Có một cuộc thi hát khác…

03/01/2018 - 12:00

PNO - Nếu có một cuộc bình chọn nhà tổ chức chương trình “điên” nhất, cực nhất, lăn xả nhất và có tâm nhất, giải đặc biệt hẳn phải thuộc về Thụy Uyên.

Túc tắc tổ chức, cặm cụi làm tất cả các khâu; mùa thi nào kết thúc cũng tả tơi, giảm từ 3-4kg, bụng bảo dạ, thôi năm sau không làm nữa; vậy mà, - sân chơi âm nhạc dành riêng cho người khuyết tật của Thụy Uyên, cô ca sĩ phòng trà nhỏ nhắn, đến nay vừa kết thúc mùa thứ 4.

Co mot cuoc thi hat khac…

Các thí sinh trong đêm chung kết Giai điệu trái tim mùa 4

Nhà tổ chức “bốn nhất”

Bốn năm trước, vừa thuê được địa điểm mở phòng trà, Uyên làm liều tổ chức Giai điệu trái tim với lý do cực kỳ đơn giản: “Tôi đi diễn thiện nguyện, gặp nhiều người khuyết tật. Họ ngồi nghe mê say, ao ước sẽ có một ngày được mặc đẹp, được hát trên sân khấu. Một lần, tình cờ xem buổi tập văn nghệ của các bạn, có người chân tay co quắp vẫn ráng rướn người cho bằng micro để hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, tận đáy lòng Uyên thôi thúc phải làm một chương trình riêng cho các bạn”.

Nếu có một cuộc bình chọn nhà tổ chức chương trình “điên” nhất, cực nhất, lăn xả nhất và có tâm nhất, giải đặc biệt hẳn phải thuộc về Thụy Uyên. Gọi Giai điệu trái tim là chương trình nghe hoành tráng, thực chất, như Uyên nói: “chỉ là sân chơi tự phát”. Tự phát, nhưng tổ chức chu đáo và chuyên nghiệp.

Từ ngày còn phòng trà đến lúc phải đi thuê, mượn địa điểm bên ngoài, Uyên luôn sẵn sàng với hai chữ “vượt khó”. Suốt cả tháng, Uyên bơi trong tỷ tỷ công việc: thuê ban nhạc, mời giám khảo, thầy dạy cho thí sinh, làm poster… cho đến chọn ảnh, chỉnh ảnh, post lên fanpage của chương trình, làm việc cùng thí sinh...

Uyên chuyên nghiệp đến độ để thí sinh tập trước với ban nhạc rồi mới bước vào vòng sơ khảo. “Các bạn khuyết tật rất nhạy cảm, thành ra giao tiếp với các bạn phải khác. Điều các bạn muốn là được đối xử như một người bình thường, nên chỉ cần mình tỏ ra thương hại, các bạn nhận ra ngay. Tôi không muốn các bạn đến với cuộc thi mà không thoải mái”.

Cũng chính vì tấm lòng đó mà Uyên kiên nhẫn ngồi dò từng số điện thoại trong danh sách đăng ký, để nhắc, cũng là động viên “em ơi nhớ đến thi nha”.

Thắp sáng những ngày vui

Giai điệu trái tim ngỡ sẽ kết thúc sớm, bởi “sức người có hạn”; bản thân Uyên, sau mùa thứ nhất, nhìn mình trong gương cũng giật mình: gầy sọp. Thế mà giờ đã qua năm thứ 4. Nhiều thí sinh bước ra từ cuộc thi như Đào Phương, Lê Trang, Lê Nhung, Tấn Tài, Ngọc Lượm… được các phòng trà biết đến, mời đi hát khắp nơi. Niềm vui này, với Thụy Uyên, lấp lánh hơn bất cứ thứ trang sức nào.

Co mot cuoc thi hat khac…

“Sau mùa đầu, tôi sợ mình không đủ sức, nghĩ là thôi dừng. Nhưng đến thời gian tương ứng mùa đầu, các bạn í ới nhắn tin hỏi khi nào tổ chức, nói rất mong chương trình, tôi lại tự nhủ phải làm tiếp. Nhiều người hỏi tôi làm chương trình này được gì. Tôi được tiếng cười, được nhiều cung bậc cảm xúc và học được nhiều từ các bạn. Nếu nói về mức độ kiên trì, có lẽ chúng ta không bằng các bạn. Nhà xa đến mấy, những buổi tập cách nhau nhiều đến mấy, các bạn vẫn đúng giờ và không bao giờ bỏ cuộc. Mỗi năm, cuộc thi kết thúc, tôi đều không biết liệu năm sau có tiếp tục hay không. Nhưng sau những ngày bận rộn, trở lại cuộc sống thường nhật, tôi thấy nhớ các bạn. Có một nỗi buồn man mác cứ len vào lòng, khiến mình có cảm giác những ngày vui qua mau”.

Nhìn cách Uyên trò chuyện, tâm sự cùng các thí sinh mới thấy đó không còn là cuộc thi mà là nơi gặp gỡ của những tâm hồn và âm nhạc. Uyên gần gũi, thân tình nhưng không suồng sã, tôn trọng nhưng không thương hại, làm sai thì quở trách nhưng ánh mắt thì quan tâm, chẳng khác nào chị lớn trong nhà. 

Nguyễn Thị Kim Hoàng, vận động viên khuyết tật, thí sinh mùa 3, sau đêm thi, đã bước lên sân khấu tặng lại Thụy Uyên chiếc huy chương vàng và số tiền thưởng nhỏ nhoi mà mình đã rất nỗ lực mới đạt được. “Nếu có người nào xứng đáng với chiếc huy chương này, em nghĩ người đó là chị”.

Giai điệu trái tim nay đã bắt đầu tìm được những tiếng nói đồng hành từ các Mạnh Thường Quân. Dẫu con số đó vẫn chưa đủ để Thụy Uyên xoay xở làm được một chương trình như chị mong muốn, sự chung sức ấy đã tiếp thêm cho chị niềm tin: chỉ cần làm đúng và làm bằng trái tim, sẽ tìm được những nhịp đập đồng cảm. 

Ca sĩ Thụy Uyên

Tôi vô cùng biết ơn những anh chị đã đồng hành và sẻ chia cùng mình. Tôi không dám kêu gọi tài trợ vì không biết cách làm truyền thông và cũng không dám chắc lượng thí sinh tham gia mỗi năm. Người khuyết tật nhiều, nhưng người có khả năng hát được không nhiều. Chưa kể, để các bạn vượt qua mặc cảm đứng trên sân khấu là cả một vấn đề. Tôi không muốn mang các bạn ra câu lòng thương cảm, để mọi người nhìn chương trình bằng con mắt kinh doanh. Như vậy, có gì đó bất nhẫn lắm.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI