Có một tình yêu không khoảng cách

25/04/2016 - 19:35

PNO - Từ ngày có điện, cuộc sống của hơn hai vạn dân, một nửa quăng lưới biển xa, một nửa còng lưng trồng tỏi, trồng hành đã có phần thay đổi.

Co mot tinh yeu khong khoang cach
Trẻ em Lý Sơn có thêm một ngày vui

Xưa, Lý Sơn được gọi là cù lao Ré, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý tính từ cảng Sa Kỳ. Tuy diện tích chưa tới 10km2 nhưng Lý Sơn có tới 10 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh... mang dấu ấn chủ quyền biển đảo, danh thắng…

Lý Sơn ngày nay, được nhiều người biết đến, muốn đi thăm phần nhiều vì những danh lam thắng cảnh. Chùa Không Sư (Chùa Đục) nơi tương truyền Quán Thế Âm từng chọn ngự và trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Chùa Hang - nơi thờ tự Phật và các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây huyện đảo. Nơi mà ai đến cũng muốn đặt dấu chân mình là đỉnh núi Thới Lới - một trong năm ngọn núi lửa đã tắt của đảo Lý Sơn, để quăng một tầm nhìn là thấy Hoàng Sa - nơi máu nghĩa sĩ đã đổ, hồn nghĩa sĩ đã phiêu dạt giữa trùng khơi mênh mông, sâu thẳm bao năm rồi…

Đêm ngồi nhìn ra biển với những ánh đèn xa xa chập chờn trong sóng, gió trên những chuyến ghe, tàu đánh bắt gần bờ, ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, không giấu được niềm tự hào vì Lý Sơn đang dần đổi mới, nhưng cũng không khó nhận ra trong ngữ điệu tự hào ấy vẫn còn một quãng âm trầm buồn: Từ ngày có điện, cuộc sống của hơn hai vạn dân, một nửa quăng lưới biển xa, một nửa còng lưng trồng tỏi, trồng hành đã có phần thay đổi. Nhưng vẫn còn những người mẹ, người vợ, người con của lớp lớp nghĩa sĩ Hoàng Sa đêm đêm nước mắt chảy ngược vào lòng vì những mất mát không gì bù đắp được.

Co mot tinh yeu khong khoang cach
Người vợ của ngư dân này đang say sưa với trò tô tượng của trẻ nhỏ

Chuyến về Lý Sơn của báo Phụ Nữ, Hiệp hội nhựa, Lửa Việt tour và rất nhiều đơn vị, công ty, cá nhân lần này không phải là đi du lịch mà là cuộc hành trình nhân ái, chia sẻ vì một cộng đồng ruột thịt máu đỏ, da vàng, không khoảng cách. Ở đó, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực của một bé gái hở hàm ếch tham gia cuộc thi thổi bong bóng. Em thổi đến rịn mồ hôi trên vầng trán cao, đen. Ở đó, chúng tôi thấy ánh mắt hăm hở tràn đầy hy vọng của các cụ già còng lưng trên đôi chân trần lê bước từ cổng đồn Biên phòng 328 đến nơi các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh.

Ánh mắt báo hiệu rất rõ khoảng cách như quá gần, như trong tầm với đến một phép lạ - tưởng chỉ có từ cổ tích. Chúng tôi đã thấy các bà vợ ngư dân đau đáu nỗi chờ chồng từ những chuyến đi biển xa xôi. Niềm nhớ, nỗi chờ tưởng như có thể vơi trong khoảnh khắc, họ say sưa ngồi tỉ mẫn, tô màu những mẫu tượng dành cho trẻ em - một trò chơi vốn rất đỗi bình thường ở phố - nhưng lại quá xa xỉ ở vùng đảo này thăm thẳm này

85 người tham gia chương trình xã hội từ thiện về nguồn “Hướng về biển đảo thân thương” không phải là người mua tour du lịch. Họ tham gia không để “đi ké” ra Lý Sơn, để “cưõi ngựa xem hoa” với chương trình trao tặng 300 phần quà cho người nghèo, 70 phần quà cho học sinh khó khăn, hàng chục bộ áo phao cứu sinh đa năng tặng cho ngư dân bám biển xa bờ, những thùng trà đạt chuẩn xanh, máy lọc nước mặn thành ngọt, tủ sách để đọc, thú nhồi bông, kẹo bánh... Bởi, họ biết những thứ ấy giá trị không đủ lớn để chia sẻ hết những khó khăn cho hơn hai vạn dân vùng đảo còn nhiều khó khăn này.

Họ tham gia với tư cách người trong cuộc. Họ chấp nhận sự giận dữ của sóng gió trùng khơi, chấp nhận môi trường mịt mù khói bụi, ăn đói, ngủ thiếu của chuyến đi về nguồn… Bởi họ hiểu một điều đơn giản: khi cho đi là đã nhận lại được phần mình một giá trị không thể cân đong đo đếm: tình yêu cộng đồng không khoảng cách!

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI