Một thời, trên sông nước, những người cầm lái tàu lớn luôn tự giác giảm ga để tránh sóng cho ghe xuồng nhỏ xung quanh; thậm chí tắt máy khi thấy xuồng ghe nhỏ chở nặng hoặc đông người.
|
Giá trị nhân văn của dân tộc vẫn được cộng đồng cư dân gìn giữ trong những việc tưởng như rất nhỏ bé, bên ngoài gánh nặng áo cơm |
Phải chăng ngày nay, văn hóa giao thông sông nước và tính nhân văn người miệt vườn đã chết? Câu chuyện từng khiến những con người nhân hậu phải kinh hoàng khi biết ở Cần Thơ, có vụ đòi được tiền công mới chịu cứu học sinh chết đuối.
Mướn chiếc ghe nhỏ của chị Mặn từ bến Ninh Kiều, chúng tôi đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Đã nhiều năm rồi, chúng tôi không có dịp đi ghe trên sông nước miền Tây. Hôm đó, không hề gặp một tai nạn đường thủy nào; nhưng cái tai họa lớn hơn mà chúng tôi bắt gặp là cái chết của văn hóa giao thông đường thủy đã được nuôi dưỡng qua bao đời của người dân miệt sông nước.
Chị Mặn đưa đò sợ ra mặt mỗi khi có tàu hoặc ghe lớn gầm rú, liên tục xô sóng lướt tới. Chỉ trong một chặng thủy lộ ngắn, chị đã phải nhiều lần đưa mũi ghe cắt ngang, nhảy trên những con sóng dữ để đám khách chúng tôi được an toàn.
Nhìn cảnh “sống chết mặc bây” của những hung thần thủy lộ mang bảng hiệu các công ty du lịch nổi tiếng, các tàu hàng lớn của nhà nước và tư nhân thời thị trường hôm nay, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi hồi tưởng về một thuở chưa xa...
Ngày ấy, trên cả miệt sông nước rộng lớn này, những người cầm lái tàu lớn luôn tự giác giảm ga khi thấy ghe xuồng nhỏ xung quanh. Có khi thấy ghe xuồng nhỏ chở nặng hoặc chở đông người đưa đám tang, rước đám cưới, đám giỗ... họ còn lịch sự tắt cả máy tàu để giảm cường độ sóng.
Có thể hành vi đòi tiền mới chịu cứu người chỉ là trường hợp cá biệt. Nhưng không thể không nghĩ đến giá trị lớn về tính nhân đạo trong việc cứu người của cư dân miệt sông nước đã bị những biểu hiện tham lam của thời thị trường tha hóa.
Khi luật pháp thiếu công minh, khoảng cách giàu nghèo quá cách biệt thì người bình thường thật khó tránh khỏi lao vào cuộc kiếm tiền hoang dã mà quên mất những giá trị đạo đức, nhân văn.
Những người từng sống ở miệt sông nước đồng bằng lục tỉnh hẳn còn nhớ, thời ấy, người ta vẫn nhìn thấy cảnh nửa đêm ánh đuốc của các căn nhà lá nghèo bên bờ bỗng sáng rực và cơ man nào là xuồng ghe cứu nạn vung mái chèo, băng băng lướt trên sông đêm hướng về nơi có tiếng kêu cứu của những xuồng ghe gặp nạn.
Ngày đó, từng mạng người thương hồ trên sông nước được những người dân lành cùng cảnh nghèo khổ coi trọng như người thân ruột thịt.
Cách sống thượng tôn và gìn giữ giá trị nhân đạo, nhân văn truyền đời đã đắp bồi nên thiện tánh và phẩm hạnh người dân miền sông nước. Nếu tinh thần trọng nghĩa khinh tài của cộng đồng dân cư này đứt mạch, điều có thể đoán được là sự tàn lụi văn hóa - văn minh của dân tộc.
Một ngày đầu tháng Sáu, chúng tôi đi dưới cái nắng gay gắt trên đường Nguyễn Tri Phương, chợt bắt gặp một thùng nước uống với biển đề: "Trà đá miễn phí". Chúng tôi nhớ, lễ hội Chùa Bà Bình Dương và một số nơi khác cũng có nhiều thứ nước uống, thức ăn miễn phí được cộng đồng địa phương tự nguyện phục vụ bá tánh thập phương.
Anh bạn nhạc sĩ trong nhóm kể lại chuyện anh đi đường, gặp hai người bạn trẻ quê miền Bắc vừa vào Sài Gòn tìm việc. Họ đứng ngại ngần trước thùng trà đá miễn phí bên vệ đường. Nhạc sĩ biết dưới sức nóng kinh khủng của Sài Gòn mùa hè, hai người bạn trẻ đang rất khát nước, nhưng họ lại không dám tin vào cái miếng giấy viết dòng chữ trà đá miễn phí, dù chồng ly loại dùng một lần đã vơi nhiều nằm ngay cạnh bên.
Người nhạc sĩ hiểu ý, tự tay lấy nước mời hai bạn trẻ. Sau khi uống đã khát, hai người bạn vẫn chưa chịu rời đi. Dường như họ muốn chờ xem người nhạc sĩ liệu có lấy tiền ra trả hay không. Khi thấy anh bạn nhạc sĩ không hề trả tiền mà quay lưng bỏ đi, họ còn đứng đó một lúc với vẻ mặt ngẩn ngơ.
Chúng tôi không hề mơ hồ khi mong chờ một ngày nào đó, dù gần hay xa, người dân Việt Nam luôn sẵn sàng cứu giúp người không vụ lợi, cũng như trên khắp các nẻo đường lại xuất hiện những thùng nước miễn phí, những gia chủ dọn chỗ nghỉ tạm qua đêm và nấu bữa cơm cho người cơ nhỡ...
Có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng sẽ nuôi dưỡng các giá trị nhân văn cho cả một dân tộc, trở thành sức mạnh chấn hưng nguyên khí quốc gia, để chúng ta bước đi vào tương lai như những con người tử tế và nhân hậu.
Khi chúng ta tự thoát khỏi bóng tối của vật chất, sự trói buộc của áo cơm để sống bằng tinh thần tương thân tương ái, thì sự phục hưng các giá trị nhân văn cao thượng của dân tộc sẽ là điều hiển nhiên.
Trần Tiến Dũng