|
Ảnh mang tính minh họa (Ảnh: Tú Vũ) |
Cảm xúc chính là trải nghiệm cá nhân
Nhiều lần, khi đón con đi học về, thấy con buồn, tôi hỏi vì sao thì được nghe những câu chuyện như: “Hôm nay con thấy người ta chặt một cái cây trên đường đến trường, con buồn cho cái cây quá. Người ta chặt cây thì khi mưa đâu có cây hút nước, sẽ bị ngập nhiều hơn. Sao người ta không thương Trái đất mình đang sống hả mẹ?”. Dù con buồn vui với bất kỳ chuyện gì, tôi chưa bao giờ lên tiếng nhận xét đó là chuyện nhỏ hay chuyện tào lao. Mà ngẫm kỹ, tôi thấy cảm xúc của con trai tôi về những vấn đề bâng quơ như thời tiết, Trái đất không phải là không có lý.
Có lần, khi thấy con trầm ngâm trong giờ ăn tối, tôi hỏi vì sao thì bé kể: “Hôm nay, con thấy cô giáo rất buồn. Cô nói là chồng cô mất trong một tai nạn giao thông. Con thương cô nhưng không biết làm gì để cô hết buồn”. Tôi ngậm ngùi về câu chuyện của cô giáo và rất cảm động khi thấy con biết quan tâm đến cô. Sau đó, con trai tôi đề xuất mua một món quà nhỏ tặng cô kèm theo 1 tấm thiệp tự làm. Tôi hy vọng cô sẽ cảm thấy ấm lòng khi học trò quan tâm đến mình.
Một lần khác, con tôi muốn xin tiền mua đồ chơi nhưng tôi không đồng ý. Giận vì mẹ phản đối, cậu bé đã thiếu kiềm chế và cư xử thô lỗ. Tuy nhiên, sau đó, tôi ngạc nhiên khi nhận được bức thư xin lỗi viết tay của con trai: “Con xin lỗi vì đã nói “cái gì” vô mặt mẹ. Nếu con nói như vậy thêm một lần nữa, con sẽ không bao giờ được mua gì ở bất kỳ nơi đâu”. Tôi đánh giá cao cách con trai tôi tự nhìn nhận và hối lỗi nhưng tôi biết đây cũng là kết quả của quá trình dài thực hành về cách chia sẻ cảm xúc hằng ngày trong gia đình tôi.
Tôi luôn tôn trọng mọi cảm xúc của con vì tôi nghĩ cảm xúc thuộc về những rung động mang tính cá nhân. Trong giai đoạn đầu đời khi chưa phát triển những kỹ năng quản lý cảm xúc và kỹ năng giao tiếp xã hội, khi thấy con có những phản ứng khác lạ, tôi luôn chủ động tiếp cận bằng câu hỏi: “Con đang cảm thấy sao?” và giúp bé tìm cách diễn đạt những thứ đang diễn biến bên trong một cách phù hợp. Nhờ cách này, tôi luôn hiểu được con mình đang bận tâm điều gì; nếu con có những suy nghĩ chưa đúng, tôi sẽ nhân những cơ hội này giải thích, giúp con hiểu rõ hơn về những diễn biến xung quanh.
Đừng khiến trẻ ngần ngại thổ lộ chính mình
Thỉnh thoảng ở nơi công cộng, chúng ta hay gặp một số trẻ giận dữ hay phản đối người khác bằng cách la khóc. Là một người mẹ, tôi hiểu lý do không hẳn vì trẻ thiếu hợp tác mà do trẻ không được học cách diễn đạt cảm xúc bằng lời để người lớn hiểu mình ngay từ khi bắt đầu tập nói. Bên cạnh việc la khóc, trẻ không biết dùng cách nào để giao tiếp về những thứ vô hình bên trong mình, dần dần gây nên những trở ngại và khoảng cách lớn trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa con cái với bạn bè và thầy cô khi chúng ở tuổi đến trường. Để tránh tình trạng này, mỗi ngày, tôi hay dành thời gian nói chuyện hoặc giảng giải cho con về những thứ thuộc phạm trù tình cảm. Để con tôi - một bé trai vài tuổi - hiểu được những cung bậc cảm xúc trong lòng mình, bên cạnh những lời giải thích, tôi cũng cần thực hành.
Vì những lý do riêng tư và cũng ngại bị hỏi han, đánh giá, người lớn ít khi bộc lộ cảm xúc tự nhiên ra bên ngoài, ngay cả khi ở trong nhà mình. Đa phần, chúng ta bộc lộ niềm vui và sự tức giận khi mọi thứ không như ý muốn còn với những cung bậc khác như buồn bã, nuối tiếc, hối lỗi…, chúng ta thường lờ đi hoặc giấu trong lòng. Kể cả khi trẻ con khóc thì người lớn cũng áp đặt: “Có gì đâu mà phải khóc! Chuyện có chút xíu à, nín đi!”. Đây là những lý do khiến trẻ ngại ngần đi tìm cha mẹ để thổ lộ khi có chuyện cần giúp đỡ vì ngại bị đánh giá. Dần dần, trẻ sẽ tự tìm cách giải quyết vấn đề của riêng mình.
Giáo dục dạy chúng ta nhiều thứ, nhà trường và xã hội cung cấp cho con người lượng kiến thức khổng lồ về thế giới và cuộc sống xung quanh. Thế giới quan trọng nhất là thế giới nội tâm của mỗi người, vậy nhưng con người lại không được dạy cách khám phá, quản lý và diễn đạt. Và, cũng như mọi bài học khác, trẻ con học hỏi thông qua việc nhìn vào cách cha mẹ hành xử. Khi người lớn cởi mở với con cái về cảm xúc của mình một cách chân thành, trẻ sẽ dễ dàng mở cánh cửa cho người lớn bước vào thế giới nội tâm
của chúng.
Dạy trẻ cách diễn đạt cảm xúc lành mạnh
Có lần, khi thấy tôi ngồi khóc một mình, con trai tôi đến gần mẹ và bối rối hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có chuyện gì buồn? Vì sao mẹ khóc? Mẹ làm con sợ quá, mẹ ơi”.
Tôi biết con mình luống cuống vì chưa nhìn thấy mẹ khóc bao giờ và cảm thấy khổ sở, bất lực vì không giúp được gì cho mẹ. Lúc đó, tôi không kìm lòng được nên chỉ nói rằng: “Mẹ cần ngồi một mình, chút nữa hết buồn mẹ sẽ nói con nghe”.
Sau thời gian ngắn, khi lấy lại được bình tĩnh, tôi giải thích với con rằng buồn vui, khổ đau, giận dữ… là những cảm xúc bình thường của loài người và tất cả chúng ta đều trải qua những cung bậc này. Tôi cũng khuyên con không quá lo lắng khi thấy ai đó buồn và khóc; chỉ cần ở cạnh người đang khóc, không cần nói gì hay hỏi gì, khi khóc xong, người đó sẽ cảm thấy khá hơn.
Đó là cách tôi trò chuyện với con mình về cảm xúc trong đời sống hằng ngày. Cảm xúc là tự nhiên, thể hiện cảm xúc cũng không nên là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, việc thể hiện cảm xúc đúng cách, đúng chỗ và không bắt ai phải chịu đựng cảm xúc của mình kiểu “giận cá chém thớt” là vấn đề quan trọng.
Từ những nhu cầu giao tiếp của cá nhân, chúng tôi cũng ra quy định trong gia đình: mọi người nên chia sẻ và nói nhiều về những thứ mình cảm nhận trong ngày chứ không chỉ đơn thuần kể về sự việc. Chính những cảm xúc lành mạnh sẽ giúp chúng ta điều chỉnh được hành vi và việc được nói ra hay giãi bày suy nghĩ cũng là cách giữ được đời sống cân bằng và giảm áp lực. Chúng tôi thực hành điều này với nhau hằng ngày, những khi cảm thấy khó nói trực tiếp thì chúng tôi viết giấy cho nhau.
Thỉnh thoảng ở nơi công cộng, chúng ta hay gặp một số trẻ giận dữ hay phản đối người khác bằng cách la khóc. Là một người mẹ, tôi hiểu lý do không hẳn vì trẻ thiếu hợp tác mà do trẻ không được học cách diễn đạt cảm xúc bằng lời để người lớn hiểu mình ngay từ khi bắt đầu tập nói.
Nhất Phương