PNO - Nếu hôn nhân là một chiếc lồng chim thì ly hôn chính là cái then cửa. Nó có thể giam cầm cuộc đời bạn, nhưng cũng có thể mở toang cho một đôi cánh tự do, để bạn tung bay cùng nắng gió.
Tôi dám cá hơn phân nửa phụ nữ trên thế giới này xem chuyện ly hôn là bi kịch. Thú thật, tôi cũng từng nằm trong số ấy.
Cuộc đời nở hoa hay bế tắc?
Đó là ngày cuối cùng của những năm học phổ thông, tôi nhớ mình đã ngồi trên bậc tam cấp của dãy lớp học, thẫn thờ nhìn đôi chim bồ câu ngoài sân đang chia nhau từng hạt thóc vương vãi. Tôi nói với bạn thân rằng, ngay lúc ấy, ba mẹ tôi đang cùng nhau đặt bút ký vào quyết định ly hôn của tòa án, còn tôi ngồi đây ngắm một đôi chim hạnh phúc và đánh rơi cái háo hức được trở về nhà. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nỗi buồn của sự mất mát sẽ ghê gớm lắm. Tôi hình dung khoảng trống vô tận của những ngày sắp tới.
Nhưng rồi, những gì tôi thấy chiều đó đã khiến tôi nghĩ khác. Trước khi rời khỏi nơi đã từng là mái ấm đời mình, ba ôm chầm lấy mẹ, thật lâu. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy. Ba nói, sau này, nếu gặp bất cứ khó khăn nào, hãy gọi cho ba. Ba dặn chúng tôi chăm sóc mẹ, hãy thay ba làm chỗ dựa cho người đã từng cùng ông xây tổ ấm. Và bạn biết không, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy rõ ràng tình cảm quyến luyến giữa họ. Nó khác hoàn toàn với những câu nói cay nghiệt, chì chiết, thóa mạ, những lạnh lùng xa cách, giữa bầu không khí nặng trĩu hờn ghen, thuở hai người còn cùng nhau chung sống.
Ảnh minh họa
Những ngày sau đó, chị em tôi không còn cảnh dắt díu nhau đi trốn cơn thịnh nộ từ những trận cãi vã triền miên của ba mẹ. Không còn lấm lét sợ hãi dò xét thái độ người lớn để đối phó với những cơn trút giận vô tình. Trong nhà bắt đầu có tiếng cười, dù ít người. Rõ ràng, với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thì việc ly hôn mang đến sự giải thoát kì diệu. Khi không còn luẩn quẩn với những nỗi đau của một mối quan hệ khiếm khuyết, cả hai đều bắt đầu một cuộc sống mới, dễ dàng hơn, nhẹ
nhõm hơn.
Do mình
Rồi đến một ngày chính tôi đối diện với việc ly hôn. Tôi đã nhìn thấy lại hình ảnh của mình trong đôi mắt buồn bã của cô con gái. Con bé bảo, lớp con chỉ có mình con là có bố mẹ ly dị. Tại sao con phải chịu đựng điều tồi tệ đó? Tại sao chúng ta không thể cùng nhau chung sống như trước? Tại sao người ta yêu nhau rồi có thể bỏ nhau? Quả thực, những câu hỏi của con như xát muối vào vết thương. Với tôi, đây mới chính là điều thất bại nhất của ly hôn, chứ chẳng phải là gánh nặng hay sự cô đơn.
Ảnh minh họa
Lần đó, tôi đã dẫn con bé ra khoảng sân trước nhà, chỉ vào một cái chậu vỡ toác làm đôi vì không chịu được bộ rễ ngày một to của cái cây bên trong. "Con nhìn này, cái cây từng sống rất vui vẻ trong cái chậu vừa vặn với nó. Nhưng đến một lúc nào đó sẽ không còn thích hợp với môi trường nó từng sinh sống. Trong khi cây ngày một lớn, thì cái chậu chỉ đứng yên. Nếu không mang cây ra ngoài đất để giúp nó lớn lên, thì hoặc là nó sẽ mãi mãi gầy úa và chết, hoặc nó sẽ làm cho cái chậu bị vỡ toang. Tình cảm con người cũng vậy. Muốn cả hai tốt hơn, thì chỉ có cách giải thoát cho nhau để mỗi người xây dựng một cuộc sống mới. Hãy nghĩ ly hôn là một giải pháp chứ không phải là hậu quả của một cuộc hôn nhân thất bại. Mẹ tin là con cũng sẽ không thể nào vui được, nếu chứng kiến ba mẹ mình không hạnh phúc, chịu đựng nhau, và ngày càng xấu đi trong mắt nhau".
Tôi nói với con mà như nói với chính mình. Tự trấn an mọi thứ rồi sẽ ổn, và AQ rằng: cuộc sống nở hoa, hay cuộc đời bế tắc, phụ thuộc hoàn toàn vào cách mình nhìn việc ly hôn bằng lăng kính nào.
Hồng Hạnh
Bức ảnh đẹp nhất về hậu ly hôn
Cách đây không lâu, bình luận viên bóng đá Anh Ngọc đã chia sẻ trên mạng một bức ảnh hậu ly hôn tuyệt đẹp. Một bức ảnh chạm vào tim bất cứ ai từng đi qua đổ vỡ và đang hoang mang trước quyết định của mình. Bạn sẽ khó rời mắt trước những nhân vật đặc biệt xuất hiện trong bức ảnh này, dù chỉ có thể nhìn họ từ phía sau: cô bé Maelyn (4 tuổi), đang hồi hộp trước một trận đấu bóng, nhưng em nhanh chóng được trấn an bởi một lực lượng hùng hậu gồm bốn người đi theo cổ vũ, trong màu áo đồng phục cùng số áo với em. Bốn người này gồm: cha ruột, mẹ ruột, cha dượng, và mẹ kế của Maelyn. Một đội hình đặc biệt!
Anh Ngọc nhận định: “Thông điệp của bức ảnh này rất rõ ràng: cha mẹ Maelyn đã ly hôn, nhưng họ cùng với những người bạn đời mới của họ hoàn toàn có thể chăm sóc tốt nhất cho cô bé, cho thấy sự tan vỡ của một gia đình không hề làm đứa trẻ rơi vào khủng hoảng. Sau bao sóng gió hôn nhân, các cặp vợ chồng đều hiểu việc ly hôn đã để lại ảnh hưởng tiêu cực đến con cái nhiều đến chừng nào. Nhưng bức ảnh này lại cho chúng ta niềm tin vào khả năng tìm kiếm sự cân bằng tâm lý và tình cảm của các gia đình sau khi ly hôn. Đó là sự cân bằng đem đến hạnh phúc thực sự cho những đứa trẻ.
Những câu chuyện như thế này không nhiều, nó khiến tôi tin rằng điều tốt đẹp sẽ luôn xuất hiện nếu ta có sự tôn trọng, cư xử văn minh, và trên hết là có tình yêu thương. Tình yêu thương không hề mất đi. Nó có thể không tồn tại ở dạng này (giữa bố và mẹ đẻ của Maelyn), mà ở dạng khác (không chung sống với nhau, nhưng vẫn chia sẻ trách nhiệm và yêu thương cô bé). Và họ đã mở rộng gia đình theo cách ấy...”.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".