“Tôi đã từng bước, từng bước bước tới bằng 2 bánh của chiếc xe lăn, để rồi đến hôm nay, tôi thực sự xem đây là ngôi nhà của mình. Năm nay là năm thứ 12 tôi sống và làm việc tại Nhà May Mắn, dù lúc bắt đầu, tôi chỉ xin phép ba mẹ đi 2 năm rồi về. Tôi đã hồi sinh tại đây và sống cuộc đời rực rỡ theo cách của mình” - chị Nguyễn Thị Lệ Quyên nói.
Cuộc gặp định mệnh
11g trưa, khi tiếng chuông báo giờ học kết thúc, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Quyên trong bộ đồ thể thao, chậm rãi lăn chiếc xe đưa mình về phía cuối dãy phòng học. Quyên dừng lại đối diện bức tường. Gọn trong lòng bàn tay trái của cô là quả bóng cao su màu xanh lá và trên tay còn lại là chiếc vợt. Quyên ném quả bóng trong tay lên và chiếc vợt trên tay còn lại đánh quả bóng về phía bức tường.
Khi quả bóng đập vào tường, nảy trở ngược lại, 2 bánh xe lăn của Quyên liên tục di chuyển. Vợt trên tay cô sẵn sàng đón lấy và đập quả bóng trở lại tường. Quyên cho biết, cô luyện tập môn bóng quần (rackquet ball) để chuẩn bị cho trận thi đấu giao hữu. Nhìn Quyên trên chiếc xe lăn và những nụ cười tràn đầy năng lượng, chúng tôi tự hỏi, sức mạnh nào đang có bên trong cô gái khuyết tật đôi chân ấy.
15 năm trước, khi đang là sinh viên năm hai ngành giáo dục mầm non tại Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, trong một lần về thăm nhà, Quyên bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống và liệt tủy.
“Tôi hoài nghi, chán nản cùng cực khi nghĩ rằng cuộc đời mình đã chấm hết. Nhưng khi tôi như vậy, cả gia đình đều đau đớn. Và khi biết mình đau một mà cha mẹ chịu khổ đến mười, tôi quyết tâm sẽ làm điều gì đó để thay đổi tình hình. Nghĩ được đến đó, khát khao được sống một cuộc đời bình thường trỗi dậy bên trong tôi, vô cùng mạnh mẽ” - Quyên nhớ lại.
Quyên mất 2 năm để tập thích nghi với cuộc sống mới với sự đồng hành của gia đình. Chị gái mua cho Quyên cái máy vi tính với mong muốn em gái sẽ học tin học văn phòng, chuẩn bị cho một công việc phù hợp trong tương lai. Thời gian ở nhà vừa học vừa tập thích nghi, Quyên bắt đầu tìm hiểu về cộng đồng người khuyết tật và để tâm nhiều hơn đến một nơi có tên gọi Nhà May Mắn.
Những phản hồi tích cực về nơi này thúc đẩy cô nộp hồ sơ vào Nhà May Mắn, xin học thiết kế đồ họa trong 2 năm. Nhưng Quyên chờ mãi không thấy phản hồi, vì thời điểm đó, hồ sơ gửi về Nhà May Mắn rất đông. Thông qua những kết nối từ cộng đồng, Quyên biết mẹ Tim (cách những người ở Nhà May Mắn gọi bà Aline Rebeaud) - người khai sinh Nhà May Mắn - có chuyến công tác ở Nha Trang. Quyên lấy hết can đảm gọi điện thoại cho mẹ Tim, xin một cuộc gặp mặt.
Cô kể lại về cuộc gặp gỡ diễn ra cách đây mười mấy năm: “Quyên đã rất hồi hộp vì sợ rằng, sự bất đồng ngôn ngữ khiến mình không đủ sức thuyết phục mẹ Tim. Nhưng ngược lại, tôi hạnh phúc không thể tả. Mẹ Tim nói tiếng Việt như người Việt và nói Quyên có thể đi cùng bà về Nhà May Mắn”.
Quyên cho hay, ở Nhà May Mắn mỗi ngày sống và luyện tập, làm việc cùng với những người đồng cảnh, cô nhận thấy họ quá phi thường vì có thể làm mọi thứ. Như anh Nguyễn Văn Lâm - giáo viên dạy tin học cho những đứa trẻ ở Nhà May Mắn. Tai nạn khiến anh chấn thương cột sống, nhưng nặng hơn Quyên, khi anh liệt cả tứ chi. Nhưng nhờ kiên trì rèn luyện, sau 2 năm, những ngón tay còng queo, yếu ớt của anh đã có thể gõ văn bản với tốc độ của một người bình thường. Hiện nay, ngoài công việc của một giáo viên tin học, anh còn có 1 cửa hàng nho nhỏ ở Làng May Mắn. Sau giờ lên lớp, anh cùng vợ livestream bán hàng để có thêm thu nhập.
