Không phải gần đây mới có những nghệ sĩ trẻ “dám” thử sức với nhạc Trịnh. Song có lẽ, chưa bao giờ vào mùa nhạc Trịnh, lại có nhiều dự án của các bạn trẻ công bố như năm nay.
Không chỉ âm nhạc, điện ảnh, hội họa, họ còn kết hợp với nhiều hình thức nghệ thuật đương đại.
Dự án Trịnh Contemporary của rapper mê hip-hop Hà Lê khiến fan nhạc Trịnh cảm thấy “khó tiêu hóa”. Họ cho rằng, nhạc Trịnh là thứ âm nhạc để nghe, để cảm, chứ không phải để nhìn, để nhảy, để quay cuồng. Trước đó, MV Diễm xưa của anh cũng nhận không ít ý kiến trái chiều.
Thế nhưng, rapper này không nản lòng. Cho rằng, “tư duy ca từ và những bản phối của hơn 50 năm trước, vốn đã nhuốm màu cũ kỹ, không còn bắt tai với những người trẻ hiện nay”, Hà Lê đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại, muốn đưa tư duy âm nhạc R&B qua nhiều hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, để mang nhạc Trịnh đến một chiều không gian khác, một “màu Trịnh” khác, một “hồn Trịnh” chinh phục lớp khán giả mới.
|
Giang Trang, Hà Lê, Đồng Lan - những nghệ sĩ đang làm mới nhạc Trịnh Công Sơn theo cách của họ |
Trịnh Contemporary kết hợp âm nhạc với điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh... Nói về cảm hứng đương đại trong dự án, Hà Lê chia sẻ: “Trịnh Contemporary không dừng lại ở cover những ca khúc nhạc Trịnh, mà tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành, từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại. Tôi nghĩ, ngoài góc độ ca sĩ, tôi muốn lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sĩ khác, nhiều hình thức nghệ thuật khác”.
Sắp tới, phiên bản Mưa hồng của Hà Lê kết hợp với Bùi Lan Hương sẽ được giới thiệu tới công chúng. Album phòng thu Trịnh Contemporary dự kiến sẽ trình làng tháng 9/2019 cùng dự án phim ngắn, nhạc kịch, giới thiệu vào cuối năm.
Ngày 1/4 cũng là ngày nữ ca sĩ Đồng Lan ra mắt album Này em có nhớ theo phong cách nhạc jazz, phiên bản song ngữ Việt - Pháp. Đồng Lan không phải là người đầu tiên chuyển ngữ nhạc Trịnh sang ngoại ngữ khác, nhưng “chơi lớn” thành cả album, lại là album theo phong cách jazz kén khán giả thì cô là người tiên phong.
Đồng Lan hát Này em có nhớ của Trịnh theo phong cách jazz, song ngữ Việt - Pháp:
Trong quá trình chuyển ngữ, việc chọn lọc các âm sắc phù hợp, trung thành với ca từ của Trịnh Công Sơn mà vẫn phải mang tinh thần Pháp là không dễ. Đồng Lan biết thế nên đã dành tới 6 năm để chuẩn bị, sửa đi sửa lại cho đến khi hoàn thành. Sự phá cách và “mạo hiểm” này có thể gây nhiều tranh cãi với những người yêu nhạc Trịnh theo phong cách truyền thống. Đồng Lan sẽ phát hành Này em có nhớ ở định dạng CD, đĩa than (vinyl) cũng như các nền tảng nhạc số.
Ngoài Đồng Lan, còn có Giang Trang - người vẫn tự nhận mình là “người hát nghiệp dư” trong dòng nhạc Trịnh. Tưởng rằng, sau 7 năm gắn bó với nhạc Trịnh bằng các đêm diễn, 3 CD, cô sẽ khép lại chặng đường gắn với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng không, cô vừa ra mắt sản phẩm Lênh đênh nhớ phố bằng phiên bản đĩa than.
Ở dự án này, Giang Trang chọn cách trình diễn “ngược đời”: trình diễn không “trọn vẹn” một số tác phẩm. Trang chia sẻ: “Có những bài, tôi không hát từ câu nhạc đầu tiên, mà bắt đầu với những lời ca đã đọng lại trong tâm tưởng của nhiều người nghe nhạc Trịnh. Tôi để lại những khoảng lặng, khoảng trống bằng âm thanh của nhạc cụ, vì tôi trung thành với con đường tạo ra không gian nhạc Trịnh trong các sản phẩm của mình”.
Lâu nay, nhắc nhạc Trịnh, nhiều người cho rằng, đây là thứ âm nhạc “già”, khó làm mới. Fan nhạc Trịnh không ít người khăng khăng, chỉ có Khánh Ly hát Trịnh mới hay hoặc chí ít cũng là Lệ Thu, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung... và nhạc Trịnh chỉ hợp hát mộc, kèm một chiếc guitar… Vì những định kiến đó, thỉnh thoảng, dư luận lại ồn ào khi có nghệ sĩ trẻ nào đó “dám” hát nhạc Trịnh hoặc ai đó bị phản ứng gay gắt vì “phá nát” nhạc Trịnh. Thế nhưng, sinh thời, chính Trịnh Công Sơn đã nói, nhạc của ông dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể hát được. Bản thân Khánh Ly cũng khuyến khích nghệ sĩ trẻ đừng quá bận tâm lời khen chê, “nếu yêu thì cứ hát thôi”.
Đức Tuấn làm mới Dã tràng ca của Trịnh:
Về ý kiến nhạc Trịnh bị “sân khấu hóa” trong những năm trở lại đây, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ - nói, khán giả ngày nay khác khán giả ngày xưa, gu thưởng thức âm nhạc cũng thế. Việc hát mộc với một chiếc guitar có cái hay của nó, nhưng không có nghĩa là nó không thể kết hợp với nhạc cụ khác.
Bên cạnh những chương trình nhỏ, việc chuẩn bị những sân khấu lớn, chương trình lớn một cách hiện đại, chỉn chu, vẫn được xem là cần thiết để nhạc Trịnh đến gần lớp công chúng mới của hôm nay. Còn việc các nghệ sĩ trẻ làm mới nhạc Trịnh, theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, đã cho chúng ta một “hình dung hoàn chỉnh về di sản âm nhạc của anh, khai thác những góc khác trong âm nhạc của anh, khiến cho âm nhạc của anh ngày càng đến được với các bạn trẻ. Với họ, gia đình luôn khích lệ, miễn sao vẫn giữ được tinh thần âm nhạc của anh Trịnh Công Sơn”.
Cốc Vũ