Nơi góc phố, bên lề đường, bạn có thể bắt gặp hình ảnh những con người cắm cúi làm việc. Có thể đó là một xe nước mía, một người sửa đồng hồ, một chú thợ khóa… Họ - những phận đời - đã được Sài Gòn bao dung trao cho cơ hội sống lương thiện.
|
May dán những đôi giày cũ nhiều năm bên lề đường giúp chú Trương Văn Triều nuôi nấng cả gia đình |
Chuyện chú Triều
Giờ tan sở, giữa hàng ngàn âm thanh hỗn tạp, chú Triều ngồi bên những đôi giày cũ. Công việc đơn giản với chiếc kim dài, vài ba cuộn chỉ, nhưng cần lực của đôi tay. Một anh trung niên ghé lại lấy đôi giày đã gửi lúc sáng. Đôi giày đã được may lại và dán keo chắc chắn phần đế. Một bác lớn tuổi khác ghé vào lấy đôi giày xăng-đan trẻ em, kèm đôi câu phàn nàn: “Loại giày này chắc lắm, mà vô chân mấy đứa nhỏ là không chịu nổi”.
“Nghề này không ai dạy. Tự mày mò mà sống. Cũng thăng trầm dữ lắm. Mấy lần lang thang vì bị giải tỏa. May trời thương, ông chủ nhà cho ké chỗ này, ngồi kiếm đồng ra đồng vào để nuôi con. Giờ đứa lớn chuẩn bị sang Đức du học, đứa nhỏ đang học lớp 12”. Cái gánh nặng mưu sinh như được đặt xuống trong giây lát khi chú Trương Văn Triều nghĩ về tương lai con trẻ. |
Nhìn đường chỉ vàng đều đặn nổi lên dưới đế giày, bác nở nụ cười: “May đến mức này mà nó còn mang đứt nữa thì chỉ còn nước bỏ luôn”. Đưa tay nhận 30.000 đồng tiền công, chú Triều nói: “Cái này mang đến lúc đế mòn thôi chớ không đứt nổi nữa đâu”.
Tấm bảng hiệu “may sửa giày dép cũ”, cắt từ miếng tôn dập phẳng, đặt sát lề đường. Bên trên vỉa hè, lui sâu vào mái hiên nhà là đủ loại giày cũ nằm ngay ngắn - những đôi đốc-tờ vết chân hằn lên cả lớp da, những đôi giày thể thao đầy vết bẩn… “Giày cũ vầy, có ai mua không mà ngày nào chú cũng mang ra mang về cực vậy?” - tôi hỏi.
“Có chớ. Người lao động nghèo mua để đi làm. Không nhiều, nhưng cũng lai rai. Bây giờ “hàng xô” người ta bán nhiều, giá rẻ, nhưng xài không được mấy ngày. Còn mấy đôi này, cũ vậy chớ bền” - chú dừng tay vá giày để giải tỏa nỗi tò mò của tôi.
Cạnh chú là những cuộn chỉ đủ màu. Chất liệu vải jean chắc chắn của chiếc quần không chịu nổi sức tì qua ngày tháng nên rách bươm từ phần đầu gối lên đến đùi - nơi chú đặt chiếc giày lên mỗi lần làm việc. Lớp da nơi hai đầu ngón tay cái và hai ngón trỏ của chú dày đến mức không còn cảm giác. Đó là sự lành lặn qua bao lần rỉ máu vì những vết đâm từ chiếc kim may.
Câu chuyện mưu sinh cũng dần dần hiện lên theo từng đường chỉ. Quê chú ở Sóc Trăng. Hai vợ chồng quần quật mãi mà không dư nổi. Năm 2007, chú lên Sài Gòn, thấy người ta bán giày rồi may may vá vá, chú học lỏm để rồi từ đó đến nay đã 10 năm ngồi bên lề đường.
Và những người sửa quần áo
Câu chuyện mưu sinh của chú Triều, chuyên may sửa giày cũ ở góc đường Âu Cơ, khiến tôi nhớ đến những người may sửa quần áo nơi vỉa hè. Ngồi trước ngôi nhà 436/58 đường Cách Mạng Tháng Tám, góc làm việc của chú Trần Văn Du (SN 1953) gói gọn trong 1m2.
|
Chị Vũ Thị Thái cần mẫn với chồng quần áo lúc nào cũng chất cao |
Không nhìn tôi, chú vừa tỉ mẩn tháo sợi dây kéo chiếc áo khoác màu đã bạc, vừa kể câu chuyện nghề dài hơn một thập niên của mình nơi đất Sài Gòn. Quê Nam Định, xưa làm việc cho Xí nghiệp Dược Quân khu 4 ở Nghệ An và thôi việc năm 1995 vì không đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ công việc.
“Ở quê làm ăn khó khăn, mà con cái thì sáu đứa đang tuổi ăn tuổi học, chú quyết định vào Sài Gòn làm nghề may sửa quần áo”. Đã 13 năm hành nghề, trung bình mỗi ngày chú kiếm được 200.000-300.000đ. “Công việc lề đường vậy chứ giúp chú nuôi nấng các con của mình ăn học đàng hoàng. Giờ nhà có một bác sĩ, một luật sư” - chú kể với niềm tự hào.
Ở tuổi 64, mỗi ngày, chú Trần Văn Du vẫn ngồi bên vỉa hè từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối. Chú bảo: “Nghề này bốn mùa gió sương. Ngày nắng thì đỡ chứ mưa gió thì cực vô cùng. Không dọn kịp sẽ ướt hết đồ của khách”. Nói vậy, chú lạc quan cho rằng ở tuổi “thọ” như chú mà vẫn có việc làm để có thu nhập là hạnh phúc. Chưa kể, lúc nào chú cũng có thể thu vào tầm mắt hình ảnh người đàn bà ngồi ở góc xéo bên kia đường - cô Lê Thị Mai (SN 1968), vợ chú, cũng đang cần mẫn với chồng quần áo. Hỏi dự định tương lai, chú bộc bạch: “Nuôi con học đại học ra trường, có nơi có chỗ, hoàn thành trách nhiệm. Lúc ấy, cô chú sẽ về quê an hưởng tuổi già”. |
Đường Trần Văn Đang, đoạn ngang qua chợ đến bên kia đường ray xe lửa chưa tới 200m mà có đến sáu người may sửa quần áo. Chị Vũ Thị Thái (SN 1976) chia sẻ: “Coi vậy chứ sửa đồ khó hơn may. Nhiều khi gặp “ca khó” cũng bực mình, muốn bỏ quách. Công việc này đòi hỏi sự cần mẫn. Ai nóng tính không làm được đâu”.
Chị kể, những ngày mới làm nghề, đã có lúc phải đền quần áo cho người ta vì không hiểu đúng yêu cầu của khách, cũng có khi ước lượng sai lệch, dẫn đến hụt kích thước, số đo.
Vào Sài Gòn đã 10 năm và có đúng 10 năm làm công việc này, đến nay, chị Thái như chẳng còn nhiều lo lắng khi hai vợ chồng chị đã ổn định cuộc sống, nuôi được hai con ăn học, còn tích cóp mua được căn nhà. Kể về cái duyên gắn bó với nghề, chị nói hồi đó không có điều kiện học hành nhiều, chị chọn học nghề may vá.
“Nhưng ngày đó, ngoài Bắc chưa có nhiều xí nghiệp may như bây giờ nên mình phải đi - đi mà không hề muốn. Giờ Sài Gòn là quê hương rồi, lại không muốn về, chỉ lo làm việc để nuôi con thôi” - chị Thái nói.
Nơi góc đường Trường Sơn, đối diện công viên Lê Thị Riêng, anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1974) đang cắm cúi may để kịp trả đồ cho khách. Một người khách tạt qua, gửi bọc đồ, nói dăm ba câu ngắn gọn rồi đi. Anh thản nhiên nhận lấy bọc đồ đặt bên cạnh mớ bao bọc ngổn ngang chưa xử lý ngay góc làm việc của mình mà không cần mở ra xem quần áo bên trong như thế nào… như thể đã có một quy ước ngầm giữa khách và người thợ mà không phải nói nhiều, cũng hiểu.
“Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi” - anh tâm sự. Là người Sài Gòn, được ba truyền nghề từ nhỏ, đến nay anh Nghĩa đã có hơn 20 năm kinh nghiệm may vá. Nhưng anh không mở tiệm, phần vì không có điều kiện, phần vì thích sự tự do, không gò buộc.
Kể về những vị khách đặc biệt của mình, anh nói: “Có lúc thấy buồn ơi là buồn khi có khách lươn lẹo - giả vờ quên mang theo tiền rồi một đi không trở lại. Nhưng cũng có những người thấy mình làm việc trên nắng dưới nóng nên thương, trả thêm tiền”.
Chỉ vào chỗ đang ngồi - ngay bên lề đường, tựa lưng vào cây cột điện, rồi quay lưng lại, anh chỉ người phụ nữ trong căn nhà phía sau: “Có được chỗ này để ngồi may cũng nhờ cô chủ nhà thương. Hồi trước, cô đặt hàng bán ở đây. Thấy mình bị người ta lấy lại mặt bằng để mở quán ăn, lang thang hoài không tìm được chỗ, cô mới dọn đồ vào trong, nhường cho mình chỗ này mà làm”.
Nhìn sang bên kia, công viên mát rượi cây xanh, anh thở nhẹ: “Nói vậy chớ Sài Gòn không tiệt đường sống của bất cứ ai. Chỉ cần chịu khó thì thế nào cũng sống được”.
Những cái “nghề” không được xem như nghề ấy đã cưu mang bao cuộc đời ở đất Sài Gòn, giúp họ nuôi gia đình, cho những đứa trẻ cơ hội học hành. Đâu đó giữa những góc khuất của Sài Gòn, giữa những dòng xe chưa bao giờ dừng lại, họ vẫn hàng ngày chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời để rồi bình thản mà sống, mà lao động và thụ hưởng thành quả của mình. Hơn ai hết, họ hiểu Sài Gòn vẫn luôn bao dung.
Thu Lê