Ngay khi đến Nhà May Mắn, ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, Quyên được mẹ Tim đăng ký cho theo học chứng chỉ quản lý giáo dục mầm non tại Trường đại học Sư phạm TPHCM. Việc quay trở lại trường học đã giúp Quyên tìm lại cảm giác tự tin, để sau khi hoàn thành khóa học, cô quay về Nhà May Mắn, xung phong phụ trách quản lý khối học sinh mầm non và chuyên biệt.
“Tôi đã hồi sinh tại đây và sống cuộc đời rực rỡ” - Quyên nói và mở cho chúng tôi xem những bức ảnh cô chụp được trong chuyến du lịch gần nhất. Đó là những bức ảnh cô hạnh phúc khi băng qua trùng điệp núi đồi ở Hà Giang hoặc “quẩy hết nấc” ở đất nước Thái Lan xa xôi trên chiếc xe lăn.
Mái nhà chung của những phận đời bất hạnh
Như một bài học được dạy thường xuyên, hễ có khách đến thăm, những học sinh đang theo học tại Nhà May Mắn (số 38D đường 18B, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM) dù đang làm gì cũng đều dừng lại, lễ phép cúi chào. Hiên và Hoa - cặp chị em sinh đôi giống nhau như đúc ở lớp Một cũng theo các bạn chạy ra chào người lạ.
|
Nguyễn Thị Lệ Quyên (phải) du lịch khắp nơi trên chiếc xe lăn của mình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
12 tuổi mới vào lớp Một nên Hiên - Hoa cao vượt hẳn so với các bạn. “Con có tên rồi. Con là Hoàng Ngọc Hoa, còn chị là Hoàng Ngọc Hiên” - Hoa rạng rỡ khoe. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô giáo phụ trách liền giải thích: “Cách đây 4 tháng, khi được công an đưa vào Nhà May Mắn nhờ nuôi dưỡng, Hiên và Hoa không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, cũng chỉ bập bẹ vài từ tiếng Việt. Mới đây, mẹ Tim mới đi làm thủ tục cho 2 con, quyết định cho 2 con lấy họ của mẹ làm họ của mình”.
Hiên - Hoa là 2 đứa trẻ bị chăn dắt làm nghề ăn xin. Một chiều, không còn chịu nổi đòn roi của đám người chăn dắt, Hiên - Hoa cùng nhau tháo chạy thì được công an giải cứu và đưa vào Nhà May Mắn. 2 chị em được xếp vào lớp Một, bắt đầu học từng chữ cái. Có vẻ như cuộc sống hoàn toàn khác đã mở ra cho 2 cô gái nhỏ. Hoa cười tít mắt khoe: “Con muốn ở đây hoài. Ở đây vui, có đồ ăn đầy đủ, có nhiều bạn chơi nữa”.
Nhà May Mắn hiện nuôi dưỡng hơn 250 đứa trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, thiếu thốn tình thương. Các em được tạo điều kiện học tập, được miễn phí chỗ ăn, ở, được chăm sóc y tế. Ngoài các bé này, trường tiểu học của Nhà May Mắn cũng nhận những học sinh ngoài cộng đồng nhưng hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để theo học các trường công lập bên ngoài hoặc những đứa trẻ quá tuổi đến trường vì không thể làm giấy khai sinh. Sau khi học xong bậc tiểu học ở đây, Nhà May Mắn sẽ hỗ trợ tìm học bổng ngoài để các em có thể học tiếp.
Tất cả các thành viên tại đây, dù là trẻ mầm non, tiểu học hay những người đã trưởng thành, có gia đình đều gọi Aline Rebeaud bằng cái tên chung rất thân thương: mẹ Tim, với nghĩa Trái tim; bởi với họ, cô chính là người mẹ thứ hai đầy yêu thương.
Năm 1993, dừng chân tại TPHCM trong một chuyến du lịch vòng quanh thế giới khi vừa bước sang tuổi 20, Aline Rebeaud - cô gái người Thụy Sĩ - đã bắt gặp một bé trai mồ côi đang cận kề cái chết vì bệnh tim tại một bệnh viện tâm thần. Cô gái trẻ quyết tâm cứu sống cậu bé nên đã xin đưa cậu về để điều trị, chăm sóc. Từ cuộc gặp gỡ này đã dẫn Aline đến việc thu nhận thêm nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự. Cô thuê nhà tại quận Bình Tân để nuôi những đứa trẻ và đặt tên là Nhà May Mắn với mong muốn mang lại những điều may mắn cho người khác. Trong vai trò một người mẹ, người y tá, nhà giáo và nhà quản trị để điều hành Nhà May Mắn, Aline được mọi người gọi là Tim. Qua 30 năm thành lập và hoạt động, Nhà May Mắn không chỉ là mái ấm dành cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, người khuyết tật mà đã trở thành khu phức hợp nhà ở, trường học, trường đào tạo nghề dành cho 700 phận đời kém may mắn, người khuyết tật và gia đình của họ. Tim cũng đã xây dựng một mạng lưới hỗ trợ cho Nhà May Mắn tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc. |
Thu Lê