Có một Sài Gòn trong mắt kẻ si tình

26/06/2021 - 11:59

PNO - Sài Gòn trong mắt kẻ si tình như Tống Phước Bảo là một người tình diễm lệ, kiêu kỳ nhưng bội phần hồn hậu, đành hanh nhưng hào sảng lạ lùng…

Sài Gòn đó, là nơi để tựa nương mỗi lúc cô đơn, để ngồi yên và được lắng nghe, được dỗ dành an ủi mỗi khi trái tim run rẩy vì những vết xước cuộc đời. Dẫu cái nơi dang rộng vòng tay đón kẻ mang đầy thương tổn trở về chỉ là một quán cóc vỉa hè, quán cà phê cũ kỹ phố quen hay nép mình sau rào sử quân tử mỗi mùa trổ bông đỏ ngời ngợi của ba hoặc chỉ là cái ngõ nhỏ để Bảo phơi thanh xuân vàng phai nơi đó…

Lọt lòng, mở mắt thấy Sài Gòn và ru mình hơn ba mươi năm cũng là Sài Gòn nên cái tình của Bảo với đất này mênh mông sâu thẳm, tràn ra hè phố, ôm lấy “những mảnh đời hiên” gió mưa quăng quật của dân tứ xứ đổ về ăn nhờ ở đậu Sài Gòn. Để rồi thắt thẻo tim gan khi ngồi với cha con người đàn ông bán hạt dẻ rang, với mẹ con cậu bé thiểu năng tha phương nương nhờ Sài Gòn cho đoạn tháng đoạn ngày…

Ở đó, trái tim Bảo sững sờ đau khi chứng kiến mất mát quá lớn của cô bạn thân: Lần lượt từng người thân qua đời, để cuộc đời bạn suốt nhiều năm tháng chỉ quẩn quanh trong những bộ đồ hai màu đen trắng… Sài Gòn của Bảo là quán “cơm gia đình” của cô gái miền Tây ngọt lịm. Người ta tước lấy nhựa sống của cô, cướp trái tim thuần khiết của cô ngay từ lúc cô còn chưa kịp trưởng thành. Cô bám trụ Sài Gòn, lớn lên với trái tim đầy thương tổn. Để rồi khi cô nói lời từ biệt, chén cơm gia đình bỗng mặn đắng trong cuống họng người dưng… Rồi má Năm, người ly hương biệt xứ, tết nào cũng khóc nhớ Sài Gòn. Tiếng thổn thức của đứa con khóc đòi quê xứ lặng mà thương…

Sài Gòn của Bảo xinh đẹp lộng lẫy nhưng cũng có lúc xuềnh xoàng cẩu thả. Tỷ như mưa có một chặp mà đường sá thành sông. Nước mưa hòa vào nước mắt. Sài Gòn mỗi sáng kẹt xe. Sài Gòn nóng nực, ồn ào bởi những xóm hẻm hay ba láp ba xàm những chuyện bao đồng. Những kẻ xa lạ mới lạc đến nơi này, chột dạ khi thấy Sài Gòn ráo hoảnh, chẳng thèm ngó ngàng tới mình, đâm ra ghét... 

Sài Gòn biết hết nhưng không để bụng bao giờ. Người Sài Gòn hào hiệp, nghĩa tình. Vòng tay người nơi đây dang rộng đón kẻ tha hương về dưới mái hiên, trú cơn mưa, tránh cơn giông. Dù có lúc thắt thỏm trong cơn dịch bệnh nhưng người Sài Gòn vẫn hào sảng “cho đi” mà không kỳ kèo “nhận lại”. Ở đó có người đàn ông xăm trổ tháng nào cũng xách thùng sữa với phong bì tiền triệu cho mẹ con thằng nhóc thiểu năng chơ vơ bên đường. Bao nhiêu “hiệp sĩ” lao ra đường săn bắt cướp, bao nhiêu nhà giàu sẵn sàng nhường mái hiên nhà mình cho những mảnh đời vô gia cư, bao nhiêu ông bà giáo già vẫn ngày đêm gom tụi nhỏ bụi đời về dạy chữ… Ta nói, “xứ gì lắm Lục Vân Tiên”! Từ  hồi “mười lẵm năm sà”, Sài Gòn vẫn vậy. Vậy đó, nên “đừng vội ghét khi chưa kịp thương”.

Sau nhiều năm mất hút, nhà văn trẻ Tống Phước Bảo đột ngột trở lại văn đàn gây nên sự tò mò hào hứng nơi người đọc bởi lối hành văn chất phác, đôn hậu, thấm đẫm tình người. Giọng văn của Bảo không chú trọng gọt giũa hay lạm dụng cái lắt léo của kỹ thuật mà là những thủ thỉ thầm thì kiểu mưa dầm thấm lâu, len lỏi sâu tận những mạch ngầm cảm xúc của người đọc, gieo vào đó những thương mến trào dâng.
Tập tản văn - truyện ngắn Sài Gòn còn thương thì về là tấc lòng của Bảo dành cho người tình - tri kỷ Sài Gòn. Bảo không yêu Sài Gòn, mà thương. Bởi chỉ có thương mới thủy chung cho tới hết kiếp người, bỏ qua hết những lúc trái tính trái nết, chỉ lưu dấu những thảo thơm, vịn vào đó mà đi hết cuộc đời.

Trần Huyền Trang

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI