Có một kiểu sợ tết nhà chồng rất khó giãi bày

06/01/2023 - 06:17

PNO - Nếu ai đó hỏi tôi có sợ tết không, tôi không ngần ngại mà trả lời: "Không sợ tết nói chung, nhưng rất sợ tết quê chồng".

Nghe nói vậy, chắc mọi người nghĩ rằng tôi bị nhà chồng "đàn áp" dữ lắm. Để đánh tan nghi ngờ, tôi thường trả lời ngay lý do, nhưng nghe xong, cũng có người cho rằng tôi kiếm chuyện trốn tết nhà chồng. Sự thật chỉ là: tôi sợ thời tiết lạnh ở quê chồng.

Bố mẹ chồng xưa nay luôn tốt với tôi. Biết tôi ở TPHCM không có mùa đông, lại thêm tạng người nhỏ con, yếu ớt, nên mỗi khi về tết, ông bà luôn nhắc tôi nghỉ ngơi, vào phòng cho ấm.

Dịp Tết, thời tiết quê chồng tôi rất lạnh. (Ảnh minh họa)
Dịp tết, thời tiết quê chồng tôi rất lạnh. Ai cũng phải mặc rất nhiều áo dày (Ảnh minh họa)

Còn nhớ cái tết đầu tiên, tôi choáng váng vì cái lạnh lúc nào cũng như cắt da cắt thịt, dù vớ, áo, mũ, găng tay luôn gắn trên người. Tưởng như bao nhiêu sự lạnh lẽo tụ lại... chụp lấy tôi. Tôi sợ mỗi sáng thức dậy làm vệ sinh, đôi tay tê buốt, đôi chân run lập cập, lúc đó tôi chỉ muốn mọc cánh bay ngay về phương Nam.

Về làm dâu, không lẽ ngủ nướng? Trời vừa sáng, tôi cố ra khỏi giường. Mẹ chồng đã nấu sẵn ấm nước sôi để cả nhà chải răng, rửa mặt. Dẫu vậy, da thịt khi rời khỏi găng tay vẫn buốt cứng.

Rồi tới “màn” rửa chén. Không lẽ vì trời lạnh mà trốn trách nhiệm? Mẹ chồng tôi làm được, không lẽ tôi không làm được, nên bấm bụng thò tay vào nước. Phải nói là như cực hình.

Con tôi 5 tuổi, đã 4 lần về tết quê nội, “lãnh” trọn 4 trận ốm. Gặp lạnh là con sổ mũi, viêm họng, ho, sốt. Tôi nói với chồng, từ nay mẹ con tôi không về tết nữa, mà về dịp hè. Chồng tôi nói; "Tết là thời gian đoàn viên, sum họp gia đình, mình vắng mặt, bố mẹ sẽ buồn. Em thấy đó, bố mẹ không yêu cầu em chuyện bếp núc, nhà cửa. Em có mặt là vui rồi. Em mặc thêm áo ấm, hạn chế ra khỏi phòng ngủ cho đỡ lạnh".

Nhưng ở trong phòng cái lạnh cũng đâu buông tha tôi. Dường như năm nào tôi về tết cũng chính giữa đợt không khí lạnh, nhiệt độ cũng chỉ hơn 10 độ C. Rời chăn đắp là cứng hết chân tay.

Rồi thì chuyện tắm. Tôi nghĩ, tôi có thể không tắm từ ngày ra Bắc cho tới ngày vào Nam, là tại... trời lạnh, chứ không phải tôi ở dơ. Tôi cũng vào phòng tắm, nhưng thật ra là rửa người sơ, rồi thay quần áo.

Ở quê chồng tôi, nhà nào cũng có cái bếp củi to để chống chọi mùa lạnh. Những ấm nước được đun nóng suốt ngày. Mùa lạnh, cả gia đình chồng đều uống nước ấm, từ nước trà tới nước lọc, và tôi không quen uống nước ấm nên da dẻ luôn nhăn nheo vì mất nước.

Mọi người cũng thường quây quần bên căn bếp củi để sưởi ấm. Nhìn thấy những người mẹ, những phụ nữ lớn tuổi mùa rét, tôi thương họ quá. Đàn ông, trẻ con mùa lạnh dù dù co ro, nhưng ít làm việc nhà. Phụ nữ phải đi chợ, nấu ăn, phải luôn chạm vào nước.

Năm nào cũng vậy, mới ra Bắc tôi đã đếm ngày về. Ra 10 hôm thì bệnh hết 5 hôm. Hai mẹ con thi nhau khật khừ. Tôi không chịu nổi mùa lạnh còn vì căn bệnh viêm xoang, gặp lạnh là xoang viêm làm đầu đau nhức như búa bổ. 

Tôi cũng thích mùa xuân miền Bắc, thích được ngắm hoa cỏ, nhưng không chịu được thời tiết. (Ảnh minh họa)
Tôi cũng thích tết miền Bắc, thích được du xuân ngắm hoa cỏ, nhưng cơ thể tôi không chịu được thời tiết lạnh (Ảnh minh họa)

Gái Nam lấy trai Bắc thiếu gì. Tết, họ cũng về quê chồng, cũng sống chung với rét, chẳng biết có ai khốn khổ như tôi, sợ lạnh như tôi? Có ai sợ tết quê chồng như kiểu sợ của tôi?

Năm nay, thấy tôi thiết tha ở lại thành phố, chồng tôi cũng đồng ý. Anh ấy đã hiểu ra rằng, về tết mà “cực chẳng đã” thì cũng không nên về làm gì. Thay vì về tết, hè này tôi dành 2 tuần về nghỉ hè quê chồng.

Tết này là cái tết đầu tiên mẹ con tôi ở lại TPHCM. Tôi động viên chồng về ăn tết với bố mẹ, nhờ anh lựa lời nói lý do con dâu và cháu nội không về để ông bà hiểu. Tuần sau là chồng tôi lên đường hồi hương. Tôi đã sắm sửa đủ đầy quà cáp để anh mang về biếu ông bà.

Thái Phương

                                                                                                                                    

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI