Có một Sài Gòn cúi xuống những thân phận người

19/06/2019 - 19:30

PNO - Bộ ba cuốn sách 'Sài Gòn một thuở chưa xa' (Bùi Nguyễn Trường Kiên, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) đã khắc dấu một Sài Gòn rất khác.

 Không phải là nỗi lưu luyến về cảnh quan kiến trúc, đô thị; cũng không viết về ký ức, cái đẹp của một “Sài Gòn xưa” như nhiều tác phẩm từng ra mắt; mà đó là một Sài Gòn mưu sinh, một Sài Gòn trong cuộc chuyển mình bước qua thế kỷ mới.

Một tường rêu quá khứ

Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên (lúc ấy công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM) thực hiện các phóng sự được chọn in trong bộ sách này vào những năm cuối thập niên 1990. Đây là mốc thời gian bản lề cho cuộc vươn mình phát triển của “hòn ngọc Viễn Đông”. Giai đoạn ấy, dòng người nhập cư đổ về Sài Gòn mưu sinh ngày càng nhiều, mọi thứ trở nên xô bồ, phức tạp. Ga Sài Gòn ngày ấy, tệ nạn xã hội hoành hành: trộm cắp, cướp giật, cò mồi, xích lô “chém”, ma túy, mại dâm… Vùng ven là những quán “cà phê short” dập dìu thanh nữ. Các công viên cũng phát sinh tệ nạn, giao thông dần trở thành một “trận đồ bát quái”, rồi hình ảnh xe buýt của một thời đầy rủi ro, móc túi, lừa đảo khiến bao hành khách nơm nớp sợ…

Co mot Sai Gon cui xuong nhung than phan nguoi

Những ghi chép thực tế, chi tiết, đã phác họa một diện mạo Sài Gòn sống động cách nay hơn hai thập niên. Một bức tường quá khứ có những mặt trái, tiêu cực đã lùi xa, biến mất. Nhưng cũng có rất nhiều thực trạng đau xót vẫn còn “di căn” cho tới ngày nay. Đó là những cuộc ngã giá bán con, bỏ con; là những cô gái ăn sương với mộng ước đổi đời, những cô gái quê chấp nhận tủi nhục lấy chồng ngoại quốc; là những áo trắng học trò thiêu thân vì ma túy; tình trạng “nhậu tới bến” của một lớp người ăn không ngồi rồi, cho vay nặng lãi, xã hội đen… Phóng sự báo chí, nếu in rải rác, chỉ là góc nhìn phản ánh về một vấn đề trong thời điểm được viết. Nhưng khi tập hợp lại thành một bộ sách, lại chuyển tải hiện thực đời sống của cả một giai đoạn. Sài Gòn Một thuở chưa xa có sức nặng là vì vậy.

Một trong những phóng sự giữ lại khoảnh khắc lịch sử “ngàn năm có một” là Sài Gòn, đêm cuối thế kỷ XX (tập 3). Đó là đêm 31/12/1999 - đêm chuyển giao thế kỷ, cũng là đêm gây ra bao nỗi bất an với sự cố Y2K và tin đồn về ngày tận thế. Sự cố máy tính khủng khiếp ấy đã không xảy ra ở Việt Nam và cả thế giới, nhưng biết bao người đã nghe theo tin đồn thất thiệt mà mua lương thực dự trữ trong nhà. Nhắc về điều này, có lẽ bao cư dân của Sài Gòn ngày ấy sẽ mỉm cười. Đêm ấy, hàng ngàn người tưng bừng ra đường, nhưng cũng có những ngôi nhà đóng cửa chờ… tai họa. Đêm ấy, các y bác sĩ, cảnh sát giao thông đã phải làm việc cật lực, những người mưu sinh ngoài phố cũng tranh thủ làm sáng đêm. Tôi tin, đó là một ký ức khó quên.

Và những mảnh đời

Bạn bè, đồng nghiệp của nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên gọi anh là “nhà báo của những phận người cùng khổ”. Ngòi bút Trường Kiên luôn chọn cúi xuống với những thân phận, những con người cô thế, nghèo khó, tận đáy xã hội. Đâu đó trong dòng chảy của Sài Gòn hôm nay, vẫn thấp thoáng bóng dáng của những thân phận tương đồng với những mảnh đời đã từng được anh ghi chép trong tập phóng sự này. Đó là hình ảnh người công nhân thoát nước mà người trong nghề đã tự gọi mình là “dân móc cống” với bao nguy hiểm, chịu đựng, thiệt thòi. Đó là “những chiếc xe chở mùa màng đi rong”, những cuộc mưu sinh lang thang trên đường phố, của những “Ô-sin thời mở cửa”, người nghèo làm việc khi thành phố chưa thức giấc…

Có những câu chuyện rất cảm động, cũng có những chia sẻ gây giật mình về người và nghề - đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong nhịp sống thường hằng của đô thị. Mỗi bài viết là một câu chuyện nhiều chi tiết, đầy tâm tư và sự chia sẻ của người viết.

“Có một Trường Kiên yêu người Sài Gòn quá đỗi. Yêu, nên trong từng trang viết của anh cứ hiện lên rất rõ, đủ tầng lớp, đặc biệt là lớp ở tận cùng của chốn thị thành. Họ hiện lên trang viết của anh với sự nghèo khổ, lam lũ, chịu thương chịu khó với đủ cách kiếm sống. Nhưng tất cả làm tỏa ra, làm sáng lên sự chân chất, thật thà, đôn hậu, nghĩa tình” - nhà báo Hàng Chức Nguyên nhận xét. Sài Gòn vẫn đang chuyển động không ngừng với tốc độ phát triển mới của đô thị, nhưng trong dòng chảy của nó, vẫn lặng lẽ lớp lớp người người oằn mình trong cuộc mưu sinh, như một sự tiếp nối thế hệ. Đọc để hiểu và cảm thông hơn, rằng trong mỗi lựa chọn của đời người đều có lý do. Mỗi cuộc đời dù cơ hàn, nhỏ bé, thấp hèn đến đâu, vẫn sáng lên những giá trị sống đáng được trân trọng. 

Ai đã quên lời thề Hippocrate?

Ai đã quên lời thề Hippocrate? là tựa một bài phóng sự, in trong tập 2 của bộ sách. Câu hỏi này có lẽ vẫn còn nhức nhối cho đến tận bây giờ. Vấn đề của hai thập niên trước cũng đâu khác gì trong bối cảnh mới. Về những y - bác sĩ chỉ tươi cười khi người bệnh “biết điều”, về cả cách “làm tiền” bệnh nhân của những người đã từng đọc lời thề Hippocrate. Không phải người thầy thuốc nào cũng đánh mất lương tri, nhưng đó cũng là một nhắc nhớ về lời dạy “lương y như từ mẫu”. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI