Có một nơi ăn tết Đoan ngọ... không giống ai

14/06/2021 - 14:55

PNO - Tôi thấy mình thật may mắn khi được ăn tết Đoan ngọ cùng gia đình, khi mà ngoài kia bao người phải căng mình chống dịch, bao người chịu cảnh phong tỏa, cách ly.

Ở vùng quê Cái Hố, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang của tôi, mỗi khi đến tết Đoan ngọ (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), không khí xóm làng rộn rã, thiêng liêng gần như tết cổ truyền.

Người dân quê tôi cũng không gọi dịp này là tết Đoan ngọ mà gọi là tết nửa năm (dù chẳng phải giữa năm), hay gọi đơn giản là "ăn mùng 5".

Từ đầu tháng 4 âm lịch, nhiều gia đình đã chộn rộn và thường tính mốc thời gian gả, cưới, làm lúa... bằng mốc thời gian "trước hoặc sau mùng 5 tháng 5". Ngoài mùng 1 tết nguyên đán thì đây là ngày ba má tôi và những người nông dân khác không ra đồng, chỉ ở nhà cúng và "ăn mùng 5".

Hồi tôi còn nhỏ, sau ngày tết, con nít chúng tôi mê nhất ngày này, bởi đây là dịp chúng tôi được ăn ngon, ăn no, được cho tiền mua bánh và được mặc đồ mới cất từ tết.

Ngay đêm mùng 4, bọn con nít thường ít dám ngủ, vì sợ lỡ chuyến đi "chia thịt heo" với ba má. Trước đây, một năm hai đợt (vào trước đêm giao thừa, và mùng 4 tháng 5 âm lịch) quê tôi có lệ "đổi lúa non lấy thịt heo" (có một gia đình mổ vài con heo và bán cho bà con, sau đó chờ tới mùa gặt lúa thì đổi lại). Ai tới sớm thì được lấy thịt ngon, đúng nhu cầu, ai tới trễ thì chỉ còn nọng, mỡ, thậm chí hết thịt.

Vì vậy, đêm mùng 4 bao giờ cũng rộn rã. Người cầm đuốc, người cầm đèn măng xông, người bưng đèn dầu í ới gọi nhau đi chia thịt. Tờ mờ sáng thì "phi vụ" chia thịt kết thúc. Mọi người lại kéo nhau ra sân nhìn mặt trời.

Đây là tập tục và niềm tin "nhìn mặt trời trong buổi sáng mùng 5 tháng 5 thì cả năm không bị đau mắt đỏ". Vậy là người lớn, trẻ con cứ giương mắt nhìn lên mặt trời. Ai cũng cố gắng không nheo mắt và giữ thật lâu.

Sau màn nhìn mặt trời, con nít chúng tôi được theo má đi chợ còn các anh chị lớn thì ở nhà xay bột để chuẩn bị làm bánh xèo, bánh khọt - món ăn truyền thống, không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên và bữa ăn của gia đình.

Chợ quê ngày mùng 5 đông nghẹt như chợ tết, đi phải chen lấn. Gà, vịt, thịt heo, trái cây... bán dày đặc từ đầu đến cuối chợ. 

Chị Kim Chi, đổ bánh xèo - món truyền thống ngày Tết Đoan ngọ ở An Giang
Chị Kim Chi, đổ bánh xèo - món truyền thống ngày tết Đoan ngọ ở An Giang

Cả tháng nay, tôi đưa hai con nhỏ về quê né dịch bệnh và nao nao chờ ngày "ăn mùng 5", vì đã 20 năm tôi chưa được ăn mùng 5 với đại gia đình. Do thời sinh viên đi học thì ngày này trùng với kỳ thi học kỳ, rồi khi đi làm thì lại đụng lịch gần giỗ của ba tôi, nên tôi chỉ có thể xin nghỉ phép về cúng giỗ ba. Mấy hôm nay, má tôi - 86 tuổi - cứ náo nức vì con gái út về, gia đình sum họp đầy đủ sau gần 20 năm.

Lẽ ra sáng mùng 5 tôi và má đi chợ, nhưng do dịch bệnh nên má ở nhà. Sáng sớm, tôi và chị dâu chuẩn bị đi chợ thì nghe bên nhà út Vị - người em họ, đã rộn ràng tiếng cười nói. Tiếng gọi điện thoại lao xao: "Lên nhà út Vị ăn mùng 5". 

Cũng như xưa nay, chị dâu tôi làm món bánh xèo nhân thịt vịt bằm, bông điên điển và măng tre. Đây là món ăn truyền thống của quê tôi vào ngày mùng 5 tháng 5.

Mỗi nhà có thể thêm những món khác như vịt nấu chao, cà ri, bánh canh, bánh tằm... nhưng không thể thiếu món bánh xèo. Thật sự tôi cũng không biết vì sao bánh xèo, bánh khọt trở thành món ăn truyền thống ngày này. Nhưng má tôi nói vì đây là món ăn quen thuộc của mỗi gia đình mà ngày này là "ăn mừng" tết nửa năm nên bánh xèo, bánh khọt là không thể thiếu.

Mâm bánh xèo, bánh khọt cúng tổ tiên
Mâm bánh xèo, bánh khọt cúng tổ tiên

Má tôi còn kể, trước đây, ngày mùng 5 nội tôi và hàng xóm rủ nhau quết bánh phồng y như ngày tết cổ truyền. Các anh chị tôi và những người có nhà riêng thì cúng sớm rồi chia ca "sáng về nội, chiều về ngoại". Và nhà tôi chiều nào cũng tụ họp đông đủ, ăn uống như bữa cơm tất niên chiều 30 tết.

Mấy thập kỉ qua, đến ngày này, bà Tám, 86 tuổi cúng tổ tiên ngày Mùng 5/5
Mấy thập niên qua, đến ngày mùng 5 tháng 5 là bà Tám cúng tổ tiên 

Khi lên TPHCM học và làm việc, tôi vẫn luôn đặt mua bánh xèo và các cháu, anh chị em bà con tụ tập cùng ăn. Có một điều khác biệt dịp tết Đoan ngọ ở quê tôi so với vùng miền khác là không có món bánh ú tro hay bó lá treo trước của để xua đuổi tà ma. Mùng 5 tháng 5 ở quê tôi là ngày mừng tết nửa năm và dịp để gia đình đoàn viên, sum họp sau những tháng cày bừa, làm lụng vất vả.

Sau 20 năm, được ăn tết mùng 5 cùng với má, cùng gia đình lớn, tôi thấy mình thật may mắn. Ngoài kia, bao người phải căng mình chống dịch, bao người chịu cảnh phong tỏa, cách ly, tôi đang có một mùa "ăn mùng 5" không thể nào quên.

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI