Có một kênh tài chính an toàn cho phụ nữ

05/04/2021 - 07:01

PNO - Từ sự hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất, nhiều chị em nghèo, yếu thế, đơn thân đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Không chỉ hỗ trợ vốn vay, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED), thuộc Hội LHPN TP.HCM còn đồng hành cùng chị em, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả. Bởi thế, trong nhiều năm qua, quỹ đã trở thành kênh tài chính an toàn cho chị em phụ nữ. Từ sự hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất, nhiều chị em nghèo, yếu thế, đơn thân đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hiện tại, CWED có 12.770 thành viên vay vốn. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng.

Quá nhiều người cho mình cơ hội

Chị Trần Kim Oanh, ở P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú nói rằng: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ CWED, tôi đã không có cơ hội đổi đời”. 

Chị Oanh lấy chồng, lần lượt sinh ba đứa con và ở nhà làm nội trợ. Trong gia đình chỉ có chồng là lao động chính với nghề lái xe nên cuộc sống lắm lúc rất khó khăn. Thấy gia cảnh ấy, Hội LHPN P.Tây Thạnh đã kết nối, giới thiệu chị vay vốn Quỹ CWED với mức vốn ban đầu là 2 triệu đồng để mở quán nước giải khát nhỏ. Sau nhiều kỳ đáo hạn, mức vay được tăng lên 5 triệu đồng, chị Oanh liên hệ xin bán nước giải khát trong căng-tin UBND P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú. Kinh tế gia đình có bước tiến bộ, nhưng cũng chỉ đủ chi tiêu chứ không dư dả. 

Đến năm 2017, em trai chị gợi ý mở cửa hàng bán sơn nước, nhưng chị Oanh ngần ngại vì không có kiến thức, lại không có vốn. Trong lúc chị đắn đo thì Hội LHPN phường gợi ý hỗ trợ chị vay 50 triệu đồng để phát triển công việc. “Quá nhiều người cho mình cơ hội, tại sao mình không thử để có công việc tốt hơn” - chị Oanh nghĩ vậy nên bắt tay vào làm. Thế là chị có một cửa hàng kinh doanh của riêng mình. 

Cửa hàng sơn nước của chị Trần Kim Oanh
Cửa hàng sơn nước của chị Trần Kim Oanh

Qua vài buổi hướng dẫn của các nhân viên, chị Oanh đã nắm bắt những kiến thức cơ bản về sản phẩm và bắt đầu dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn về từng dòng sản phẩm. Thế nhưng, sau vài tháng ra đời và duy trì, thấy tình hình buôn bán không được khả quan, chị Oanh mới thực sự bước vào thương trường bằng cách tìm đến các công trình xây dựng làm quen với các chủ thầu, chủ nhà để giới thiệu sản phẩm. Chỉ cần có khách đặt mua sơn thì nhiều hay ít chị cũng đem đến tận nơi. 

Ban đầu, chị chỉ đủ vốn nhập khoảng chục thùng sơn. Nhưng nhờ tích góp cộng với vốn vay sau đáo hạn cũng tăng lên (năm nay chị được tăng vốn vay lên 100 triệu đồng) nên vốn liếng ngày càng lớn hơn. Đến nay, lượng hàng chị nhập về đã lên đến tiền tỷ. 

Công việc ổn định, chồng chị Oanh cũng xin nghỉ việc ở nhà phụ vợ kinh doanh. Năm 2020 vợ chồng họ đã mua được chiếc xe bán tải nên việc giao hàng cũng đỡ vất vả hơn. 

Ước mơ đủ tiền mua nhà trả góp

Thấy mẹ một mình buôn bán trái cây nuôi ba con nhỏ, chị Trần Thị Kim Ngọc, P.14, Q.11 xin mẹ cho nghỉ học sớm để đi làm. Chị làm công nhân một thời gian rồi chuyển qua học nghề làm tóc. Nhờ sáng dạ, khéo léo nên chỉ sau một năm chị Ngọc đã thạo nghề. Chị xin ở lại làm việc cho tiệm để nâng cao tay nghề và học thêm kỹ thuật làm móng, mát-xa mặt.

Khi đã thật sự lành nghề, chị Ngọc dự định mở một cửa tiệm làm tóc nhưng lại không đủ vốn. Vì thế, mẹ chị đã tìm đến Hội LHPN P.14. Nghe chị Ngọc cần 3 triệu đồng để đặt cọc thuê mặt bằng, các thành viên tổ vay CWED đã khảo sát và đảm bảo tín chấp để chị được hỗ trợ vay trả góp hằng tháng trong thời gian một năm. 

Chị Trần Thị Kim Ngọc đang ước mơ có đủ tiền mua nhà trả góp bằng tiệm làm tóc
Chị Trần Thị Kim Ngọc đang ước mơ có đủ tiền mua nhà trả góp bằng tiệm làm tóc

Tháng đầu tiên mở tiệm, chị Ngọc đã có khách hàng, trong đó một lượng khá lớn khách đến ủng hộ qua kênh của Hội. Chị tiết kiệm để mua thêm máy uốn tóc và các dòng sản phẩm chăm sóc tóc, móng… Đầy đủ trang thiết bị cộng với tay nghề giỏi nên chỉ trong vài tháng, tiệm tóc của chị Ngọc đã có lượng khách hàng ổn định. Tiệm nhỏ, lại nằm trong hẻm nhưng công việc thì đều đặn, cứ vài chục phút lại có người ghé vào thăm chừng xem đã vãn khách chưa. Chị Hà - một khách hàng của tiệm - nhận xét: “Tiệm nhỏ nhưng bà chủ dễ thương, làm khéo, cắt, uốn, nhuộm, làm móng, cái nào cũng ưng”. 

Tiệm tóc của chị Ngọc có đủ các dịch vụ cắt - uốn - duỗi - nhuộm, chăm sóc và trang trí móng… Tiệm mở cửa mỗi ngày từ 9-21g. Khách đông từ buổi trưa. Cuối năm và các dịp lễ, khách sẽ đông hơn. 

Đến nay, chị Ngọc đã có 5 năm gắn bó với nghề tóc với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mẹ chị Ngọc cũng đã nghỉ bán trái cây để ở nhà phụ chị quán xuyến việc nhà. Chồng chị làm công nhân xây dựng với thu nhập cơ bản ổn định. Vợ chồng chị Ngọc đang cố gắng làm việc, tích lũy để đủ tiền mua một căn nhà trả góp. 

Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI