Đó là những gì mà điện ảnh bưng biền đã làm được.
Khi nghệ sĩ cũng là chiến sĩ
Thành lập tại ấp Tân Hòa, xã Nhân Hòa Lập, H.Mộc Hóa (tỉnh Long An) vào ngày 15/10/1947 theo quyết định của Bộ Tư lệnh Khu 8, tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 đã tập hợp một đội ngũ yêu thích điện ảnh như Khương Mễ, Mai Lộc, Lưu Văn Phái, Lý Cương, Nguyệt Hải… làm nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh chân thật, sinh động về bộ đội cách mạng, nhằm tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
|
Những hình ảnh tư liệu quý trong phim Trận Mộc Hóa |
Thời ấy, vào chiến dịch, các nhà quay phim được điều đi khắp chiến trường, xông pha trận mạc, để ghi lại hình ảnh các trận đánh lớn, những khoảnh khắc mừng chiến thắng của bộ đội ta, hay cảnh đời sống quân dân vùng kháng chiến, tố cáo kẻ thù…
Những thước phim từ chiến trường, sau đó được dựng trong hoàn cảnh thiếu thốn, giữa vùng phèn chua nước mặn. Ngày tác phẩm hoàn thành và công chiếu đã trở thành ngày hội của quân dân ta, tạo niềm tin về thắng lợi của cách mạng.
Điện ảnh Nam bộ thời chiến đã có bốn người hy sinh, hai bị thương, một bị địch thủ tiêu và ba người bị địch tra tấn dã man, giam cầm gần một năm tại trại Phú Lâm. |
Phim tài liệu kháng chiến đầu tiên của Việt Nam do Điện ảnh Khu 8 thực hiện - Trận Mộc Hóa - chỉ hơn 10 phút, nhưng là cả hành trình vào sinh ra tử của Mai Lộc, do đạo diễn Khương Mễ thực hiện hậu kỳ. Phim khắc họa trận đánh của bộ đội ta từ phục kích, xung phong, bắt giải tù binh, thu chiến lợi phẩm…
Để làm được điều đó, đạo diễn Mai Lộc phải nghe bộ tư lệnh bàn chiến thuật công đồn, theo chân đại đội trưởng Hai Nhỏ giáp mặt với tên đồn trưởng Bertrand đang tái mặt giơ tay đầu hàng vì lọt vào ổ phục kích của một đại đội thuộc tiểu đoàn 307, cầm máy chạy theo bộ đội truy đuổi địch, mặc cho địch nhả đạn xối xả hai bên đường…
Phim tài liệu Chiến dịch Sóc Trăng của tổ xi-nê Khu 9 là lần ra trận đáng nhớ của hai nhóm làm phim Nguyễn Thế Đoàn và Thanh Trước; trong đó, ông Đoàn quay được những hình ảnh chiến sự quý giá khi một đoàn xe địch từ từ tiến tới, bỗng súng nổ dữ dội, rồi bộ đội lao lên, cảnh quân giặc rút chạy, xe giặc bốc cháy, xác giặc bên đường…
Cái khó không bó nhiệt tình cách mạng
|
Một cảnh trong phim Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè |
Khó có thể hình dung được những khó khăn khi phải hoàn thành những thước phim ở một nơi không điện, nước bị nhiễm phèn mặn như vùng Đồng Tháp Mười.
Để có nước đá làm lạnh thuốc tráng phim phải băng những chặng đường nguy hiểm, giả dạng người đi câu, bơi xuồng ra nhà dân nhờ người ra chợ mua; muốn ướp thuốc lạnh suốt thời gian tráng phim dài nửa giờ phải đóng thùng gỗ to rồi đặt chậu vào thùng chèn nước đá xung quanh; chế máy in phim từ máy quay Kodak cũ và in phim dưới ánh mặt trời, đèn măng-sông…
Quá trình làm phim cũng lắm gian nan. “Chiếc máy 16 ly đầu tiên bị rớt xuống sông trong một đợt phục kích, bị hỏng. Tổ in tráng vừa hoàn chỉnh việc thiết kế thủ công thì bị Pháp nhảy dù lấy hết phim, máy móc; phải làm lại từ đầu” - bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - nhớ lại lời kể của các nghệ sĩ lão thành.
Bù lại, những bộ phim ra đời trong giai đoạn này như Trận Mộc Hóa (1946), Trận La Ban (1948), Binh công xưởng Khu 8 (1949), Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè (1950)… đều nhận được sự tán thưởng của khán giả trong, ngoài nước.
|
Quay phim thời chiến |
Nữ đạo diễn Xuân Phượng, người từng có mặt trong chuyến đến Pháp dự Liên hoan phim Amiens 1997 - một trong năm liên hoan phim quốc tế lớn nhất ở Pháp lúc bấy giờ, đã kể lại sự ngạc nhiên và thán phục của hải quan Pháp khi nhìn thấy phương tiện hành nghề thô sơ, cũ kỹ mà đoàn Việt Nam mang qua: “Họ đã không nén nổi tò mò khi nghe chuyện về những chiếc hộp sắt gỉ nát, xám xịt, bên trong đựng những cuộn phim kéo theo những túi gạo rang chống ẩm, từ chiếc máy quay phim Paillard Bollex 16mm dây cót đã mòn vẹt, cũ kỹ. Cuộc kiểm tra lúc đầu hơi căng thẳng đã trở thành một cuộc đưa tiễn ra tận cửa sân bay, có nhân viên hải quan giúp gói lại hàng, đẩy giúp các xe đồ đạc”.
70 năm đã qua, điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng điện ảnh bưng biền vẫn là dấu mốc chói lọi không thể quên.
Điện ảnh bưng biền: Dấu son không quên
Ngày 15/10, tại TP.HCM, đã diễn ra cuộc họp mặt kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Nam bộ (15/10/1947-15/10/2017) do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức. Buổi gặp gỡ là dịp để những người làm điện ảnh Việt Nam ôn lại những kỷ niệm trên chặng đường 70 năm phát triển, với dấu mốc là sự ra đời của tổ Nhiếp - Ðiện ảnh Khu 8 - cái nôi của điện ảnh bưng biền Nam bộ.
Hai tác phẩm tài liệu: Trận Mộc Hóa, Một năm Filatop ở Việt Nam đã được trình chiếu mở màn bên cạnh phần trưng bày hiện vật và hình ảnh Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng.
|
Hương Nhu