Khi những loài cây cho bóng mát đô thị “lên bàn” tranh cãi sau sự cố bật những gốc phượng, thì mùa sấu vẫn nhẹ nhàng về trên phố Hà Nội. Trái sấu rụng sau cơn mưa lấn quấn dưới nhát chổi của người quét đường, lổn nhổn trong những chiếc rổ bà nội trợ đem phơi chuẩn bị làm nước sấu dầm.
“Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng”
Trong các chợ lớn chợ nhỏ, mẹt sấu xanh non được đẩy ra phía ngoài sạp rau như món hàng “đinh”. Rất nhanh chóng, sấu theo xe đò lẫn máy bay vào TP.HCM. Những chú người miền Bắc cùng chiếc xe có hai sọt sấu di chuyển dọc những con đường khu dân cư đông người Bắc như khu K300 Tân Bình, khu Nghĩa Phát, Bắc Hải, chợ Hoàng Hoa Thám… Sấu Hà Nội ở Sài Gòn có một lượng fan hùng hậu và gắn bó bền lâu, khiến nhiều thứ trái đặc sản vùng miền phải ganh tỵ.
Bởi vì, có một cộng đồng những người đang có mặt tại Sài Gòn liên quan Hà Nội theo cách nào đó, dù họ có thể không phải người gốc Bắc. Đi học đại học, đi công tác hay du lịch thủ đô… họ từng "va" phải những món ăn thanh dịu từ trái sấu trong hàng quán, trong bữa cơm nhà bạn bè. Họ từng ngồi cà phê hay chạy xe qua rồi phải lòng hàng sấu cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Điện Biên Phủ… Hoặc có khi chỉ là vương vấn câu hát của nhạc sĩ Trọng Đài: Hà Nội ơi xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm/ Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng mà có cảm tình với một loài cây ở xa tít cả 2.000 cây số.
Những người đàn ông hái trái sấu - ẢNH: INTERNET
Cùng thời với cây phượng vĩ, bàng và sọ khỉ du nhập vào Đông Dương, cây sấu được người Pháp mang từ Thái Lan sang Việt Nam trồng trên vỉa hè và sân công sở. Sấu là loài bán rụng lá, trời vừa hết lạnh thì cây trút lá, rải cả thảm vàng dưới chân tạo nên cảnh sắc mùa thu ôn đới ở nhiều trục đường Hà Nội.
Nhưng lá già chưa rụng trơ cành, thì cây nhanh chóng đâm chồi nảy lộc rồi nở hoa. Từ hoa tới quả chỉ một hai tuần, đến mức nhà thơ Xuân Diệu ngỡ ngàng: Mấy hôm trước còn hoa/ Mới thơm đây ngào ngạt/ Thoáng như một nghi ngờ/ Trái đã liền có thật.
Sấu miền Bắc là loài cây bền bỉ với khả năng kháng sâu bọ và chịu đựng thời tiết bốn mùa tốt. Cây có thể cao tới 35m, đường kính hơn 1m, màu lá xanh, tán lá rất dày nên cho bóng mát lý tưởng. Gốc cây sấu có bạnh lớn, tạo thế bám chắc vào đất nên ít gãy đổ, rất thích hợp làm cây xanh đô thị, làm mềm mại các khối bê tông và giảm nắng nóng.
Nhiều người nghĩ chỉ đất phù sa sông Hồng như Hà Nội mới trồng được sấu nhưng thực tế, sấu có mặt ở rất nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tây, Vĩnh Phú, Lạng Sơn… Cây sấu được cho là cổ thụ nhất hiện đứng ở rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), là một trong ba cây gỗ lớn nhất hút khách tham quan của cánh rừng này.
Ở miền Nam, cây sấu ít hơn, rải rác trong những cánh rừng miền Đông Nam Bộ, thường được biết đến với cái tên long cóc. Sấu miền Nam không đơm hoa kết trái, có lẽ do thổ nhưỡng và thời tiết không phù hợp. Sau này, khi phong trào trồng cây sân thượng lên cao, nhiều người mua sấu trong chậu lớn về chăm sóc thì cây sấu có cho hoa, trái nhỏ.
Năm 2015, khi TP.HCM cải tạo tuyến đường Trường Sơn, cửa ngõ thành phố nhìn từ sân bay, đã có ý kiến đề xuất trồng cây sấu tạo bóng mát và gợi kỷ niệm về thủ đô. Tuy nhiên, phương án này sau đó không thành hiện thực.
Cách đây không lâu, ở các tỉnh phía Bắc còn có trào lưu gây trồng cây sấu để bán cho thương lái Trung Quốc. Theo lý giải của chính quyền địa phương thì người Trung Quốc mua cả cây sấu nhiều năm tuổi để trồng chỉnh trang đô thị chứ không chỉ lấy quả hay lá làm thuốc (sấu là loài cây có quả, lá và vỏ thân chữa khá nhiều bệnh trong Đông y).
Hà Nội giữa lòng Sài Gòn
Ở Sài Gòn, mùa sấu tới cùng mùa mưa, thời tiết mát mẻ, thơ mộng, kéo theo nỗi nhớ quê của người Bắc nhập cư, cũng là một yếu tố thuận lợi để thị trường ẩm thực quanh trái sấu sôi động. Không chỉ ăn cho đỡ ghiền, còn có người ăn cho “đỡ nhớ”.
