Đó là những bản nhạc đại diện cho một dòng nhạc lãng mạn, đậm chất suy tưởng của một lớp thanh niên trí thức giữa thời khói lửa, vừa như muốn tháo tung những cuồng vọng cá nhân, vừa như ve vuốt những nỗi sầu đau nhân thế.
Gần 70 năm trôi qua, khi âm nhạc lãng mạn gần như lặng tiếng, nhường chỗ cho những tác phẩm trực diện hơn trong đời sống âm nhạc thì những bài như Hoài cảm của Cung Tiến hay rất nhiều sáng tác của các nhạc sĩ cùng thời đã trở thành dấu son chói lọi mà thế hệ yêu nhạc Việt sau này có lẽ sẽ không thể tìm lại được nữa.
Cố nhân xa rồi…
Sinh năm 1938, Cung Tiến thuộc thế hệ thứ hai của tân nhạc Việt Nam. Ông cùng với các nhạc sĩ như Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương… được xem là lớp tài năng mới của âm nhạc cải cách, sau thế hệ các tên tuổi lẫy lừng như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Đặng Thế Phong…
Những năm 1950, Cung Tiến theo học nhạc lý và xướng âm từ hai nhạc sĩ nổi tiếng là Chung Quân và Thẩm Oánh nên gần như thấm nhuần chủ trương trung dung giữa hai tư duy âm nhạc phương Tây (nhạc thất cung du nhập từ Pháp, Mỹ) và phương Đông (nhạc ngũ cung của dân tộc). Nghĩa là xu hướng viết các bài hát cải cách theo ký âm Pháp Tây phương nhưng có “ý nhạc Việt Nam” và “cảm tưởng thuần túy Á Đông”.
Hoài cảm đã ra đời trên các ý niệm âm nhạc như thế. Năm 14 tuổi (năm 1953), Cung Tiến viết tác phẩm đầu tay Thu vàng. Bản nhạc gây sững sờ cho tất cả người nghe về sự chín chắn và sâu sắc trong cả kỹ thuật âm nhạc lẫn cách quan sát và miêu tả những cung bậc cảm xúc. Cùng năm đó, ông viết Hoài cảm - bản nhạc tiến xa hơn Thu vàng một bậc trong cách vận dụng hình ảnh, ca từ và hòa âm (tất nhiên chỉ vài năm sau, ông có thêm Hương xưa cũng là một tuyệt tác không hề thua kém).
Năm 1952, Cung Tiến theo gia đình vào Nam sinh sống. Nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, tôi nhớ những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì có bản nhạc đó”. Nghĩa là theo lý giải của Cung Tiến, ca khúc là những lời ca ông dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra mà ông ví như “cố nhân”, với nỗi niềm dâng tràn tâm can chàng trai mới lớn trong những ngày đầu xa quê.
Tuy nhiên, theo thời gian, với những thủ pháp ẩn dụ nhiều tầng nghĩa và đầy mỹ cảm, ca khúc không chỉ là một khúc hát về nỗi nhớ quê, mà được hình dung trong nhiều bối cảnh khác nhau, như một khúc ca dành cho người tình trong ký ức hoặc cho một kỷ niệm không nguôi trong tâm tưởng mà người ta có thể gọi là “cố nhân”.
Với Hoài cảm, như nhà thơ Du Tử Lê đã nói: “Cung Tiến là một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam”, với những cách vận dụng ngôn từ và giai điệu, hòa thanh gần như chuẩn mực và đắt giá ở lứa tuổi 14, 15 - điều mà ngay cả khi sáng tác, chính nhạc sĩ có lẽ cũng không tự ý thức được. Thậm chí ông còn gọi “đùa” sáng tác của mình là những cảm xúc “lơ tơ mơ” - một sáng tác hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. “Hoài cảm không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng” - nhạc sĩ Cung Tiến bày tỏ.
Tuy nhiên, sự khiêm tốn và cầu toàn trong âm nhạc của Cung Tiến không làm cho tác phẩm của ông bị lu mờ, mà ngược lại, Hoài cảm tự khẳng định giá trị nghệ thuật bền bỉ theo thời gian, lan tỏa khắp thị trường âm nhạc thời bấy giờ và giữ nguyên giá trị qua thời gian.
Gần một thế kỷ tân nhạc, âm nhạc Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Những người sáng tác hôm nay dường như không còn viết những bản tình buồn mang nhiều ẩn dụ hay ước lệ. Âm nhạc giờ mang nhiều dấu ấn của trường phái hiện thực. Các nhạc sĩ tìm cách miêu tả trực diện về ái tình và những cảm xúc nam nữ nhiều hơn là lối “mượn gió tả trăng” của thời xưa.
Như nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: “Nói riêng về nhạc tình thì nhạc tình thời chúng tôi vào lúc tân nhạc mới ra đời, về nội dung, tất cả đều là nhạc lãng mạn, lãng mạn chủ nghĩa theo lối Pháp. Ông nào ngày đó cũng làm vài bài nhạc về mùa thu, về con nai vàng ngơ ngác… Về thể điệu thì chúng tôi lấy nhạc cổ điển hay tân kỳ Âu Mỹ làm tiêu chuẩn… Về sau, tôi bạo dạn hơn nên nhạc tình của tôi là nhạc tình cảm tính (sentimentale), nhạc tình dục tính (sensuelle)…
Kỹ hơn chút nữa, nếu nói một cách ngắn gọn thì nhạc tình cảm tính của tôi khác nhạc tình của Lê Thương, của Đặng Thế Phong… ở chỗ: hai người yêu nhau không cần phong cảnh nào cả, không cần “thuyền mơ”, “suối mơ”, “bến xuân”, chỉ có anh và em, chỉ có “ngày đó chúng mình yêu nhau”, “đừng xa nhau”, “kiếp nào có yêu nhau”... Đại khái thế”.
Cũng vì vậy, những bản nhạc trữ tình sang trọng, du dương ở thời kỳ đầu đi tìm nhạc ngữ mới ấy đang dần biến mất, để mỗi lần những giai điệu của Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Văn Cao, Phạm Duy hay Cung Tiến vang lên, tất thảy người nghe đều thấy bâng khuâng, xao xuyến như một hoài niệm dành cho một quá vãng vàng son, một cố nhân không bao giờ còn quay lại.
Bài hát Hoài cảm:
“Nghệ sĩ là người lúc nào cũng phải khám phá ra những cái mới”
Hoài cảm là sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc hàn lâm phương Tây với những ý tình Việt Nam, cùng với những ảnh hưởng của ngôn ngữ Thơ Mới trong giai đoạn cực thịnh. Như Cung Tiến kể lại, Hoài cảm được ông viết khi mới học đệ lục (lớp Bảy) và chịu nhiều ảnh hưởng Thơ Mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… Ông tâm sự: “Riêng với tôi, nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích, cá nhân tôi cũng thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”.
Trên nền âm nhạc cổ điển và những hồn tính Á Đông, Cung Tiến vẫn chủ trương sáng tạo theo lối của mình. Ông viết nhạc để tạo ra ấn tượng cảm xúc về màu sắc âm thanh, chứ không “đóng khung” về một chủ đề nào cả. Với ông “nhạc lãng mạn nói riêng hay nhạc cổ điển (classical music) nói chung không bao giờ cũ. Nhạc xưa nhưng nghe không bao giờ được cũ, nghệ sĩ là người lúc nào cũng phải khám phá ra những cái mới”.
Bài hát Hương xưa - Duy Trác:
Với Hoài cảm, người ta đã thấy ở Cung Tiến sự sáng tạo độc đáo của một “nhà khoa học” đi làm nghệ thuật. Âm nhạc của ông thoát khỏi những khuôn mẫu đi trước với bao bi lụy, sầu khổ thê lương và cách thể hiện hầu như ở điệu thức thứ man mác buồn. Cung Tiến mang nhạc ngữ mới của riêng mình vào âm nhạc, khiến những ca khúc của ông mang nhiều nét duyên dáng và phóng khoáng cùng lối hòa thanh đa dạng, những “thủ thuật” biến hóa linh hoạt của điệu thức khiến ca khúc trở nên hấp dẫn lạ kỳ (có thể dễ dàng thấy ở đoạn C của Hoài cảm, khi nhạc sĩ đột ngột chuyển từ điệu thức thứ (manor) sang điệu thức trưởng (major), khiến cả ca khúc như trào lộng cảm xúc, với một ngôn ngữ âm nhạc bừng sáng cả không gian).
Dù sáng tác không nhiều và luôn gọi những tác phẩm đó là “một cuộc dạo chơi với âm nhạc” nhưng sự cẩn trọng, kỹ lưỡng cùng những đóng góp của Cung Tiến đối với nền tân nhạc Việt Nam khiến các nhà phê bình cũng như người nghe nhạc xếp ông vào vị trí của những nhạc sĩ tiêu biểu thuộc dòng nhạc tiền chiến.
Và Hoài cảm, cùng nhiều kiệt tác sau này của ông như Hương xưa, Lệ đá xanh, Thuở làm thơ yêu em, Vang vang trời vào xuân… đều trở thành những tác phẩm bất hủ của dòng nhạc lãng mạn, tồn tại đĩnh đạc bên cạnh những tác phẩm kinh điển trước đó của tiền nhân.
Lan Anh