Có một khoảng trống rất lớn đang cần "san lấp" về dạy học môn ngữ văn

22/01/2024 - 06:52

PNO - Đây là nhận định của tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống tại Hội thảo khoa học do Trường đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 19/1.

Ngày 19/1, Trường đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chương trình giáo dục ngữ văn 2018 và sách giáo khoa ngữ văn - thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên”. 

Tham dự hội thảo có đại diện Cục nhà giáo, Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội - nhận định, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó có chương trình dạy học môn ngữ văn, đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo giáo viên ngữ văn. Sự thay đổi về mục tiêu, chuẩn “đầu ra”, cấu trúc chương trình, nội dung dạy học, các hình thức kiểm tra, đánh giá... là những yêu cầu có tính cấp thiết trong việc đào tạo giáo viên ngữ văn hiện nay.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các thầy cô giáo, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, trao lưu, chia sẻ về đào tạo giáo viên ngữ văn đáp ứng chương trình GDPT 2018.

Hội thảo tập trung đề cập những vấn đề chung về chương trình, sách giáo khoa ngữ văn và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện nay; việc khai thác ngữ liệu và tích hợp dạy học trong sách giáo khoa ngữ văn; các vấn đề phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ trong dạy học ngữ văn... Đồng thời thảo luận về công tác bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn theo chương trình GDPT 2018...

Hơn 100 tham luận gửi đến hội thảo đã chia sẻ những góc độ tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên ngữ văn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cho rằng, để đổi mới thành công, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cho rằng, để đổi mới thành công, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn ngữ văn - nhấn mạnh, môn ngữ văn có lịch sử phát triển lâu dài nhưng phương pháp dạy học hầu như ít thay đổi. Từ trước năm 2000, hầu hết là dạy học theo hướng bình văn, giảng văn, phân tích tác phẩm... Đến chương trình ngữ văn 2006 mới chuyển sang dạy đọc hiểu văn bản. Chương trình ngữ văn 2018 tiếp tục theo hướng đọc hiểu nhưng gắn với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực. Đó là một bước tiến dài nhằm đổi mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, việc biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực đang gặp không ít thách thức, khó khăn và có một khoảng trống rất lớn đang cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn ngữ văn. Theo ông, để đổi mới thành công, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Như vậy, gánh nặng đặt lên vai các trường sư phạm, nhà nghiên cứu, chuyên gia về phương pháp dạy học môn văn.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải đồng bộ cả 3 khâu triển khai chương trình, biên soạn học liệu và đào tạo giáo viên, vì đây như 3 chân kiềng tạo thế đứng vững vàng cho công cuộc đổi mới giáo dục ở phổ thông.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI