Có một Sài Gòn như thế…

11/09/2018 - 05:50

PNO - Tác giả cuốn sách là một trong những người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Ông cũng là người đã nói lời đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn, công bố Sài Gòn được giải phóng.

Sài Gòn - Có một thời như thế (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) là những ghi chép, tản mạn về Sài Gòn - TP.HCM giai đoạn 1954-1975 của một chứng nhân - kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái.

Có một Sài Gòn được ghi chép qua từng giai đoạn cụ thể: từ Sài Gòn Ngô Đình Diệm (1954-1963) đến Sài Gòn của những năm xáo trộn (1964-1972) rồi Sài Gòn hồi kết cục (1973-1975). Mọi thứ đều đã là quá khứ nhưng không là tro tàn. Đời người mất còn, nhưng ký ức vẫn ở lại cùng năm tháng. Đọc sách của Nguyễn Hữu Thái, độc giả một lần nữa có được hình dung cụ thể, chân xác từ góc nhìn của người trong cuộc.

Co mot Sai Gon nhu the…
 

Chân dung những người cùng thời cũng được tác giả Nguyễn Hữu Thái viết bằng sự am hiểu và nể trọng: liệt sĩ Quách Thị Trang, các nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Ngô Bá Thành, huyền thoại tử tù Lê Quang Vịnh, họa sĩ đường phố Bé Ký, giáo sư Vũ Văn Mẫu - người cạo đầu phản kháng Ngô Đình Diệm…

Giữa biến động, những không gian văn hóa, giá trị đẹp nhất của Sài Gòn xưa cũng được nhắc đến trong tác phẩm: áo dài cô Ba Sài Gòn, chợ hoa xuân Nguyễn Huệ, các đội bóng nổi tiếng một thời…

“Tôi mơ con đường liên tỉnh đi qua vùng quê nội tôi sẽ yên lành hơn vào những buổi chiều. Những người khách trên xe đò sẽ yên lòng hơn, thanh thản hơn, với chút vui được quay về trú ngụ trong cái đầm ấm của chốn quê nhà. Đêm… trời yên tiếng súng” - mong ước của tác giả, của bao nhiêu người Sài Gòn trước ngày 30/4/1975. Sau tất cả những biến động thời cuộc, chỉ còn lại những ước muốn nhỏ nhoi như thế để thấu rõ giá trị của hòa bình. Và TP.HCM, từ giờ phút lịch sử ấy, đã nối dài những giấc mộng đẹp cho bao người.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI