Gần đây, mảng phim chiếu rạp xuất hiện khá nhiều nhà sản xuất, đạo diễn tự do, ít tên tuổi. Tác phẩm của họ có dàn diễn viên “chắc tay”, kịch bản tốt, thông điệp giàu ý nghĩa và ít nhiều tạo được cảm xúc nhưng lại yếu thế về chuyên môn cũng như cách thức quảng bá, đành ra rạp trong âm thầm và nhanh chóng mất hút.
Vừa ra mắt hôm 18/10, bộ phim Chơi thì chịu ghi dấu lần đầu thử sức ở sân chơi điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Lâm - một tên tuổi quen thuộc của sân khấu kịch 5B và phim truyền hình.
|
Diễn viên chính của Chơi thì chịu là Trương Thế Vinh, Kim Tuyến |
Qua câu chuyện về chàng thiếu gia mê chơi, học dốt lỡ làm cô em gái của bạn dính bầu, phim đề cập vấn đề khá phổ biến trong xã hội hiện đại: mang thai ngoài ý muốn.
Những hình mẫu nhân vật trong phim cùng cách xử lý tình huống của họ để lại ít nhiều cảm xúc và suy ngẫm cho người xem về cuộc sống, bổn phận, trách nhiệm. Tuy nhiên, đặt những xúc cảm đó qua một bên, Chơi thì chịu chưa “chuẩn” ở khái niệm chiếu rạp.
Phim mang màu sắc hết sức truyền hình - từ góc máy, đầu tư bối cảnh đến diễn xuất. Khó tìm thấy một khung hình nào có chất điện ảnh trong phim. Việc “thay lời muốn nói” bằng hình ảnh - đặc trưng của phim điện ảnh - cũng không có. Các nhân vật thoại qua lại để diễn đạt tâm trạng. Nét diễn của Mai Huỳnh, Trịnh Kim Chi, Lê Bình, Ngọc Lan cũng không khác mấy những gì họ từng thể hiện trên truyền hình.
Không rặt truyền hình như Chơi thì chịu nhưng cũng ít chất điện ảnh là phim Ngày mai Mai cưới. Với dàn diễn viên xuất thân từ nhóm FapTV (vốn nổi tiếng với các clip hài trên YouTube), tác phẩm của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Tấn Phước và nhà sản xuất Minh Beta như một tiểu phẩm hài kéo dài hai tiếng với những tình huống gây cười như cố tình làm xấu mình trong buổi coi mắt, dàn cảnh hành hung người đến coi mắt để tránh các cuộc hôn nhân sắp đặt của nhân vật nữ chính hoặc chiêu giả bệnh sắp chết, dán tờ rơi tuyển rể để ép con lấy chồng của cha mẹ Mai.
Cách xây dựng tình yêu kiểu hoàng tử - lọ lem giữa hai nhân vật chính cũng “lạc quẻ” trong bối cảnh, con người bình dân của phim. Điểm sáng của phim chỉ là chạm đến vấn đề được nhiều người quan tâm: chuyện thoát ế và chuyển tải được thông điệp về tình bạn.
|
Một cảnh trong phim Tao không xa mày |
Chưa bao giờ thị trường phim Việt sôi động như hiện nay. Cùng thời điểm, có thể có đến 4-5 đoàn phim đang bấm máy và trung bình tuần nào cũng có phim mới trình làng. Thời gian trụ rạp vì vậy cũng ngắn lại, khiến các nhà làm phim càng phải căng mình tìm cách thu hút người xem bằng cách tích cực “nhá” thông tin về phim hằng ngày, hằng tuần trước khi phim phát hành.
Nhưng điều đó chỉ thấy ở các “ông lớn”, còn với những tên tuổi mới gia nhập thị trường, nhiều khi đến sát ngày ra rạp khán giả mới biết tới phim. Lý do là người trong cuộc chưa am tường thị trường, đề tài kén khách và kinh phí làm phim eo hẹp dẫn đến nhiều trục trặc.
Nhà sản xuất - đạo diễn Rony Hòa chia sẻ quá trình quay phim Tao không xa mày kéo dài và phim khi chiếu có tới hai màu vì lúc đầu quay chưa đạt, phải quay bổ sung. Nhưng điểm cốt yếu khiến phim của các nhà làm phim tự do, nhỏ lẻ khó gây tiếng vang là tay nghề còn non.
Như trường hợp Kẻ trộm chó của Ngụy Minh Khang ra rạp vào thời điểm nạn trộm chó đang trở thành vấn đề “nóng”. Phim ghi điểm về câu chuyện thời sự, nội dung nhân văn khi cảnh tỉnh người dân về tác hại và hệ lụy lâu dài của việc bắt trộm và ăn thịt chó, cộng diễn xuất tốt của dàn diễn viên. Tiếc là cách xây dựng nhân vật chủ chốt chưa thuyết phục.
|
Đề tài "trộm chó" được đưa lên màn ảnh |
Trong phim, Ghẻ được mô tả là người có ăn học, cương trực, hiền lành, tốt bụng, yêu thương chó; nhưng sau khi nghe tin bà mất bỗng quay ngoắt biến thành người xấu; rồi vênh váo, bất cần khiến bạn tù ghét, đánh Ghẻ tơi tả. Phim lên án nạn buôn bán, ăn thịt chó; nhưng những cảnh quay liên quan đến lò mổ lại được mô tả hết sức sơ sài.
Phim Tao không xa mày khai thác nhẹ nhàng mà day dứt về chuyện tình đồng tính tuổi thanh xuân nhưng lại rơi vào sự lan man, rời rạc khi tham lam lồng ghép câu chuyện về việc người con trai đọc nhật ký của cha và mối quan hệ tình cảm của hai cậu bạn thân Nam và Tùng.
Nhiều trường đoạn phim như một clip ca nhạc, cố lấy nước mắt người xem bằng ca từ trong khi với điện ảnh, nhiều khi chỉ cần một đoạn nhạc nền là đủ. Kết quả là dù dàn diễn viên thể hiện tốt, phim không gây hiệu ứng mạnh như những tác phẩm cùng đề tài trước đó.
Dù sao, nhiệt huyết làm nghề, sự mạnh dạn chọn đề tài ít phổ biến của các nhà làm phim tự do, những gương mặt mới cũng phần nào giúp diện mạo phim Việt thêm đa dạng, mới lạ giữa lúc khán giả đang bội thực với sự rập khuôn về đề tài, công thức làm phim ăn khách cũng như cách thức tuyên truyền quảng bá quen thuộc.
Chơi thì chịu khởi động từ 2015, nhưng quay được 30% thì phải ngưng, để tìm nhà đầu tư mới vì các nhà đầu tư cũ rút hết, do thấy khó thu hồi vốn. Khâu phát hành cũng gặp khó khăn: mất hai tháng mới tìm được nhà phát hành ưng ý.
Đạo diễn
|
Nguyễn Ngọc