Có một dòng sách biên khảo về các thành phố lớn

09/07/2023 - 06:59

PNO - Thời gian gần đây, nhiều cuốn sách viết về địa điểm, nơi chốn mang tính lịch sử nổi bật của Việt Nam được ra mắt. Không chỉ tổng kết lịch sử, các tác phẩm về Đà Lạt, Đà Nẵng, Sài Gòn… cũng mang đến góc nhìn thú vị về mặt nội dung và cả cách tiếp cận sinh động, hấp dẫn.

Những tác phẩm ấn tượng

Nhà xuất bản (NXB) Trẻ vừa giới thiệu 2 tác phẩm nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn, nhân kỷ niệm 325 năm thành lập thành phố (1698-2023) và 48 năm thống nhất đất nước (1975-2023). Đó là Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh của luật sư Triệu Quốc Mạnh.

Các tác phẩm biên khảo, lịch sử vừa ra mắt
Các tác phẩm biên khảo, lịch sử vừa ra mắt

Với Đà Nẵng, sau cuốn Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử, nhà nghiên cứu Võ Hà cũng vừa trở lại với tác phẩm biên khảo lịch sử Đà Nẵng ngày tháng cũ. Đây là tập sách về thành phố trong thời Pháp - Mỹ thay nhau chiếm đóng, cũng như quan hệ của nó đối với đô thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Từ việc nghiên cứu kho tư liệu quốc gia, nhiều nguồn tài liệu khảo cổ học, sử học và dân tộc học mới được bổ túc hoặc đánh giá lại, các tác giả và nhà nghiên cứu đã mang đến thông tin thú vị, chưa từng được công bố. Chẳng hạn như trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông đã quay ngược thời gian, từ đó làm rõ các vấn đề như người Việt đến khẩn hoang lập ấp, làm ăn sinh sống tại đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long từ bao giờ, hay những biến cố lịch sử quan trọng nào trước thế kỷ XVII có ảnh hưởng đến việc sinh tụ của lưu dân Việt...

Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh tiếp nối tác phẩm kể trên, khi luật sư Triệu Quốc Mạnh - một trong những người tiên phong thành lập Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris - khảo sát lại đời sống thị dân cũng như bộ mặt đô thị từ Hòa ước Giáp Tuất 1874 đến khi đất nước thống nhất. Ông đã cho thấy Sài Gòn là thành phố mở, đa sắc tộc và đa tôn giáo với nhiều thị dân cùng nhau chung sống.

Sài Gòn trong cuộc chiến, qua trang sách của ông, là một tuyến đầu vĩ đại, nơi đồng bào vừa đấu tranh, vừa đùm bọc nhau, vừa xây dựng, vừa gìn giữ để cuối cùng có được một Sài Gòn vẹn nguyên vào tháng 4/1975. Trong giai đoạn từ mùa thu 1945 đến năm 1975, bằng những ký ức cá nhân, ông cũng mang đến cách tiếp cận riêng trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống vào một thời đoạn có nhiều biến động.

Nhà nghiên cứu Võ Hà trong cuốn Đà Nẵng ngày tháng cũ cũng cho thấy một góc khác của thành phố này, khi ít người biết nó từng là đô thị sân bay, đô thị biển và là hải cảng quan trọng mang tính quân sự trước năm 1975. Bằng việc đi sâu vào các khuất lấp, tác giả đã gom các sự kiện phức tạp về một mối chung để làm rõ hơn chân dung của một đô thị.

Ôn cố tri tân

Tuy khai thác đề tài lịch sử, ở mỗi tác phẩm, các tác giả đều mang đến những khám phá mới. Bằng cách dẫn dắt độc giả khác biệt như thông qua ký ức cá nhân, biên khảo vi lịch sử…, rất nhiều luận điểm có tính xác thực đã được đưa ra. Chẳng hạn trong tác phẩm của luật sư Triệu Quốc Mạnh, ông đã miêu tả Sài Gòn bằng những gì mắt thấy tai nghe. Tác giả đã không bám theo sử sách một cách khuôn mẫu mà các tiểu luận đã được đúc rút từ chính trải nghiệm của bản thân.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, luật sư Triệu Quốc Mạnh và nhà nghiên cứu Võ Hà.png
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, luật sư Triệu Quốc Mạnh và nhà nghiên cứu Võ Hà

Nhà nghiên cứu Võ Hà thì không tham vọng dựng lại tiến trình của Đà Nẵng, một đô thị có lịch sử dài rộng. Các bài nghiên cứu đặt góc nhìn từ những sự kiện có phần chi tiết như việc đổi tên 2 cây cầu bắc ngang sông Hàn, vấn đề mở rộng sân bay Đà Nẵng hay sự phát triển từ chợ Hàn sang chợ Cồn… Qua đó, anh đã họa lại một bức tranh về tầm ảnh hưởng của việc bị “quân sự hóa” đối với tính chất, đặc trưng của đô thị này.

Cả ba tác phẩm đều rất mới mẻ trong việc ôn cố tri tân, từ kinh nghiệm cũ trở thành bài học cho tương lai gần. Tác giả Võ Hà trong Đà Nẵng ngày tháng cũ cũng đã nói về vấn đề phục hưng nhà rường truyền thống, cuộc chiến bảo vệ nước mắm hay quá trình thay đổi giờ giấc sinh hoạt của người Việt Nam… Có thể thấy, những sự kiện này đã được quan tâm từ trong quá khứ, vẫn còn thời sự cho đến ngày nay và rồi trở thành nguồn tham khảo quý trong cách tháo gỡ nút thắt.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhà nghiên cứu Võ Hà nói: “Lịch sử là lịch sử, đồng thời lịch sử không hẳn là lịch sử. Lịch sử cũng có đời sống ở hiện tại và cả tương lai theo một mức độ nào đó. Nghiên cứu lịch sử là vừa đi tìm thông tin sát thực với quá khứ, nhưng cũng là xem “đời sống” của nó ở hiện tại, dự báo trong tương lai và khuyến cáo cần ứng xử như thế nào cho thỏa đáng một cách đồng thời”.

Nói về phản ứng đón nhận trong dòng sách này, đại diện NXB Trẻ chia sẻ: “Luôn có độc giả trung thành với sách biên khảo, dẫu so với những dòng sách khác thì đôi khi họ khá “lặng lẽ” và ít tương tác trên mạng xã hội. Đây là mảng sách quan trọng của NXB Trẻ, khi luôn có thể “bắt gặp” độc giả ở nhiều độ tuổi tìm mua, cũng như gửi những lời góp ý tận tâm, thiện chí, hiểu biết qua email hay thư từ”.

2 tác phẩm khác viết về Sài Gòn cũng được chờ đón trong thời gian tới là Sài Gòn đẹp xưa (Phạm Công Luận) và Nhận diện đô thị Việt Nam của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người thiết kế Dinh Độc Lập nay là Dinh Thống Nhất. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm ấn tượng, độc đáo về các thành phố Việt Nam nữa, giúp độc giả ở nhiều độ tuổi và nhiều thành phần có thể tiếp cận với các sự kiện còn đang chìm khuất. 

Ngô Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI