Có một Đào Duy Anh là “Dã Lan nữ sĩ”

04/08/2022 - 07:00

PNO - "Việt Nam văn hóa sử cương" vừa được Đông A Books tái bản, với phiên bản sách đẹp. Hai buổi trò chuyện về tác phẩm này cũng vừa được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội.

Việt Nam văn hóa sử cương - cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam có hệ thống đầu tiên của Đào Duy Anh - được xuất bản lần đầu vào năm 1938. Trước đó, ông làm thư ký tòa soạn Báo Tiếng Dân và sáng lập Quan hải tùng thư. 

Việt Nam văn hóa sử cương (1938) là công trình nghiên cứu văn hóa đầu tiên của Việt Nam, được học giả Đào Duy Anh viết một cách có hệ thống, với mục đích dành để “ôn lại cái vốn văn hóa nước nhà”. Cũng là lần đầu tiên khái niệm văn hóa được định nghĩa khoa học trong tác phẩm của Đào Duy Anh. Thời điểm đó, ông đang dạy môn lịch sử và quốc văn ở Trường tư thục Thuận Hóa (Huế).

Các phiên bản sách Việt Nam văn hóa sử cương qua những lần tái bản
Các phiên bản sách Việt Nam văn hóa sử cương qua những lần tái bản

Năm 1973, trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, ông cho biết lý do viết cuốn sách này là để làm giáo trình dạy môn văn hóa Việt Nam - môn học không có sách giáo khoa, cũng không có bất kỳ chuyên luận nào trước đó để ông dạy học trò. Cho đến sau này, Việt Nam văn hóa sử cương vẫn là tác phẩm được chọn làm giáo trình giảng dạy về văn hóa Việt Nam cho sinh viên các trường đại học.

Nội dung sách được bố cục ba phần: kinh tế - sinh hoạt, xã hội chính trị sinh hoạt và trí thức sinh hoạt. Một khối tri thức có hệ thống về kinh tế nông công thương nghiệp, giao thông, sưu thuế, tiền tệ, gia tộc, xã thôn, phong tục, tín ngưỡng, giáo dục, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật… được biên soạn công phu. Công trình ghi dấu tên tuổi Đào Duy Anh như một người khai mở cho khoa học nghiên cứu văn hóa tại Việt Nam. Rất nhiều vấn đề ông đặt ra trong tác phẩm, về sau này đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học, đào sâu ở góc nhìn của văn hóa học. 

Từ sau Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh đã viết tiếp các công trình Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943), Lịch sử Việt Nam, Cổ sử Việt Nam (1956)… Tên tuổi ông được nhắc đến trong các lĩnh vực nghiên cứu sử học, văn hóa học. Tuy nhiên, có một giai đoạn ít được nhắc đến trong sự nghiệp của Đào Duy Anh là khoảng thời gian ông làm báo vào những năm cuối thập niên 1920.

“Phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu (1925) đã khiến một thanh niên tân học như Đào Duy Anh quyết định bỏ nghề dạy học, từ Đồng Hới đi vào Nam học nghề báo, tìm gặp Phan Bội Châu tại Quảng Bình và Huế, rồi được Huỳnh Thúc Kháng tìm gặp ở Đà Nẵng. Sau khi cân nhắc những lời khuyên, Đào Duy Anh đã quyết định ở lại Huế, cộng tác với Huỳnh Thúc Kháng sáng lập Báo Tiếng Dân, ngoài ra còn lập Quan hải tùng thư để biên tập xuất bản những cuốn sách phổ cập tri thức mới. “Trong đó có những cuốn phổ biến thông tin về phong trào nữ quyền trên thế giới” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân viết trong cuốn Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1929) trên sách báo đương thời (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ấn hành).

Học giả Đào Duy Anh
Học giả Đào Duy Anh

Câu chuyện về nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ thập niên 1920-1930 lâu nay được nhắc đến, có những tác giả nam giới bàn về vấn đề này: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Bội Châu, Đặng Văn Bảy, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng… Tuy nhiên, việc Đào Duy Anh được nhắc tên cùng với bút danh Dã Lan nữ sĩ là một phát hiện mới của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Điều đó cho thấy thêm một góc độ đóng góp khác của học giả Đào Duy Anh trong vấn đề duy tân, cất tiếng nói đấu tranh cho nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ. 

Vai trò không nhỏ trong tiếng nói nữ quyền thập niên 1930

“Ngay trong phần đầu hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh kể lại việc ông tham dự cuộc đón tiếp cụ Phan Bội Châu ở Đồng Hới, Quảng Bình, một buổi trưa cuối năm 1925, khi ông đang là một giáo viên tỉnh lẻ. Vào tuổi xế chiều, Đào Duy Anh ghi nhận đó là sự kiện đã “định hướng cho cả cuộc đời tôi từ trước đến sau”. Những thông điệp về vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu đầu năm 1926, sau đó, chắc chắn không xa lạ với Đào Duy Anh.

Việc phát hiện ra Dã Lan nữ sĩ, tác giả loạt bài về Vấn đề phụ nữ trên Báo Tiếng Dân và cũng có thể là người trực tiếp phụ trách mục Phụ nữ diễn đàn của tờ báo này, cho phép đặt câu hỏi về những ảnh hưởng của Phan Bội Châu đến Đào Duy Anh, những sự hợp tác giữa hai người, trong quá trình hình thành quan niệm mới về nữ quyền, về vận động phụ nữ” - góc nhìn của Nguyễn Kim Hiền, đồng tác giả với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, viết trong Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1929) trên sách báo đương thời. 

Trên mục Phụ nữ diễn đàn của Báo Tiếng Dân - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Trung kỳ, Đào Duy Anh với bút danh Dã Lan nữ sĩ đã viết các bài nhiều kỳ bàn về vấn đề giáo dục cho nữ giới, giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền… với lập luận sắc sảo, kiến văn sâu rộng. Những bài viết của ông tạo nên tranh luận cho các tác giả nam giới lúc bấy giờ. Cũng với bút danh Dã Lan nữ sĩ, ông còn viết sách Phụ nữ vận động, một chương sách mang tên Phụ nữ và xã hội, được in trong cuốn Xã hội (thuộc Tủ sách Quan hải tùng thư, do Ngộ Nhân dịch).

Dã Lan nữ sĩ từng là một “bút danh bí ẩn” mà nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Hiền chia sẻ rằng đã có lúc ngộ nhận đó là bút danh của Phan Bội Châu. Tuy nhiên, văn phong của Dã Lan nữ sĩ “có phần trẻ trung hơn, nghiêng về phía cổ vũ cho một phong trào xã hội sắp trào dâng, hơn là của một người từng trải sự đời, đang tìm hướng đi tới cho phong trào nữ quyền, qua chiêm nghiệm về những di sản ngàn năm cùng các tư tưởng phương Tây đương đại”.

Cách tiếp cận vấn đề trong các bài viết của Dã Lan nữ sĩ cũng rất hệ thống. Điều này lâu nay ít được nhắc đến, một phần vì tư liệu Báo Tiếng Dân không còn được lưu trữ trong nước, một phần vì sau thời gian hoạt động báo chí ngắn ngủi (1927-1929), Đào Duy Anh bị khám nhà và bị bắt (vào ngày 26/7/1929). Tháng 4/1930, sau khi ra tù, ông không còn tham gia hoạt động báo chí, hoạt động chính trị nữa, mà chuyên tâm biên khảo và nghiên cứu lịch sử. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI