kiều và những mối nhân duyên lẫn nghiệt duyên trong đời hiện lên với góc nhìn đa chiều, thậm chí trái ngược so với nguyên tác.
Từ góc độ nào đó, Dưới bóng giai nhân còn làm đậm thêm lời thơ “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” của Nguyễn Du. Không riêng gì Kiều, những phụ nữ có mặt trong cuộc đời nàng - từ Đạm Tiên tượng trưng cho tiếng lòng Thúy Kiều, đến Hoạn Thư nổi tiếng với cơn ghen làm Kiều ê chề hay tú bà Lã Thu đưa Kiều về lại chốn phong trần - đều có những niềm đau khôn nguôi. Một điều rất mới nữa là dù bị đè nặng bởi định kiến thời đại, những phụ nữ ấy lại vô cùng mạnh mẽ. Kiều không chỉ biết khóc mà còn rất quyết liệt trong việc “sửa sai” cuộc đời mình, dù mỗi lần “làm lại” lại đưa nàng xuống tầng bi kịch sâu hơn.
Hoạn Thư không chỉ biết ghen mà còn biết sống đúng đạo lý và lẽ đời. Nhưng chính sự chu toàn đó buộc nàng luôn nhận thiệt thòi về mình để làm tròn phận vợ hiền dâu thảo. Tú bà Lã Thu là một hư cấu độc đáo của Dưới bóng giai nhân, dù chỉ xuất hiện ở 1 lớp diễn nhưng để lại ấn tượng đậm nét về con người, dù sa chân chốn bùn nhơ vẫn giữ được lòng trắc ẩn và tâm hồn hướng thiện.
Các nhân vật nam như Từ Hải, Thúc Sinh hay Hồ Tôn Hiến cũng được khai thác sâu hơn, thú vị hơn. Trong đó, Hồ Tôn Hiến giữ vai trò biến đổi tuyến kịch giúp câu chuyện của Dưới bóng giai nhân thực sự mới mẻ và kịch tính hơn hẳn.
Kỳ vọng mới
Thời gian trước, sân khấu IDECAF phải mất vài năm mới cho ra mắt 1 tác phẩm hoành tráng (không tính kịch thiếu nhi). Thế nhưng, Dưới bóng giai nhân đã là tác phẩm đầu tư lớn thứ hai trong năm 2024 sau Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Người mang 9 án tử. 1 vở cảm tác từ danh tác văn học nối tiếp 1 vở kịch lịch sử - cả hai thể loại đều khá kén khách - chỉ trong 1 năm ngắn ngủi là khá mạo hiểm trong tình hình sân khấu hiện nay. Tuy nhiên, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, cần tranh thủ củng cố nội lực cho “thời kỳ mới”, sau khi tái thiết toàn diện.
Dưới bóng giai nhân tô đậm bi kịch về thân phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến
“Chúng tôi mong muốn, khi công chúng và giới chuyên môn nhớ về nhà hát kịch IDECAF sẽ không chỉ nhắc tới những vở diễn cũ được làm mới hoặc những vở diễn mới nối dài từ những thành công cũ, cho dù đó là những thứ làm nên tên tuổi của IDECAF một thời. Điều chúng tôi hướng tới là phải có thêm nhiều những tác phẩm chính kịch đáng giá dành tặng khán giả. Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Người mang 9 án tử được coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng củng cố lại mảng chính kịch của nhà hát và Dưới bóng giai nhân được kỳ vọng sẽ tạo thêm một bộ khung vững chắc nữa cho ngôi nhà nghệ thuật IDECAF” - ông Huỳnh Anh Tuấn không giấu giếm tham vọng.
Ê kíp vở diễn đã nỗ lực hết sức và tập trung toàn bộ cho tác phẩm. Nghệ sĩ Hồng Ánh cho biết đã từ chối 1 dự án điện ảnh và 3 bộ phim truyền hình để toàn tâm toàn ý cho Thúy Kiều của Dưới bóng giai nhân. Chị phải tập thêm các kỹ năng nhảy múa, đánh trống và nhất là rèn luyện sức khỏe để đảm đương 11/14 cảnh diễn của vở. Đây là kỷ lục riêng của Hồng Ánh. Để có được cảnh diễn Thúy Kiều đánh trống bằng đôi tay trần đầy ấn tượng, Hồng Ánh đã cật lực tập luyện đến tím bầm cả tay. Nữ nghệ sĩ thừa nhận, đây là vai diễn sân khấu làm chị mất nhiều sức lực nhưng lại rất “sướng”, vì một nàng Kiều mới mẻ và mạnh mẽ như ở Dưới bóng giai nhân không phải lúc nào cũng gặp được.
Đình Toàn cũng xem Hồ Tôn Hiến là dấu ấn diễn xuất mới của mình. Lần hiếm hoi, khán giả có thể thấy được một Đình Toàn thâm trầm, sắc bén và “nguy hiểm” như thế. Những Thanh Thủy (Hoạn Thư), Hoàng Trinh (tú bà Lã Thu), Mỹ Duyên (Đạm Tiên), Đại Nghĩa (Từ Hải), Công Danh (Thúc Sinh), Minh Dũng (Khương Cẩu)… đều tâm đắc và bỏ nhiều tâm sức cho các vai diễn.
Kịch IDECAF công diễn Dưới bóng giai nhân ngay sau khi Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Người mang 9 án tử gặt hái Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất là ngẫu nhiên, nhưng cũng là minh chứng cho nỗ lực thực hiện kỳ vọng đưa thêm nhiều tác phẩm chính kịch chất lượng đến với công chúng.
"Cánh chim bị thương" (Nhà xuất bản Dân Trí, 2024) được phát hành vào đúng tháng “Nơ hồng” (tháng Mười) - tháng nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư vú.