Trước đây, muốn ăn sấu, gần như chỉ mua được ở các cửa hàng thực phẩm Hà Nội. Sấu ở những nơi này theo máy bay vào nên có giá khá cao. Tuy nhiên, trái sấu xanh để cả tuần không hỏng cũng ít giập nát nên có thể đi đường xa mà không ảnh hưởng chất lượng.
Người nội trợ Sài Gòn còn học cách người Hà Nội giữ trái sấu quanh năm bằng cách đông đá, cất trong tủ lạnh. Trái sấu xanh thường rộ từ tháng Sáu tới tháng Tám, chính giữa mùa hè. Sang thu, sấu sẽ chín vàng, ngọt hơn nhưng khó bảo quản hơn.
Sấu hái xong, được bày bán ngay dưới gốc cây
Món ăn với sấu, “hoang dã” nhất là chấm muối cắn, bất chấp vị chua. Siêng hơn thì cắt sấu thành lát, thành khoanh trộn với đường. Vào mâm cơm, món đơn giản nhất là sấu dầm nước rau muống luộc. Bỏ chừng 3-4 trái sấu vào nồi nước rau đang sôi, khi ăn giằm trái sấu chín mềm ra. Tô nước rau muống luộc khi ấy chua nhẹ, rất kích thích vị giác. Món phổ biến khác sang hơn là sườn non nấu sấu. Người ta thống kê khoảng 30 món ăn cùng cơm từ sấu, nhưng món có “phổ rộng” cả ở gia đình lẫn hàng quán thuộc về một món nước, đó là nước sấu đá. Nước sấu cùng với nước bột sắn là một bộ đôi giải nhiệt của mọi quán ăn uống của người Bắc ở Sài Gòn. Sau này hiếm bột sắn nguyên chất, trong khi sấu rẻ lại không thể làm giả nên được ưa chuộng hơn.
Người Sài Gòn đi Hà Nội thường cất công vào Hàng Đường, Hàng Than trong phố cổ để mua vài hũ ô mai sấu làm quà. Người thân bạn bè ngoài Bắc cũng yêu thương gửi ô mai vào cho người Sài Gòn ăn đỡ nhớ.
Ít ai biết, lá sấu cũng có thể đem xào hay trộn gỏi như một loại rau. Trẻ em thời đói khổ thường trèo sấu lấy lá chấm muối ăn như một món vặt. Lá sấu thơm, có vị chua nhẹ, nấu cùng một số món canh sẽ cân bằng và thanh vị gần giống như người miền Nam nấu canh với lá me hay lá giang.
Cây sấu trút lá, rải cả thảm vàng dưới chân tạo nên cảnh sắc mùa thu ôn đới ở nhiều trục đường Hà Nội
Điểm trừ duy nhất của trái sấu là chưa có cách thu hoạch nào hiệu quả ngoài việc phải trèo lên hái thủ công. Đó là lý do miền Bắc có hẳn một nghề, là nghề hái sấu. Ở quê, người mua thường “bao” luôn cả cây và khi có trái thì thuê nhân công buộc bao tải lên lưng, trèo lên hái.
Người dân xung quanh thường gọi vui các anh trèo sấu là “người nhện” bởi những động tác thoăn thoắt trèo lên cây rồi đu mình trên cành ngọn mà không cần bảo hộ. Chỉ với bộ đồ nghề đơn giản gồm: bao tải, dây thòng dọc và một cây móc, người trèo sấu có thể hái được từ 10-20kg sấu mỗi ngày. Sấu hái xong được bày bán ngay tại gốc.
Những người hái sấu phần lớn đều là dân tỉnh, đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định… Thực ra chẳng có ai là dân hái sấu chuyên nghiệp bởi một năm sấu chỉ cho trái khoảng hai tháng. Việc chính của họ là chạy xe ôm, đánh giày, thợ hồ, khuân vác… mùa sấu tới thì bắt xe lên Hà Nội thuê trọ, nhập nhóm với một số đồng hương khác để hái sấu. Nhờ mùa sấu, họ kiếm thêm tiền gửi về quê nhà.
Trên các tuyến phố Hà Nội, những khu phố tập trung nhiều sấu nhất không thể không kể đến đường Phan Đình Phùng với hai hàng sấu cổ thụ sai quả. Hay những hàng cây sấu non hơn ở xung quanh đường Trần Phú, vườn hoa Lê-nin… Ở những khu này, lực lượng hái sấu không phải trả tiền bao tiêu cây như sấu có chủ trong vườn. Một ký sấu xanh đầu mùa có giá tới 30.000-40.000 đồng nhưng không ít rủi ro.
Hàng sấu trên các tuyến đường thuộc sự quản lý của Công ty Công viên cây xanh. Nếu đơn vị này thuê người hái sấu với sự hỗ trợ của xe thang, xe cẩu và các nghiệp vụ trèo cây, hái trái khác, có lẽ sẽ giảm rủi ro và cũng tránh cảnh sấu rụng lộp độp sau mỗi cơn mưa, làm phiền người đi đường hay người dọn vệ sinh…