Có một “cuộc chiến” quanh vắc-xin COVID-19

11/12/2020 - 06:35

PNO - Nhu cầu cấp thiết đã khiến các nhà phát triển vắc-xin bằng mọi cách cho chạy đồng thời các giai đoạn thử nghiệm. Điều này đã khiến cơ quan quản lý và giới khoa học hết sức quan ngại. Ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ - tuyên bố Ban Giám sát hiệu quả và an toàn của viện sẽ sớm kết thúc các thử nghiệm dù kết quả tạm thời tích cực hay tiêu cực.

 

Bác sĩ Doreen Brown, 85 tuổi, nhận mũi vắc-xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech đầu tiên tại Bệnh viện Guy’s ở London (Anh) ngày 8/12 - Ảnh: AP
Bác sĩ Doreen Brown, 85 tuổi, nhận mũi vắc-xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech đầu tiên tại Bệnh viện Guy’s ở London (Anh) ngày 8/12 - Ảnh: AP

Những phản ứng đầu tiên với thuốc

Bất chấp các lo lắng về hiệu quả và độ an toàn, ngày 9/12, Canada đã cấp phép lưu hành khẩn cấp cho vắc-xin COVID-19 của Công ty Dược phẩm Pfizer (trụ sở tại New York, Mỹ, đối tác của Công ty Công nghệ sinh học BioNTech, Đức) với dự kiến vài trăm ngàn liều ​​sẽ được cung ứng từ nay đến cuối năm. Cùng ngày, Anh đưa ra cảnh báo, người có tiền sử dị ứng nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin của Pfizer. Họ cho hay, đang điều tra về hai trường hợp gặp phản ứng bất lợi với thuốc xảy ra ngay trong ngày đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Cần lưu ý rằng, đây là loại vắc-xin mRNA đầu tiên trong lịch sử được phép sử dụng trên người.

Anh là quốc gia cấp phép sớm nhất cho vắc-xin của Pfizer và BioNTech vào ngày 2/12. Hiện vắc-xin đang được triển khai cho nhân viên, bệnh nhân tại Anh và Pfizer - BioNTech đã đồng ý cung cấp 40 triệu liều cho nước này trong năm 2020 và 2021.

Trái ngược với hai quốc gia trên, dù tình hình dịch bệnh hết sức báo động, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tỏ ra dè dặt. Bà chỉ nhẹ nhàng bày tỏ hy vọng loại vắc-xin COVID-19 sẽ được cung cấp tại Đức vào đầu năm mới. “Nó có thể sẽ được cung cấp và chấp thuận ở châu Âu từ đầu năm 2021, đó là tất cả những gì chúng ta biết” - bà Merkel nói. Vào lúc này, bà vẫn ưu tiên các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn là thuốc ngừa vi-rút.

Tại Mỹ, ngày 8/12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã công bố một phân tích nói rằng, vắc-xin Pfizer an toàn và cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả với COVID-19 trong vòng mười ngày kể từ liều đầu tiên bất kể chủng tộc, cân nặng hoặc tuổi tác. Cơ quan này xem xét để phê duyệt khẩn cấp cho lưu hành vắc-xin trên tại Mỹ trong nay mai.

Lo lắng chuyên môn hay lá bài chính trị?

Hồi tháng Bảy, Pfizer đã khởi động một cuộc thử nghiệm kết hợp giai đoạn hai và ba bằng cách tập hợp một nhóm tình nguyện đa dạng tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Sau đó, họ đã mở rộng thử nghiệm trên 44.000 người thuộc nhiều quốc gia. Kết quả sơ bộ cho thấy, vắc-xin tạo ra các kháng thể và phản ứng tế bào đặc hiệu với protein của vi-rút SARS-CoV-2. Nhưng ngoài hiệu quả và an toàn, các câu hỏi về bảo quản và cung ứng cũng đã được đặt ra với loại vắc-xin cần phải trữ ở -70oC này.

Theo Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, có thể trong một tuần rưỡi nữa, cơ quan liên quan sẽ phê duyệt đối với vắc-xin COVID-19. Có thể thấy, nếu như chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang ra sức thúc đẩy cho biện pháp vắc-xin thì phía Tổng thống đắc cử Joe Biden cho rằng, người Mỹ sẽ không bị buộc phải tiêm, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi dân chúng đeo khẩu trang trong 100 ngày - một biện pháp mà ông cho rằng phải song song với vắc-xin. Tuy vậy, ông Biden cho biết, cũng sẽ rất vui khi sử dụng vắc-xin trước công chúng để giảm bớt những lo lắng về sự an toàn của nó. Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton cũng cho biết, chuẩn bị tiêm chủng công khai.

Nhà phân tích Anthony Zurcher của BBC cho rằng, ngoài lo sợ về chuyên môn, có sự tranh cãi chính trị ở đây. Thực tế đó nằm sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Biden rằng ông sẽ không ủng hộ việc chính phủ bắt buộc người dân tiêm vắc-xin COVID-19. Nỗ lực có thuốc ngừa cấp tốc, ngay cả khi được giới khoa học và pháp lý ủng hộ, vẫn có thể tạo ra một làn sóng phản đối về tác dụng phụ đối với sức khỏe cộng đồng. Ông Biden vẫn chọn cách tiếp cận tuân thủ biện pháp cách ly xã hội với việc đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.

Trong bối cảnh nhiều loại vắc-xin đang được nghiên cứu và phát triển nhanh chóng, tư duy trên của ông Biden làm dấy lên “cuộc chiến tiêm chủng”. Cuộc chiến có vẻ đang diễn ra trên đất Mỹ là một ví dụ điển hình về quan điểm quản lý khủng hoảng y tế cộng đồng trong những tháng tới đây và theo Zurcher, điều này sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với nội các của ông Biden. 

 Nam Anh (theo National Geographic, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI