Đó là những khoảnh khắc sống động về vùng đất Đồng Nai - Bến Nghé, Sài Gòn - Gia Định, TP.HCM, nơi hơn ba thế kỷ qua đã bao dung, che chở cho nhiều thế hệ người Việt.
Phần đồ sộ nhất là 30 chương Hình bóng & tư liệu Sài Gòn thời Pháp thuộc, với những bức ảnh đầu tiên chụp tại Sài Gòn, về các công trình xây dựng, cách ăn mặc, ngành nghề, đời sống người dân...
Tương ứng với từng cụm ảnh là các bài viết sưu khảo của nhiếp ảnh gia Tam Thái. Ở đó, công chúng được nghe ông kể lại câu chuyện về cảng Sài Gòn, về đời sống cu li, cùng ông đi dạo các xóm nghề từ Bến Nghé đến Chợ Lớn xưa, qua từng con kênh, vào từng ngôi chợ.
|
Một số tác phẩm của Tam Thái trong triển lãm Sài Gòn, 9.000m2 phản chiếu |
Một Sài Gòn của hàng trăm năm trước như sống lại trên từng khuôn hình, còn nghèo nàn, hoang sơ như thể hiện rõ trên logo Sài Gòn từ năm 1870 với hình ảnh hai con cọp và dòng chữ Latin “Paulatim Crescam” (Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển), hay như hình ảnh về con đường đất nối Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa (nay là đường Nguyễn Trãi) với hai hàng cổ thụ che bóng mát cho người đi bộ, xe kéo.
Những cư dân Sài Gòn nếu từng chú ý và thắc mắc vì sao có những phế tích đường ray xe lửa ở khu vực Gò Vấp ngày nay sẽ biết từ năm 1910 người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt nối Sài Gòn - Gò Vấp - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, đi Chợ Lớn, về Mỹ Tho, rồi nó bị bỏ hoang sau đó vì vắng khách.
Ở chương Sài Gòn thập niên 1950, công chúng gặp lại hình ảnh của một thời để nhớ - những con đò qua lại Thủ Thiêm, xóm nghèo Ông Tạ... Bao nhiêu người nhìn lại hình ảnh cô gái bán báo trong chiếc áo bà ba trắng tinh, quần đen, mái tóc dài ngang lưng, trải từng tờ báo trên vỉa hè mà không bồi hồi, xúc động?
Bổ sung cho các hình ảnh là những trang viết quanh người nhổ răng dạo với bộ đồ nghề có thể khiến chúng ta hôm nay... khiếp đảm, hay cảnh học sinh túm tụm ăn bò bía trên đường phố, về cụm di tích lăng Cha Cả.
Có xưa rồi mới đến nay. Phần Hình bóng Sài Gòn qua ống kính Tam Thái cũng chính là những hình ảnh xuất hiện trong triển lãm ảnh Sài Gòn, 9.000m2 phản chiếu (hiện đang diễn ra tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - 122 Sương Nguyệt Anh, Q.1).
Tam Thái bảo ông chỉ là người thợ ảnh, chẳng có dịp đi xa sáng tác như đồng nghiệp nên không gian của mì nh chỉ quẩn quanh khu vực nhà thờ Đức Bà - Bưu điện Thành phố - nơi ngày xưa là nhà dây thép, cạnh bót Catinat, nơi ngôi nhà thờ chính tòa được dựng lên sau cuộc tranh chấp nảy lửa giữa chính quyền, giáo phái Tin lành và Công giáo.
Quanh 9.000m2 đó có sự hào nhoáng, bóng bẩy của giới thượng lưu và cả những phận đời oằn mình giữa cuộc mưu sinh. Với những chiếc máy ảnh dòng phổ thông, giá rẻ, Tam Thái tranh thủ những sáng Chủ nhật rảnh rỗi hiếm hoi để ghi lại đời sống quanh khu vực này mà như ông khẳng định là “không phải để dự thi và càng không phải với ý định triển lãm”.
Ông chỉ muốn lưu giữ lịch sử, bởi hôm nay chỉ đơn giản là quá khứ của ngày mai, như cách của các nhà nhiếp ảnh ngày xưa khi đưa máy lên chụp những tấm hình tư liệu có mấy ai nghĩ rằng mình sẽ dự thi hay triển lãm đâu.
Ảnh Tam Thái đẹp không phải theo nghĩa của sắc màu rực rỡ hay dàn dựng công phu mà phần lớn như những tác phẩm ảnh báo chí, chở theo những trăn trở của chính ông về phận người, về thời cuộc.
Như tác phẩm Khoảng cách, ông viết “Từ chiếc Mercedes bóng loáng bên này đường đến người công nhân bên kia là 50m. Đó là khoảng cách xa gần, đo được bằng thước tấc. Còn khoảng cách giàu nghèo là bao nhiêu?
Có lẽ đến cuối đời, người công nhân kia cũng chưa thể là chủ nhân của chiếc xe bóng bẩy này”. Hay như tác phẩm Lạc bước chân quê là câu chuyện ông lão bán vé số thọt chân, quê Bình Định, có bốn con gái đều lấy chồng nghèo nên ông phải tự chống chèo kiếm sống.
Như một chứng nhân lặng lẽ bên đời, tập sách ảnh và triển lãm của Tam Thái được ông xem như một sự tri ân của một lưu dân Quảng Nam đối với tiền nhân. Trong bản viết tay của mình, Tam Thái thể hiện: “Tôi không chụp bằng chiếc máy ảnh của Nhật Bổn mà còn bằng đôi mắt của một lưu dân Quảng Nam đã dừng chân ba phần tư cuộc đời trên vùng đất này. Và chụp với cả nhịp thổn thức của con tim”.
Chẳng thế mà mỗi bức ảnh bất kể kích thước tại triển lãm Sài Gòn, 9.000m2 phản chiếu đều được Tam Thái bán với giá hai triệu đồng và dùng số tiền thu được để mua xe đạp tặng trẻ em vùng cao.
Phạm Thành Nhân